.

Lao động xuất khẩu về nước: Nhọc nhằn tìm việc làm

Thứ Bảy, 21/10/2017, 21:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, người từng đi xuất khẩu lao động được xem là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao. Tuy nhiên, có một thực tế là các lao động này lại khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, với mức lương tương xứng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong 10 năm qua (từ năm 2007 đến năm 2016), toàn tỉnh có 22.641 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các nước, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malayxia, Lào, các nước Trung đông... Như vậy, bình quân mỗi năm tỉnh có trên 2.200 lao động đi xuất khẩu lao động.

Theo đó, hàng năm có khoảng 1.900-2.100 số lao động về nước, trong đó, chủ yếu là về nước do hết hạn hợp đồng. Điều này cho thấy tỉnh có một nguồn lớn lao động xuất khẩu về nước với kỹ năng, trình độ chuyên môn, tay nghề, kinh nghiệm, ngoại ngữ... Nhưng, khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước, nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm một công việc phù hợp.

Sau 5 năm xuất khẩu lao động sang Đài Loan, năm 2004, anh Trần Hữu Châu, tổ dân phố 2 Mỹ Cương, phường Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới về nước. Niềm vui sum vầy với gia đình, người thân chưa được bao lâu thì nỗi lo cũng bắt đầu âm ỉ.

Hăm hở đi xuất khẩu lao động nhưng khi trở về nước, nhiều lao động lại loay hoay tìm công việc phù hợp.
Hăm hở đi xuất khẩu lao động nhưng khi trở về nước, nhiều lao động lại loay hoay tìm công việc phù hợp.

“Thời gian đầu, mình vẫn còn ung dung nghỉ ngơi ở nhà. Nhưng khoảng hai, ba tháng sau khi về nước, mình bắt đầu cảm thấy bị mất phương hướng, bởi không biết làm gì để bảo đảm cuộc sống, không tìm thấy được công việc nào phù hợp. Nơi thì lương quá thấp, không đủ chi tiêu cho bản thân và nuôi gia đình”, anh Châu chia sẻ.

Sau gần 4 tháng “ăn không ngồi rồi”, anh Châu quyết định dốc toàn bộ vốn mua xe ô tô 16 chỗ để làm dịch vụ vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, do thị trường cạnh tranh khốc liệt, xe cũng không chạy được nhiều, anh lại có ý định đi xuất khẩu lao động trở lại.

Còn anh Ngô Văn Công, thôn Hạ Trường, xã Quảng Trường (Quảng Trạch) trở về sau 3 năm xuất khẩu lao động sang Angola làm thợ cơ khí. Tuy nhiên, loay hoay mãi vẫn không tìm được việc làm phù hợp với bản thân, cuối cùng anh quyết định bàn với gia đình bỏ vốn kinh doanh nhỏ. Anh cho biết: “Bây giờ, cuộc sống của gia đình cũng đã tạm ổn, không như lúc mới về, tôi không tìm được việc phù hợp, ở nhà thì bạn bè gọi ăn uống suốt ngày, gia đình thường xuyên lục đục.

Không riêng gì anh Châu, anh Công, nhiều lao động đều khẳng định sau khi từ nước ngoài trở về, thu nhập và mức sống của gia đình được nâng lên, nhưng việc tái hoà nhập thị trường lao động trong nước lại rất khó khăn do thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ của địa phương, doanh nghiệp.

Nhiều lao động cho biết, khi về nước, mặc dù có chút vốn liếng, nhưng sau đó, họ rất dễ bị rơi vào cảnh trắng tay vì số tiền có được vừa lo trả nợ, xây dựng, sửa chữa nhà cửa và mua sắm đồ đạc trong gia đình. Quanh đi quẩn lại không có việc làm, họ lại muốn đi xuất khẩu lao động trở lại.

Bên cạnh đó, vì lo lắng không tìm được việc làm phù hợp với mức lương tương xứng, không ít lao động xuất khẩu sau khi hết thời hạn hợp đồng trốn ở lại nước sở tại để cư trú, lao động bất hợp pháp. Theo Sở LĐ-TB-XH, do những bất cập của hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nên hiện tại Sở chưa nắm được cụ thể số lượng lao động cư trú bất hợp pháp ở các nước.

Tuy nhiên, hàng năm, số lao động về nước do vi phạm hợp đồng chiếm khoảng 6,2-6,8%, số lao động này chủ yếu là bỏ doanh nghiệp được tuyển đến, trốn ra ngoài tìm doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, số lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình (EPS) đang cư trú bất hợp pháp là 65 người, chiếm 58,56%, gây trở ngại rất lớn trong việc quản lý, sử dụng lao động và chính sách xuất khẩu lao động giữa tỉnh ta với các nước.

Ông Lê Xuân Dục, Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết; đối với các lao động khi hết hạn hợp đồng về nước, tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích tạo việc làm, như: tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; kết nối thông tin cung - cầu về việc làm giữa người sử dụng lao động với lao động thông qua các hội nghị, phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm của tỉnh, các trung tâm dịch vụ việc làm và lưu động tại các địa phương trong tỉnh; liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung ứng lao động, giới thiệu việc làm trong nước.

Để khắc phục tình trạng lãng phí lao động chất lượng cao, ngay khi có kế hoạch đưa người đi làm việc ở nước ngoài, các ngành chức năng và địa phương cần phối hợp thiết lập hệ thống dữ liệu quản lý thông tin về trình độ, nghề nghiệp, thị trường lao động; xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp khi người lao động hết hạn hợp đồng về nước.

Quan trọng hơn, với những lợi thế về vốn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, người lao động nên linh hoạt, chủ động trong tiếp cận thông tin để phát huy thế mạnh, tạo dựng nghề nghiệp ổn định ngay trên quê hương.

Phạm Hà