.

Người giữ ký ức tuổi thơ

Thứ Năm, 13/02/2014, 16:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi gọi loại kẹo mà bà Phan Thị Mẹo làm là "kẹo tuổi thơ" và bà Mẹo - người làm thứ kẹo này là người giữ ký ức tuổi thơ. Không biết điều đó có đúng không nhưng thực sự tôi nghĩ, khi giá trị vật chất càng nhỏ bé mà cứ chạm đến nó là cảm xúc dâng trào thì đó chính là điều quý giá thiêng liêng và không gì có thể so sánh được. Ký ức tuổi thơ, dù là vui hay buồn, dù là ấm áp hay giá lạnh thì nó vẫn là thứ tài sản tinh thần quý giá mà chúng ta luôn hoài niệm và nhớ đến trong suốt cả cuộc đời.

Một ngày bình thường, trong ồn ào của chợ búa, tôi chợt khựng lại khi bắt gặp nơi góc nhỏ chợ Hoàn Lão (Bố Trạch), một người đàn bà già nua ngồi sau cái mẹt nhỏ đựng trên đó 3 loại kẹo "xưa như trái đất". Bà ngồi đó thanh thản, lặng lẽ và không mời chào. Tôi, sau phút khựng lại đó bỗng vỡ òa thích thú chạy ào lại.

Cái cảm giác như gặp lại người thân yêu của mình trở về sau những trông ngóng, đợi chờ, điều đó thật hạnh phúc. Trên cái mẹt nhỏ và trong cái thúng kê ở dưới có 4 loại kẹo, đó là kẹo bột (hay con nít vẫn kêu là kẹo ở lổ), kẹo mè, kẹo lạc và kẹo bạc hà. Vui quá, tôi mua chẵn chục và mặc cả như vòi vĩnh, bà bán cho tôi 10 gói lấy 40 ngàn đồng. Tôi thành khách quen nhanh chóng như đã gặp bà tự thuở ngày xưa và với cái hẹn hò, bà cho cháu xuống nhà xem bà làm kẹo với...

Cùng với một người bạn, tôi tìm về làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, Bố Trạch) tìm gặp người giữ kí ức tuổi thơ. Hỏi bà Mẹo, ai cũng bảo bà Mẹo làm kẹo chứ gì? Đường vào sâu trong làng Lý Hòa vòng vèo, uốn khúc chật chội như mê hồn trận. Sau nhiều cái suýt đúng nhà thì chúng tôi cũng tìm đến nhà bà. Và cũng phải lần thứ hai trở lại thì tôi cũng mới được dịp trò chuyện và lân la xem bà làm kẹo. Bà Mẹo kể, bà làm nghề này từ khi 15 tuổi, năm nay 75 thế là trọn 60 mươi năm rồi. Tất cả bằng thủ công thô sơ, cách đây 60 năm cũng làm như thế và bây giờ kẹo của bà Mẹo vẫn làm y như thế...

Bà Phan Thị Mẹo với công đoạn kéo kẹo.
Bà Phan Thị Mẹo với công đoạn kéo kẹo.

Câu chuyện đan xen giữa công việc và dòng ký ức lộn xộn của người già. Bà tỉ tê: hồi bà 15 tuổi, trong làng Lý Hòa này cũng có 5 người làm kẹo như bà. Không học ai hết, bà thích thế là tự làm, lâu dần rút kinh nghiệm. Hồi đó bà còn con gái, sau 5 năm làm kẹo thì lấy chồng. 6 đứa con, 2 trai 4 gái ra đời và khôn lớn thành đạt cũng nhờ mẹt kẹo quê của bà. Thời kỳ cao điểm, bà thuê 3 nhân công cùng các con trong nhà làm để nhập cho các hàng quán với nhiều loại kẹo khác nhau. Bây giờ công nghệ hiện đại, kẹo bánh tràn lan với đủ chủng loại, mẫu mã kiểu dáng bắt mắt, những người làm kẹo thời bà đã chuyển nghề từ lâu hoặc đã bỏ nghề. Chỉ còn mình bà vẫn kiên trì bám trụ, mà như bà nói nó như là duyên, là định mệnh gắn với cái tên "bà Mẹo làm kẹo" để cho bà mãi không thể quay lưng với nó. 

