.

Liệt sĩ tìm về quê hương sau nửa thế kỷ mất tích

Thứ Tư, 22/04/2015, 17:47 [GMT+7]

(QBĐT) - 10 năm ngồi tù, bị tra tấn dã man để rồi 40 năm sau đó lưu lạc nơi đất khách quê người. Cũng chừng ấy năm, gia đình lập bàn thờ, mộ gió cho người liệt sĩ. Nay bỗng nhiên “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương trở về trong sự ngỡ ngàng và niềm vui khôn xiết của gia đình, bà con thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch...

50 năm làm giỗ cho người sống

Những ngày gần đây, người dân thôn Lý Nhân Bắc không khỏi ngỡ ngàng trước sự đột ngột trở về của “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương, người mà bà con trong thôn cứ tưởng đã hy sinh từ nửa thế kỷ trước trong kháng chiến chống Mỹ. Căn nhà nhỏ của ông Hồ Xuân Khanh (em trai ông Hương) chưa bao giờ đông vui đến thế, anh em họ hàng, bà con láng giềng, cả những đồng đội năm xưa  khi nghe tin ông Hương “sống lại” và trở về ai cũng đến thăm hỏi, chia vui cùng gia đình. Ông Khanh tâm sự: “Đầu năm 1964, khi vào làm công nhân đóng tàu ở Phà Gianh, mỗi tháng anh Hương đều biên thư về nhà nhưng đến giữa năm 1964 thì không còn liên lạc gì nữa cho đến tận bây giờ. Ngót nghét cũng đã hơn 50 năm rồi chi nữa”. Ngày gặp lại, mấy anh chị em mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc nức nở như thuở còn con nít.

Gia đình “Liệt sĩ” Hồ Xuân Hương có 5 anh chị em, ông là con trai trưởng. Năm 16 tuổi, ông Hồ Xuân Hương làm công nhân vườn ươm rồi chuyển về đóng tàu ở Phà Gianh. Sau đó được tuyển chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27. Trải qua những đợt huấn luyện cấp tốc, ông Hương được tuyển vào lực lượng xung kích vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường Trị - Thiên. Giữa năm 1964, trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), tàu vận tải của đơn vị ông Hương bị địch tập kích bắn chìm trên biển. Đồng đội trên tàu hy sinh hết, chỉ còn mình ông bị thương nặng bám vào được mảng thuyền bị vỡ và lênh đênh trên biển suốt 3 ngày đêm. Mấy ngày sau đó, tàu địch phát hiện và ông bị bắt giam tại Vĩnh Linh rồi bị đưa vào đồn Mang Cá (TP. Huế), vào Đà Nẵng rồi bị đày ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Trải qua một loạt nhà tù, bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng ý chí kiên định và khát vọng sống mãnh liệt đã không làm ông Hương gục ngã. Tuy nhiên, người chiến sĩ cách mạng đã bị những đòn tra tấn của quân địch cướp mất trí nhớ sau hàng chục lần chết đi sống lại ở nhà tù Phú Quốc.

Ông Hương nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng trong nhà tù: “Khi bị địch bắt giam, bọn chúng đánh đập dã man, nhốt trong xà lim sắt, mỗi ngày chỉ cho một bát cơm nhỏ để cầm hơi. Kinh hoàng nhất là chúng dùng dây xỏ vào lỗ tai tôi rồi chích điện. Ngất lên ngất xuống tưởng chừng không sống nổi. Đến ngày được thả tự do thì tôi không còn nhớ gì về mình nữa ngoài cái tên giả Nguyễn Thanh sống ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm ngư dân đánh cá, cứ khai đi khai lại suốt 10 năm với địch”.

Năm 1975, sau khi được thả tự do vào đất liền, ông Hương lang thang đói rách khắp Sài Gòn như người vô định, không chốn dung thân. May mắn được một số người dân tốt bụng cưu mang qua ngày rồi phiêu bạt về tới Đồng Nai. Trong một lần lang thang về khu vực Hố Nai (nay là phường Hố Nai, TP. Biên Hoà, Đồng Nai), ông Hương được một người phụ nữ lớn tuổi quê miền Bắc gọi vào thuê làm mấy việc vặt trong nhà. Thấy ông hiền lành, bà chủ nhà mai mối giúp cho ông Hương lấy được bà Hà Thị Đỏ làm vợ khi bà Đỏ vừa tròn tuổi 18. Hai vợ chồng ông Hương sau đó dắt nhau về làm rẫy ở ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho đến tận bây giờ mà không hề nhớ gì đến quê hương.

