.

Bộ ấm trà

Thứ Sáu, 29/01/2016, 16:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu trời không mưa, sư Hạnh Phương thường tiếp tôi nơi bộ bàn đá, dưới tán bằng lăng, khi tôi tới thăm. Cây bằng lăng chắc đã có tuổi trăm, gốc to như cột đình, xòe tán che mát cả sân chùa. Không gian ở đây rợp màu xanh, cả mái ngói cũng xanh thẫm màu rêu. Lẫn trong vòm lá là những chùm hoa muôn màu; đây đó thoảng hương cau, ổi, ngọc lan dìu dịu. Ngồi uống trà với sư, nghe tiếng chim trong vườn chùa, lòng tôi lắng lại; những bực dọc, bon chen như đã thuộc về cõi khác.

Thứ trà sư Hạnh Phương thường mời tôi được ướp hoa nhài hoặc sen; “cũng đều là hoa lá của nhà chùa”- sư bảo thế. Nó được pha trong chiếc ấm cũ; các hoa văn trang trí trên đó đã bong tróc nhạt nhoà, với đầu óc bay bổng mới có thể “phục chế” được trong tưởng tượng. Núm cầm nắp ấm từng bị sứt, được gắn lại bằng xi măng trắng, thật tinh mắt mới thấy. Như để đồng điệu, sáu chiếc cốc đi kèm thì có một nửa là mất quai, mẻ miệng. Khi mời trà, bao giờ sư cũng chọn chiếc cốc còn lành nguyên đưa về phía khách.

Một hôm, đang cho trà vào ấm, sư bỗng dừng tay, thu bộ ấm chén cho vào cái khay để qua bên, thong thả đứng lên đi về phía tủ li đặt sát tường. Lúc quay ra, trên tay gia chủ là bộ ấm trà mới tinh. Nó được để trong hộp xốp; trên nền vải lót hộp màu mỡ gà, nổi bật bộ ấm xanh màu ngọc bích. Chiếc ấm to tròn đứng cạnh những chiếc cốc nhỏ xinh hệt như mắt trâu, trông vừa tương phản vừa hoà đồng. Nâng chén trà sóng sánh như mật ong, tôi những muốn kéo dài khoảnh khắc được thưởng thức hương vị thanh tao đang toả theo làn khói mỏng. Thấy khách mải nhìn vật dụng mới, gia chủ mỉm cười: “Đây là quà tặng của một bạn đồng tu người nước ngoài, từng học với tôi ở Ấn Độ”. Tôi săm soi kỷ vật hồi lâu rồi góp chuyện: “Thưa thầy, ở những quầy đồ sứ hiện nay, không thấy có màu men và kiểu dáng thế này”. Sư châm thêm trà vào cốc, giọng từ tốn: “Anh bạn tôi bảo, đồ này được làm từ đời nhà Thanh.” Thảo nào, trông nó cũ nhưng vẫn gợi lên vẻ đẹp rất ưa nhìn. Không bóng nhoáng, cả những hoa văn trang trí cũng chỉ là những chấm phá, vẻ đẹp của nó lặng vào trong. Cảm nhận ấy khiến tôi nhẹ tay mỗi khi chạm vào cốc. Hẳn sư Hạnh Phương cũng quý kỷ vật này lắm; bằng chứng là mỗi khi tiếp khách, chí ít với tôi, sư mới mang nó ra.

Một chiều đông, tôi đến thăm sư, co ro trong mưa lạnh nhưng chưa vội vào. Nép mình tránh mưa dưới mái tam quan, tôi lặng chờ sư tụng xong bài kinh chiều. Trong thanh vắng, tiếng tụng kinh đều đều sâu lắng lẫn trong tiếng mỏ, tiếng chuông ngân xa cho tôi cảm tưởng bình yên vô sự đang ngự chốn này. Chiều mưa bên cửa Phật, khiến kẻ phàm trần chưa thoát được sân si như tôi cũng thấy nao lòng.