Lốc cốc, bà tỉ mẩn từng tí một chặt khoanh tròn kẹo lạc ra làm 8 mảnh nhỏ. Bà nói phải làm cho xong 3 nồi kẹo lạc để cô bán hàng xén xóm trên xuống lấy cho kịp. Tôi bảo cháu thích kẹo bột, cháu sẽ chờ bà làm để mua biếu bạn phương xa, các bạn cháu rất thích. Thế là bà lật đật dẹp lại chỗ kẹo lạc vừa chặt xong rồi đi lấy soong cân đường. Tôi hỏi bà làm một mẻ bao nhiêu kí đường, bà bảo ngày xưa có sức khỏe bà kéo 2 kí, bây giờ già rồi chỉ 1 kí thôi. Tôi nhóm lửa và bà lấy đường trộn nha. Bà bảo tôi khuấy đều tay để kẹo trắng hơn. Đường quánh lại, bà cho thêm sữa Ông thọ vào và thử bằng một chén nước lã. Sau đó đổ ra trên một cái mâm đặt trên một chậu nước lã và đều tay trở cho nguội. Đường nguội dần, bà bắt đầu bỏ lên một cột móc trên cột nhà và công đoạn thú vị nhất là kéo cho đường xốp lên.

Nhìn bà già 75 tuổi chậm chạp thế mà lúc kéo kẹo lại uyển chuyển, nhịp nhàng như đang múa, tôi cứ xuýt xoa, còn bà móm mém cười. Kẹo kéo xong, nếu bỏ nguyên và gói kỹ ủ ấm như vậy thì nó sẽ thành kẹo kéo, còn làm kẹo bột thì bỏ đậu lạc vào giữa, vê nhỏ và dùng kéo xắp từng khoanh nhỏ bỏ vào giữa bột sắn thế là thành kẹo bột (hay gọi là kẹo ở lổ).

Tuổi thơ của những đứa ở quê như chúng tôi, mong ngóng mạ đi chợ về để có được cái bánh đa, gói kẹo bột, kẹo mè hay cái bánh rán. Có thể chính điều đó mà kẹo bà Mẹo còn tồn tại được đến ngày hôm nay. Bà kể, kẹo bà đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, sang đến tận châu Âu. Tuy nó dân dã quê mùa nhưng những đứa con đi xa đều mong muốn được gặp lại quê hương, thấy lại tuổi thơ mình trong từng gói kẹo quê đó. Có người ra tận chợ Hoàn Lão, tìm bà Mẹo bán kẹo tại cây bàng để nhìn bà cho đỡ nhớ ba, nhớ mạ giờ đã thành người thiên cổ.

Và tôi, dù vẫn còn ba mạ, vẫn ở ngay tại mảnh đất sinh ra mình, thế nhưng khi cầm trên tay những cục kẹo bao bột trắng xóa, dính cả tay, cắn vào dính cả miệng, vẫn rưng rức nhớ những buổi tan trường ước có tiền để mua cục kẹo bột, nhớ những buổi trưa bóng xế vẫn đợi mạ về để lục lọi trong cái làn cũ kỹ xem có chút quà nào cho con... Có lẽ đó chính là điều ngọt ngào nhất, kỳ diệu nhất mà kí ức ta ấp ủ, mời gọi khi chạm tay vào kỷ niệm đã và sẽ không bao giờ có được nữa.

Cũng như bà lão 75 tuổi này, nếu nghỉ một ngày không làm kẹo, bà sẽ ốm và bà bảo cho đến khi không thể là làm được nữa thì bà mới thôi. Có lẽ là tình yêu, là máu thịt là kí ức của những năm tháng hạnh phúc với công việc này và không không phải ai cũng làm được điều đó...

Phan Tứ