.

Nghị lực của chàng trai khiếm thị

Thứ Ba, 21/04/2015, 12:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, chàng trai khiếm thị Phan Thanh Sơn ở thôn Thuận Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch đã làm chủ cơ nghiệp với 350 con gà đẻ, trên 20 con lợn, chục con nhím và 2ha keo. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Sơn đang được bà con trong và ngoài vùng đến tham quan, học tập làm theo.

Phan Thanh Sơn sinh năm 1981 trong một gia đình có 5 anh chị em, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sơn sinh ra cũng có đôi mắt lành lặn như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên khi đang học tiểu học chỉ vì nghịch ngợm kíp mìn nhặt được trên đường, bị thuốc pháo bay vào mắt và bị giảm thị lực nặng. Sau thời gian chữa chạy khắp nơi không thành và bị khủng hoảng nặng tâm lý, Sơn xác định mình phải làm quen với cuộc sống mới, cuộc sống không có ánh sáng. Mọi việc lúc đầu thật khó khăn, kể cả việc sinh hoạt cá nhân nhưng sau nhiều ngày kiên trì, anh không những tự lo được cho bản thân mà còn làm rất thành thạo các việc trong gia đình.

Hạnh phúc đã đến với chàng trai trẻ Phan Thanh Sơn khi anh được một cô gái xinh xắn đồng cảm và yêu mến. Vượt qua rào cản của gia đình, cô quyết tâm đến với anh. Sau khi lấy vợ đời sống của anh gia đình anh Sơn càng khó khăn hơn. Vì hai vợ chồng chỉ trông vào mảnh vườn nhỏ trồng rau, chăn nuôi nhỏ.

Khâm phục ý chí, nghị lực của anh Sơn, nhiều người đã tới thăm hỏi và động viên anh.
Khâm phục ý chí, nghị lực của anh Sơn, nhiều người đã tới thăm hỏi và động viên anh.

Năm 2010, tin vui đã đến khi anh được Quỹ Hội vì sự phát triển của người khuyết tật hỗ trợ cho anh vay vốn. Từ đó, anh quyết định nhờ bạn bè chở đi thăm các mô hình phát triển trang trại, gia trại trên địa bàn huyện để học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi gà lấy trứng và lấy thịt. Chỉ sau 3 năm, số gà của anh từ vài chục con đã tăng lên tới hơn 300 con gà mái đẻ và gần 100 gà trống. Không toại nguyện với những gì mình làm được, anh Sơn tiếp tục đầu tư nuôi lợn và đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi giỏi trong xã, thường xuyên nghe đài để rút ra những kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc đàn lợn. Và hiện tại trong trang trại của anh đã có trên 20 con lợn thịt và lợn nái. Ngoài ra anh còn đầu tư nuôi cá, nhím... tạo công ăn việc làm cho 7 người cũng là người khuyết tật trong thôn.

Nhiều người dân địa phương chứng kiến sự thành công của anh Sơn trên con đường vượt lên số phận đã không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực phi thường ấy của anh. Hiện nay, gia trại của anh sau khi trừ chi phí mỗi năm thu về 80 triệu đồng. Sắp tới anh dự định sẽ nhân rộng lên 500 gà mái đẻ và xuất bán mỗi tháng hơn 5.000 con gà giống cho các thương lái trong huyện và tỉnh.

Nói về bí quyết làm giàu, anh Sơn cho hay, trước tiên không được trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác, sau đó phải cần cù, chăm chỉ làm việc và phải thật tiết kiệm, không chi tiêu lãng phí. Khi chưa có kinh nghiệm thì nên nuôi ít, dần dần có kinh nghiệm thì mình tăng dần về số lượng như nuôi lợn từ một con, lên hai con, ba con, rồi mới nuôi thành đàn. Thả cá từ ao nhỏ, mở rộng dần thành ao lớn. Những lúc làm ăn không thuận lợi, đàn gà mắc dịch bệnh phải tiêu hủy, anh vẫn không nản chí. Anh trăn trở hằng đêm suy nghĩ rồi cất công đi học hỏi những người có kinh nghiệm và hiểu biết về chăn nuôi, cách phòng bệnh và chăm sóc lợn, gà sao cho tốt nhất. Sau mỗi thất bại, Anh lại tích lũy được kinh nghiệm quý để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.

Ngoài việc làm giàu cho bản thân và gia đình, Anh Sơn còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, chủ động quan tâm, thăm hỏi và tặng quà những người khuyết tật khác. Anh cũng tận tình trao đổi kinh nghiệm, cho những người đồng cảnh ngộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Người xưa có câu “Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”. Tuy nhiên với anh Sơn dù mất đi một trong những giác quan nhạy bén đó nhưng anh vẫn vươn lên, để cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa hơn.

Phạm Hà