.

Hai người lính

Thứ Bảy, 23/05/2015, 16:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Thoạt tiên, nhìn ông không có gì đặc biệt. Hơi văn nghệ một chút với cái xắc nhỏ bằng vải đeo trên vai, dáng cao hơi gầy nhưng không có vẻ yếu. Chỉ có bộ ria và dáng đi là khá ấn tượng: Bước dài và chắc, khi nói hàm răng sít và khỏe lấp láy sau bộ ria trắng” - “chứng minh thư” của người cao tuổi. Không, với tiêu chuẩn của WHO thì ông đã là người già, tuổi Dần, tính cả tuổi mụ đã bảy mươi tám.

Tình cờ, tôi theo đoàn thiện nguyện Ánh Trăng của Hà Nội đi trao quà cho nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Thái Bình, tưởng ông là trưởng đoàn vì thành viên rặt là phụ nữ, cho tới khi người đại diện lên phát biểu không phải ông. Bữa trưa và tối, lương y Nguyễn Văn Thiệu ở Quỳnh Phụ mở lòng mở cửa đón chúng tôi vào ăn nghỉ miễn phí, coi như làm từ thiện cho người đi làm từ thiện. Không đủ chăn màn, phải nhường cho phụ nữ, tôi với ông “ngủ chay”. Nể ông cao tuổi, có cái võng dù của lính tôi nhường. Ông không chịu nên đùn đẩy qua về. Cuối cùng nhất trí đắp chung. Chèng đéc ơi! “Tôi với anh hai người xa lạ”, tình cờ gặp nghau trên một giường dưới một tấm chăn thì phải nhanh chóng “hội nhập” thôi:

- Anh từ Hà Nội về ạ!

- Không, tôi từ Mê-hi-cô.

- Trời! xa thế. Anh...đi chuyên gia hay cố vấn?

- Chuyên gia cố vấn gì đâu, tôi quốc tịch Mỹ qua láng giềng làm ăn, nhớ quê chạy về thăm.

Giọng Bắc chuẩn, quốc tịch Mỹ, nghĩa là sao?

- Thế vậy...quê anh chắc Hà Nội?

- Không, quê tôi gần đây, bên Hà Nam...!

 ...                                            

Tôi làm báo, do yêu cầu nghề nghiệp mà biết mở chuyện cũng như mở nút thắt. Khi mà sườn trái, phải của mỗi người thỉnh thoảng vẫn bị những con muỗi nhép nhắc nhở thì chúng tôi đã làm quen được với nhau. Tôi, hạ sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, tham chiến bốn năm sau cùng, thương binh 2/4. Anh, trung úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tham chiến cũng bốn năm nhưng ở khoảng giữa, khi Mỹ mới nhảy vào.

- “Tôi bị bắt lính, vì có bằng tú tài nên vào võ bị Thủ Đức, ra, đeo chuẩn úy, có cái vòng tròn tròn chứ chưa có bông mai. Tôi dự nhiều trận lắm nhưng không trực tiếp bắn nhau. Tôi là lính thám báo, đi dò dò rồi báo về. Có lần, lạc rừng, hành quân chung với mấy ông Việt Cộng. Các ông lấy gỗ mục mắc vào ba lô dùng ánh sáng lân tinh để bám nhau. Ba thằng tôi (một nhóm) cũng làm theo. Đi lâu lắm, lầm lũi, nhưng rồi cũng nói chuyện. Một cậu hỏi: Đồng hương ở huyện nào? Tôi giọng Bắc nên tranh trả lời: - Bình Lục! – Xã nào? -...! – Làng...Ơ, có biết con Lài?- Biết chứ, con bé xinh phết! - Người yêu thằng bạn tớ đấy, hôm sắp đi bê (B), hai thằng tút về chơi, mình phải tránh đi cho hai đứa tâm sự. -Thằng bạn ông đâu?- Hy sinh rồi, ngay trận đầu mới vào.”

- Quê tôi ở Bình Lục, nhiều danh sĩ Văn chương lắm.

- Vậy ông về thăm chưa?

Người “bạn lính” không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của tôi mà nói sang chuyện khác:

- Trong đời, tôi di tản hai lần. Năm năm tư đuổi Pháp quá đà và năm bảy lăm cũng đuổi Mỹ quá đà...Lẽ ra, lần thứ hai không phải đi. Tôi bị thương nặng ra khỏi quân ngũ rồi đấy chứ...Qua bên, tôi khôn, nhảy qua học kỹ thuật, đi xây dựng, sống!

Thì ra, ông là “thương binh Ngụy”, tôi là thương binh Việt cộng. Vết thương thực thể giống nhau. Vết thương “phi vật thể” có khác...

- Này, nghe nói ở bên ấy, trong cộng đồng người Việt có nhiều tay quá khích...?

- Mấy thằng vớ vẩn. Tôi thích câu nói của tướng Kỳ: Mình cũng muốn thống nhất nhưng không làm được, Cộng sản làm được thì cũng coi như xong một việc. Tướng Kỳ hồi nhỏ ở quê Hà Tây đi học cũng quậy lắm đấy.
Nhắc đến Nguyễn Cao Kỳ, tôi lại nhớ một lần TV tường thuật buổi Chủ tịch nước tiếp bà con Việt kiều về ăn tết. Ông hỏi: Có anh Kỳ đó không?. Ông Kỳ đáp và hơi hơi đứng dậy...