Bằng Tổ quốc ghi công “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương hy sinh ngày 29 tháng 5 năm 1965
Bằng Tổ quốc ghi công “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương hy sinh ngày 29 tháng 5 năm 1965

Thời kỳ chiến tranh, bom rơi đạn lạc, việc liên lạc giữa thời chiến bị đứt đoạn âu cũng là chuyện thường, cả gia đình cũng mòn mỏi mong ngóng tin tức của ông Hương. Nhưng chờ mãi, sau giải phóng cũng không thấy tin tức gì của ông Hương. Đến năm 1978, ông Hương được xác nhận là đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vận tải trên biển và công nhận là liệt sĩ. Kể từ đó, gia đình lấy ngày 29 tháng 5 (ngày xuất phát của đoàn tàu) làm ngày cúng giỗ cho ông Hương.

Ông Khanh cho biết: “Gia đình cứ nghĩ anh hy sinh trên biển, không tìm được xác nên lập một cái mộ gió trong nghĩa trang của dòng tộc. Cứ đến ngày giỗ thì hương khói. Năm nay cũng như thường lệ, mấy anh chị em đang định ngồi lại bàn việc cúng giỗ cho bác Hương thì nghe tin bác còn sống...”

Niềm vui ngày đoàn tụ

“Liệt sĩ” Hồ Xuân Hương trở về sau 50 năm mất tích
“Liệt sĩ” Hồ Xuân Hương trở về sau 50 năm mất tích

Gần 10 năm ngồi tù, bị đánh đập dã man. Ngoài trí nhớ bị mất, tai ông cũng nghe câu được câu mất. Càng về già sức khỏe của ông càng yếu đi rõ rệt. Nhưng niềm tin tìm lại được quê hương bản quán, người thân luôn thôi thúc ông Hương. Ông chia sẻ: “Mình đã sống đến cái tuổi này rồi mà không nhớ gì về bản thân. Nhất là những lúc tết đến, xuân về, thấy người ta vui vẻ sum vầy quê nội, quê ngoại cùng người thân, họ hàng còn mình chẳng nhớ nổi quê ở đâu, buồn lắm”. Đã nhiều lần, ông Hương nhờ người quen ra tận Vĩnh Linh để hỏi thăm quê nhưng đi khắp huyện vẫn không tìm được người có thể nhận biết ông.

Năm 2013, sau một đợt ốm nặng kéo dài, đã vô tình khôi phục lại một phần trí nhớ cho ông Hương. Những đợt tra tấn, những trận đòn xung điện lại dồn dập hiện về cùng những kỷ niệm thời ấu thơ ở vùng quê Lý Nhân Bắc. Sau khi ốm dậy, những kí ức mập mờ được ông kể lại với mấy người con. Sau đó, người con dâu của ông nhờ một người làm cùng công ty quê ở xã Bắc Trạch (Bố Trạch) liên lạc về, nhờ một người đàn ông tên Chiến vào Lý Nhân Bắc tìm ông Khanh, cô Ngùy (chị gái ông Hương). Qua điện thoại, mấy anh em nhận ra giọng nói của nhau sau nửa thế kỷ ly biệt.

Hai ngày sau đó, ông Hương cùng mấy người con lên Sài Gòn đi máy bay về thẳng Quảng Bình. Đến ngày 17-4-2015, “liệt sĩ” Hồ Xuân Hương đã đặt chân về nơi mình sinh ra sau 50 năm xa xứ. Nơi đây, tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi ngày ông Hương hy sinh vẫn được treo trang trọng trên tường nhà. Cả gia đình vào tận sân bay đón người anh, người bác “liệt sĩ” trở về sau 50 năm mất tích. Ngày gặp lại, ai cũng mừng, ôm nhau khóc nức nở. Những ký ức dần dần trở về, ông Hương kể lại cho mọi người cùng nghe. Ông Hương xúc động chia sẻ, những tưởng sẽ không bao giờ tìm lại được quê hương, người thân bạn bè nữa. 50 năm nay chưa có ngày nào ông thấy vui như ngày đoàn tụ hôm nay.

Về đến nhà, bà con hàng xóm biết tin đứng chật đường làng đón người con của quê hương trở về sau bao nhiêu năm xa cách. Những đồng đội năm xưa cũng lặn lội từ tận Ba Đồn, Quảng Trạch vào thăm người đồng đội bỗng nhiên “sống lại”. Những tiếng chào nhau đầy ân tình nghe thân thương đến lạ. “Mi về rồi đó à Hương”...

Xuân Phú