.

Bùng phát nạn khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông

Thứ Tư, 12/02/2014, 15:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự ra quân quyết liệt và mạnh mẽ của lực lượng liên ngành nên cuối năm 2013, tưởng như đã thực sự chấm dứt được nạn khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch). Nhưng tình trạng này chỉ tạm yên ắng một thời gian ngắn rồi bùng phát trở lại với quy mô lớn…

Khai thác quy mô… công nghiệp

Vào một buổi trưa sau Tết Nguyên đán mấy hôm, chúng tôi đã có mặt tại xã Cảnh Hóa để chứng kiến cảnh tượng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông bùng phát trở lại. Các bến tập kết cát ven sông Gianh, nằm không xa trụ sở UBND xã Cảnh Hóa ầm ầm tiếng máy nổ bơm cát từ thuyền lên bãi. Những chiếc máy xúc làm việc không ngơi nghỉ, gầm rít nhả khói đen ngòm cả một vùng quê. Hàng chục chiếc xe trọng tải lớn không ngớt vào ra chở cát tại các bãi, sau khi thùng xe đầy cát, các tài xế vội vàng trùm kín bạt rồi xuất bến…

a2
Trên các bến bãi, máy xúc làm việc không ngừng nghỉ.

Một người dân (xin giấu tên) bức xúc nói: “Tình trạng này đã diễn ra từ ngày 26 Tết Giáp Ngọ đến nay. Họ khai thác, vận chuyển cát lậu bất kể ngày đêm, ban ngày còn ít, vào ban đêm từ khoảng 21giờ trở đi càng rầm rộ hơn, sáng ra cả tuyến đường 12A ướt nhẹp nước do xe chở cát chạy liên tục. Không hiểu các lực lượng chức năng làm gì, ở đâu mà để tình trạng này cứ diễn ra như thế”.

a1
Hàng chục chiếc xe trọng tải lớn liên tục vào ra bãi lấy cát.

Chỉ đứng tại các bãi tập kết cát ven sông Gianh của xã Cảnh Hóa chừng hơn 2 giờ đồng hồ buổi trưa, chúng tôi đã đếm được có hơn 40 chục chiếc xe hạng nặng vào lấy cát, mỗi chiếc chở từ 20-30m3 cát.

Theo quan sát của chúng tôi, các phương tiện xe ben vận chuyển cát đều mang biển kiểm soát của Quảng Bình. Bà Trần Thị Mỹ Hương, cán bộ phụ trách mảng địa chính, xây dựng của UBND xã Cảnh Hóa cho biết, số cát này đều được chở ra bán ở Hà Tĩnh, cụ thể là ở Khu Kinh tế Vũng Áng. Do được khai thác trái phép nên xã cũng không hề thu được bất cứ một loại phí, thuế nào.

Hút cát lên là có tiền

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ở các xã giáp ranh huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa, nhất là xã Cảnh Hóa đã diễn ra từ lâu lắm rồi, và chưa hề có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Tuy nhiên, các năm trước, do chỉ phục vụ cho nhu cầu xây dựng nội huyện nên quy mô khai thác không lớn, các bến bãi cũng không nhiều như hiện nay. Chỉ từ khi các doanh nghiệp phía Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhảy vào mua cát với khối lượng lớn thì mới bùng lên tình trạng khai thác quy mô lớn như hiện nay.

a4
Cát khai thác trái phép được nhanh chóng chở ra Hà Tĩnh tiêu thụ.

Thống kê hiện tại, chỉ riêng xã Cảnh Hóa đã có 16 thuyền và 1 tàu chuyên nghề hút cát lòng sông, chủ yếu là ở thôn Kinh Tân, Cây Thị và Cấp Sơn. Tính trung bình, mỗi một ngày đêm, một thuyền với 3 lao động làm việc nhàn nhã cũng hút được từ  6-7 chuyến, mỗi chuyến từ 10-15m3 cát. Cứ mỗi khối cát bơm lên bãi được mua với giá 25-30 ngàn đồng. Giá từ bãi bán ra từ 75-80 ngàn đồng/m3. Tính sơ, mỗi lao động hành nghề khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép rồi bán lại cho các bến bãi có thu nhập khoảng gần 1 triệu đồng/ngày.

Để phục phụ cho nhu cầu tập kết cát, trên địa bàn xã Cảnh Hóa đã nhanh chóng hình thành 11 bến bãi, trong đó 6 bến bãi quy mô lớn đầu tư cả máy xúc. Cũng trong 11 bến bãi này, có 5 bến bãi được người dân dùng đất đã được cấp sổ đỏ đứng ra làm, số còn lại chủ yếu là sử dụng hành lang đường 12A và bến sông để lập bãi trái phép.

a3
Cát được hút từ thuyền lên bãi tập kết.

“Cứ thuyền nổ máy hút cát lên là có tiền. Cát hút vô tội vạ, không phải đóng thuế, phí gì cả nên họ cứ làm tới thôi. Khai thác như vậy nên tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra là đương nhiên. Chính quyền và các lực lượng chức năng có tổ chức truy quét thì tạm lắng xuống, truy quét xong thì lại bùng lên…”- một cán bộ hưu trí xã Cảnh Hóa bày tỏ sự bức xúc.

Cần truy quét quyết liệt hơn nữa

Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông ở khu vực giáp ranh hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa đã trở thành “điểm nóng”, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2013 của HĐND tỉnh khóa XVI, trước phản ánh của cử tri, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương hai huyện phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp để truy quét, lập lại trật tự. Nếu không làm được, cấp ủy, chính quyền địa phương, mà cụ thể là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, chịu hình thức kỷ luật.

a6
Thuyền hút cát trên sông Gianh, đoạn giáp ranh hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, với sự ra quân truy quét mạnh của các huyện, các lực lượng chức năng tỉnh phối hợp, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông trên sông Gianh đoạn giáp ranh hai huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch đã thực sự lắng xuống. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn mà thôi, bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lợi dụng dịp Tết, những “sa tặc” ở Cảnh Hóa lại lộng hành, và khôn khéo hơn là đưa thuyền đi hút cát... buổi tối, còn buổi ngày thì vận chuyển đi tiêu thụ.

a5
Lưu lượng xe trọng tải lớn chạy liên tục nên mặt đường 12A xuống cấp nhanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết, để chấm dứt tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, xã, huyện đã nhiều lần ra quân truy quét, lập biên bản, mời các hộ có liên quan lên cam kết không tái phạm, như rồi đâu lại vào đấy. Chỉ có đợt truy quét cuối năm 2013 là có hiệu quả nhất, tạm lắng được chừng 2 tháng, nay lại bùng phát trở lại.

a7
Hầu hết các bến bãi tập kết cát đều được lập trái phép.

“Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã làm hết sức, dẹp được một thời gian rồi lại bùng phát. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa là bởi người dân thiếu việc làm, ruộng đất ít nên biết là sai phạm đó nhưng vẫn làm liều. Đề nghị đề các cơ quan ban ngành, các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng trên. Trước mắt cần ra quân truy quét quyết liệt hơn nữa để đẩy đuổi các đối tượng, làm rõ và xử lý nghiêm minh các cá nhân sai phạm trong thời gian sớm nhất”, ông Thực nói.

Cũng qua trao đổi với phóng viên, nhiều vị lãnh đạo huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Hóa đều cho rằng, tỉnh cần thực hiện biện pháp cấm các phương tiện vận chuyển cát ra Hà Tĩnh bán để vừa hạn chế được tình trạng chảy máu tài nguyên, vừa góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép như hiện nay.

A.Tuấn - Đ.Thành