-Tôi mà là cụ Triết, tôi rủ tướng Kỳ ra hồ Tây uống bia nhậu bánh tôm cho thiên hạ xôn xao chơi...

Tự dưng, tôi hỏi ông một câu:

- Này, anh xem quân đội hai bên, bên nào... dũng cảm hơn?

Im lặng một lúc rồi tôi nghe ông nói vẻ không chắc lắm: - Bên nào cũng dũng cảm... Trong cuộc chiến biên giới Tây Nam nhiều người, trước là lính ngụy, tham chiến dũng cảm lắm.

Ồ ồ, tôi làm báo mà bây giờ mới biết: Nhiều người nguyên là quân lực Việt Nam Cộng hòa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề tài hay thế sao mấy vị nhà văn phía Nam chưa khai thác? Cái ý này khiến tôi hôm sau hỏi ông một câu giữa bữa cơm khiến mọi người cười vui:

- Này, trung úy! Nếu bây giờ đất nước ta có chuyện, ví như biên giới lại có vấn đề... anh có tham gia không? Và, tôi với anh, ai là chỉ huy nhỉ?

Ông ta cười cười, bộ ria trắng đẹp giật giật. Thực tình, tôi đã rất có cảm tình với viên cựu sĩ quan này.

...Trong số gia đình chúng tôi đến thăm có nhà thơ Trần Hồng Giang ở Nghĩa Hùng, Nghĩa Hưng, Nam Định. Giang bị liệt toàn thân từ tuổi lên năm vì tai nạn gãy đốt sống cổ, làm thơ, hiện là hội viên chủ nhiệm trang Web của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định. Tận mắt nhìn Giang ngậm chiếc đũa chấm chấm lên những chữ cái trên bàn phím laptop, gương mặt viên trung úy biến sắc. Tôi giở thói quen cũ nhắm mắt mở một trang trong trường ca “Thương lắm quê mình” của Giang rồi đọc to lên:

“Lửa chiến tranh bạo tàn hung ác
Ngùn ngụt cháy lên làm quê hương thêm một lần nữa điêu linh
Len vào từng gia đình
Khiến anh em trong nhà phút chốc thành hai phe ta-địch”

Nhẩm đọc trang bìa rồi bất chợt ông kêu: Sinh năm bảy tư, tuổi Dần hả? mình cũng Dần đây, hai con hổ ta chụp chung kiểu ảnh. Nói rồi, trung úy nhảy lên giường nhẹ nhàng như một... người lính, ngồi sát vào với thi sĩ đang nằm còng queo. Gương mặt trung úy đầy tâm trạng.

Xe hợp đồng đỗ cuối xóm bấm còi, đoàn rục rịch chia tay nhưng người mẹ của Giang ngăn lại: Ngày mồng một ta, gia đình đã chuẩn bị sẵn đồ chay. Nhiều thành viên trong đoàn sốt ruột khăng khăng chào từ biệt. Đến lúc này, người đàn ông đêm qua đã thủ thỉ chia sẻ với tôi về số phận không may của mình mới bộc lộ rõ hai con người tiềm ẩn: Tác phong sĩ quan quân lực và thói quen văn hóa của người Việt. Ông bước ra, dứt khoát:

- Có cái lý đâu ngày đầu tháng chủ nhà bưng cơm ra mà khách bỏ đi? Ngồi xuống! Tất cả ngồi xuống, ăn mỗi thứ mỗi ít cho mẹ vui lòng rồi lên đường...

Mọi người bỗng ngộ ra là ông nói đúng. Và, khi ngậm thìa chè đậu xanh vào miệng thì tất cả mới sung sướng nhận ra cái cảm giác tuyệt vời của một buổi sáng thanh bình được ngồi trong căn nhà nhỏ giữa làng quê nhấm nháp vị ngọt thanh tao của đường mía được xử lý bởi bàn tay nội trợ tuyệt vời của người phụ nữ đồng bằng Bắc bộ. Rồi đó, chia tay, chụp ảnh! Chụp ảnh...Ông hăng hái dàn cảnh, sắp xếp khuôn hình, hồn nhiên như trẻ thơ. Nhìn ông, tôi như thấy lại cậu bé mười sáu tuổi vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, trước khi xuống Hải Phòng theo đoàn người di cư vào Nam.

Rồi đến lượt tôi cũng phải chia tay đoàn để lên tàu về miền Trung. Bịn rịn một chút nhưng không phải rồi không gặp lại. Riêng ông thì khác. Bảy mươi tám tuổi, nay mai trở lại Mê Hi Cô để hoàn thành công trình xây dựng nào đó. Ông nhoài người ra cửa xe bắt chặt tay tôi, ghé miệng nhưng vẫn nói rõ dường như cho cả đoàn cùng nghe:

- Nếu có chuyện gì xảy ra, mình sẽ lại về ngay. Đánh phòng ngự thì nghiệp vụ thám báo của tớ là thừa. Thôi, hạ sĩ cứ chỉ huy, mình chấp hành tuyệt đối. OK?

Có gì mà không ok, trung úy! Ai chỉ huy đâu có quan trọng. Vấn đề là chúng ta sẽ cùng nhau như hai người lính.

Nguyễn Thế Tường