Dòng suy nghĩ lan man bị cắt ngang, tôi giật mình thấy một chàng trai trẻ từ chùa đi ra; đang đi, chốc chốc ngoái lại phía sau, vẻ mặt dớn dác. Thấy tôi, cậu ta đứng sững, len lén ngước nhìn rồi cúi gằm, lách qua cửa tam quan, bước vội. Tôi chột dạ, muốn giữ chân kẻ đang toát lên vẻ mờ ám: “Này cậu, cậu vào đây làm gì?” Cậu ta khựng lại, hốt hoảng hiện rõ trên mặt, giọng cà lăm: “Tôi... tôi...thăm thầy”. Tôi bước tới, đứng chặn lối ra của chàng trai, xét nét nhìn; mắt dừng lại ở món đồ được gói vội bằng tờ báo mà cậu đang ôm trên tay. Cậu ta xoay ngang, khúm núm gập người như muốn che đồ vật đang ôm. Bộ ấm trà mới của sư Hạnh Phương! Cái hộp xốp và vuông vải lót hộp màu mỡ gà lòi ra đã tố giác cậu ta!

Tôi giận điếng người, không thể bình tĩnh: “Sao mày lấy của thầy?” Tôi lặp lại câu hỏi, như quát. Chàng trai xanh mặt, ú ớ, tay lập cập đưa lên vuốt nước mưa ròng ròng trên mặt. Tôi chộp tay cậu ta, tay kia giơ lên nhưng chưa kịp giáng xuống để trút giận. “Anh Hoàng dừng tay - Tiếng sư Hạnh Phương từ phía sau vang lên bất chợt - Có chuyện gì đấy?” Sư đứng nơi bậc cửa, đưa tay gỡ kính, khom người tránh vòm lá đang che tầm mắt, nhìn ra. Giọng tôi lạc đi: “Thằng này lấy bộ ấm trà!”. “Mô Phật!” -Sư thảng thốt. Chàng trai co rúm, vẻ cam chịu; áo quần đẫm nước khiến thân hình còm nhom trông càng thê thảm. Không hưởng ứng bực tức của tôi, sư bình thản nhẹ nhàng: “Mưa ướt hết rồi kìa, anh Hoàng vào đi. Tôi biếu cậu ta đấy mà”. Tôi chưng hửng, bất ngờ bị “hạ nhiệt”, hết nhìn sư lại nhìn chàng trai. Chỉ đến khi cái giọng trầm ấm lặp lại “để cho cậu ấy đi”, tôi mới buông tay chàng trai lạ. Cậu ta tròn mắt, ngây người rồi quay lại cúi đầu chào nhà sư. Sau thoáng ngập ngừng, cậu đi thẳng ra cổng, đến đường lớn còn bần thần đứng lại nhìn ngôi chùa hồi lâu. Tôi lấy làm lạ trước cử chỉ ấy, nhìn mãi cho đến khi cái dáng khắc khổ của chàng trai khuất hẳn trong mưa.

Tôi không tin vào mắt mình khi đến thăm sư Hạnh Phương lần sau đó, thấy bộ ấm đẹp đặt trên bàn đá, dưới tán bằng lăng. Vâng, đúng là bộ ấm xanh màu ngọc bích mà chàng trai đã ôm đi hôm nọ. Không để khách kịp cất lời, sư nói ngay khi vừa ngồi xuống ghế: “Xin lỗi anh, bữa đó tôi đã nói dối”. Vẻ áy náy của gia chủ càng khiến khách tròn mắt, dỏng tai. Không thể nén lòng, tôi lần đến cùng sự thật. Thì ra, chàng trai ôm bộ ấm, lẻn khỏi chùa trong chiều mưa ấy, đích danh là kẻ trộm. “Nhưng sao thầy xử sự như vậy?” “Tôi không thể làm khác bởi sợ cậu ta bị tổn thương - Sư mỉm cười độ lượng - Ai dùng lời nói độc ác đối với người có hành vi bất thiện thì cũng không khác việc rải muối lên vết thương tội lỗi, lời Đức Phật dạy đó anh.” Tôi ngỡ ngàng. Sư mời trà rồi kể tiếp đoạn “quay về” của bảo vật: “Sáng hôm sau, tôi quét chùa, thấy bộ ấm được gói gọn để ngay trên bàn đá này”.

Tôi ngồi lặng; chợt vui; may mà bữa đó tôi chưa xuống tay trút giận lên chàng trai ấy.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt