.

Phụ nữ Vân kiều học... nuôi con

Thứ Hai, 23/10/2017, 16:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 50 chị người dân tộc Vân Kiều bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) đã được tập hợp và sinh hoạt trong câu lạc bộ (CLB) dinh dưỡng. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu các chị đã tiếp cận và học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăm sóc con và được trang bị thêm những kiến thức liên quan. “Đi sinh hoạt CLB thấy vui và về nhà còn biết cách nuôi con cho khỏe!”, chị Hồ Thị Hải, hội viên CLB chia sẻ.

Với mục đích nâng cao nhận thức cho phụ nữ nói chung, các chị trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con nói riêng, tháng 12-2016, Hội Phụ nữ thị trấn Nông trường Việt Trung đã thành lập CLB dinh dưỡng thuộc Chi hội Phụ nữ bản Khe Ngát. Có gần 50 hội viên trong tổng số 80 hội viên toàn bản đăng ký tham gia CLB. Chị Hồ Thị Chăng (sinh năm 1986) được bầu  giữ chức chủ nhiệm CLB.

Từ khi thành lập đến nay, cứ đến ngày 25 hàng tháng, CLB lại tổ chức sinh hoạt với sự tham gia của tất cả các hội viên và đại diện Hội Phụ nữ thị trấn, các đồng chí bí thư chi bộ và trưởng bản Khe Ngát, cán bộ y tế thôn bản... Hội viên được hướng dẫn, chia sẻ, học tập các kiến thức về chế biến thức ăn để bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dưới 5 tuổi.

Sau phần lý thuyết, các hội viên được tham gia thực hành với sự “cầm tay chỉ việc” tận tình của đội ngũ cán bộ hội. Các cháu bé cũng được tham gia sinh hoạt cùng mẹ và được thưởng thức những bữa ăn “mẫu” trong không khí vui vẻ và đầy hứng khởi của những bà mẹ trẻ.

Bên cạnh việc hướng dẫn các hội viên trong chế biến dinh dưỡng, trao đổi kinh nghiệm nuôi con, tại các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn lồng ghép tuyên truyền các kiến thức về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ ba...

Chị Hồ Thị Chăng, Chủ nhiệm CLB cho biết: Do cuộc sống kinh tế của bà con dân bản còn nhiều khó khăn nên đời sống tinh thần nói chung, của chị em phụ nữ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều chị em vẫn còn sinh con thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm, trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn còn phổ biến... CLB ra đời đã giúp chị em hội viên có thêm một địa chỉ để gặp gỡ, sinh hoạt, chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Một buổi sinh hoạt CLB dinh dưỡng của hội viên phụ nữ bản Khe Ngát.
Một buổi sinh hoạt CLB dinh dưỡng của hội viên phụ nữ bản Khe Ngát.

Đặc biệt việc các hội viên được nghe về những kiến thức trong chế biến dinh dưỡng để chăm sóc trẻ là rất có ích. Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt CLB đều có mặt các thành viên là cán bộ trạm y tế, cán bộ dân số bản, thị trấn để lồng ghép tuyên truyền, nên chị em đã hiểu được sự cần thiết của việc phải đưa trẻ đến trạm y tế thăm khám, điều trị khi ốm đau hay các biện pháp phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em...

Bản Khe Ngát có hiện có 97 hộ, 375 nhân khẩu. Năm 2017, bản có 88 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Cái nghèo đã kéo theo nhiều khó khăn khác, trong đó nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn hạn chế. Việc triển khai và duy trì các buổi sinh hoạt CLB hàng tháng cũng gặp nhiều khó khăn. Mỗi tháng, các hội viên đóng 10.000 đồng/người để làm quỹ phục vụ hoạt động. “Những khi được mùa thì các chị em hội viên đều sẵn sàng, nhưng vào mùa mưa bão, chị em không có việc làm thì việc thu nộp cũng khó!”, chị Hồ Thị Chăng tâm sự.

Chị Trần Thị Minh Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: Từ khi thành lập CLB đến nay, Hội Phụ nữ thị trấn luôn sát cánh cùng chị em hội viên CLB dinh dưỡng bản Khe Ngát trong các cuộc sinh hoạt định kỳ với phương châm “cầm tay chỉ việc”. CLB là mô hình tốt để nâng cao nhận thức cho chị em hội viên, đặc biệt trong việc chăm sóc trẻ để hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Từ nguồn kinh phí hạn hẹp của mình, Hội Phụ nữ thị trấn cũng đã trích ra một phần để hỗ trợ CLB trong việc mua nguyên liệu để thực hành trong các buổi sinh hoạt. Về lâu dài, chị em hội viên CLB sẽ tự vận hành và phát triển CLB, tuy nhiên việc hỗ trợ kinh phí cho CLB trong sinh hoạt là cần thiết vì đời sống của người dân bản Khe Ngát còn rất hạn chế với 100% hộ nghèo và cận nghèo!

Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, CLB dinh dưỡng bản Khe Ngát là một trong những mô hình mới nhằm thu hút, tập hợp chị em hội viên. So với 3 xã trên địa bàn huyện Bố Trạch có đồng bào dân tộc sinh sống, bản Khe Ngát có những thuận lợi nhất định trong việc duy trì và phát triển CLB, giúp chị em có điều kiện nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ nói riêng và các kiến thức về đời sống xã hội nói chung.

“Bước đầu còn có nhiều khó khăn, nhưng đây là mô hình đã và đang có những tác động tích cực, nên dù khó thì Hội LHPN huyện và thị trấn cũng sẽ luôn đồng hành cùng chị em hội viên CLB dinh dưỡng bản Khe Ngát, làm tiền đề cho việc thành lập và phát triển CLB ở những địa bàn có đồng bào dân tộc sinh sống trong thời gian tới!”, chị Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch khẳng định.

Ngọc Mai