.

Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa cổ xưa

Thứ Tư, 02/03/2016, 07:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ lâu, xã Nhân Trạch, (Bố Trạch) được biết tới là nơi có các làn điệu dân ca, dân vũ rất đặc trưng của vùng biển Quảng Bình. Trải qua thời gian, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, làng quê ấy vẫn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc thành lập và duy trì các hoạt động của câu lạc bộ văn hóa dân gian-nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa cổ xưa.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như nhiều làng quê khác, làng biển Nhân Trạch phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn. Hầu hết các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của làng quê như đền thờ, các công trình văn hóa - vốn là nơi lưu giữ và diễn ra các lễ hội dân gian truyền thống của người Nhân Trạch xưa dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Nhiều giá trị văn hóa dân gian tưởng chừng đã dần mai một và bị lãng quên vào quá khứ thì năm 1993, đội văn nghệ truyền thống của làng được thành lập (nay là câu lạc bộ văn hóa dân gian) với mục đích chính là tổ chức lễ hội, dựng lại các loại hình văn hóa dân gian của làng.

Người có công vực dậy những giá trị văn hóa truyền thống của làng là cụ Phạm Thị Niếu, một người con của làng nổi tiếng hát hay và hiểu biết nhiều làn điệu dân ca, dân vũ vùng biển như hát khoan, chèo cạn, diễn xướng hò biển... Đội có 35 thành viên, đa số có tuổi đời còn rất trẻ, có cả thiếu niên chỉ mới 14, 15 tuổi.

Đồng hành cùng cụ Phạm Thị Niếu lúc đó còn có các cụ ông, cụ bà như các cụ Nguyễn Bá Mạng, Nguyễn Tiến Phiều, Nguyễn Đức Thành, Dương Quang Trọng, Phạm Thị Dày, Phạm Thị Đạt, Trương Thị Điệm... Họ đã gắn bó với câu lạc bộ đến tận bây giờ để đưa các loại hình nghệ thuật dân gian ở xã Nhân Trạch trở thành một đặc trưng văn hóa của người dân vùng biển.

Đội văn nghệ truyền thống của làng ngay từ khi ra đời đã tổ chức, tái hiện các hoạt động văn hóa dân gian xưa thông qua các lễ hội của làng như lễ cầu mùa hay cầu ngư (20-2 âm lịch), lễ rước sắc làng (15-5 âm lịch), lễ tế đình (15-6 âm lịch), lễ trả thần ngư (16-8 âm lịch) và hát chèo cạn, múa đăng, múa quạt.

Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Nhân Trạch biểu diễn chèo cạn, một hình thức văn hóa dân gian phổ biến.
Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Nhân Trạch biểu diễn chèo cạn, một hình thức văn hóa dân gian phổ biến.

Để duy trì các hoạt động của đội văn nghệ truyền thống, các thành viên trong đội đã tích cực luyện tập, tự nguyện đóng góp kinh phí và chủ động tìm tòi, sưu tập, biên soạn lại các thể loại dân ca, dân vũ truyền thống, sáng tác lời mới cho phù hợp với thời đại và đổi tên thành câu lạc bộ văn hóa dân gian.

Với mong muốn được phát triển có định hướng và hiệu quả, cụ Phạm Thị Niếu cùng với những thành viên nòng cốt của câu lạc bộ đã thành lập ban chủ nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cụ Phạm Thị Niếu được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm câu lạc bộ và thành lập ban sáng tác, ban đạo cụ, ban nhạc...

Từ hình thức này, câu lạc bộ hoạt động khá chuyên nghiệp trong việc xây dựng các chương trình biểu diễn. Hiện nay, số hội viên nòng cốt của câu lạc bộ đã lên đến con số 62, trong đó có cụ đã trên 80 tuổi, thấp nhất là 40 tuổi. Câu lạc bộ họp định kỳ 3 tháng 1 lần nhưng hoạt động thì hầu hết các tháng trong năm.

Điều đáng ghi nhận là câu lạc bộ đã tranh thủ được được sự giúp đỡ của xã Nhân Trạch, các doanh nghiệp, những người con xa quê trong việc huy động nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn. Nhờ đó mà các chương trình nghệ thuật của câu lạc bộ luôn được tổ chức quy mô bài bản cả về nội dung và hình thức. Một số chương trình của câu lạc bộ mang tính nghệ thuật cao được mời biểu diễn ở nhiều địa phương khác và luôn tạo được ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem. Ngoài việc phục vụ trong các lễ hội truyền thống của làng, hàng năm, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như tổ chức thăm viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ba Dốc, Hang Tám TNXP, Ngã ba Đồng Lộc...

Hát khoan, chèo cạn có thể xem là loại hình văn nghệ dân gian đặc trưng của xã Nhân Trạch. Xuất phát từ công việc thường ngày của người dân biển là gắn bó với con thuyền để vươn khơi đánh bắt hải sản nên các làn điệu hát khoan, chèo cạn được diễn tả bằng các động tác nhanh, mạnh, dứt khoát như đẩy thuyền, kéo thuyền, buông lưới, kéo lưới, căng buồm... Các lời hát trong hát khoan, chèo cạn chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát với ngôn ngữ mộc mạc, quen thuộc.

Hát, múa chèo cạn chính là một nội dung quan trọng không thể thiếu và làm nên bản sắc riêng, độc đáo của các lễ hội cầu ngư ở Nhân Trạch nói riêng và ở nhiều vùng biển ở Quảng Bình nói chung. Đúng như tên gọi của loại hình diễn xướng này, chèo cạn chính là diễn tả và mô phỏng trên cạn những hoạt động chèo thuyền của người đi biển làm nghề đánh cá. Nếu như ngày trước, theo quy định, việc trình diễn hát múa chèo cạn trong lễ hội cầu ngư thường chỉ dành cho những phụ nữ chưa chồng, thì nay ở Nhân Trạch, sau khi khôi phục lễ hội cầu ngư, việc trình diễn tiết mục chèo cạn chủ yếu do các thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của xã đảm nhiệm.

Để những làn điệu dân ca, dân vũ trường tồn cùng với thời gian, câu lạc bộ đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt, tìm tòi, sưu tầm và sáng tác nhiều tiết mục có nội dung phong phú, phù hợp trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Từ thể loại dân ca cổ, các thành viên trong câu lạc bộ đã viết lời mới phù hợp với thời đại, dễ đi vào lòng người với tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân... Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức tái hiện các trò chơi dân gian thu hút sự tham gia đông đảo của người dân trong xã.

Một trong những hoạt động có thể coi là dấu ấn cho sự phát triển của câu lạc bộ, đó là thực hiện dựng lại chương trình lễ hội của xã một cách có qui mô và đầy đủ nhất nhân dịp Lễ Quốc khánh 2-9 năm 2004. Chương trình này được Đài truyền hình Việt Nam quay và phát sóng. Từ đó, câu lạc bộ được nhiều người biết đến với các loại hình văn hóa dân gian ở độc đáo ở xã Nhân Trạch. Cụ Phạm Thị Niếu-hạt nhân của câu lạc bộ không chỉ đóng vai trò là người trực tiếp thể hiện các tinh hóa văn hóa làng qua các điệu dân ca, dân vũ mà còn là người truyền dạy các loại hình văn nghệ truyền thống cho thế hệ sau. Năm 2011, cụ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của làng quê, ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Trạch cho biết, từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ là nơi tái hiện rõ nét nhất các loại hình văn hóa truyền thống của Nhân Trạch. Các thành viên trong câu lạc bộ luôn nỗ lực hết mình để bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của quê hương vùng biển và cũng từ đó, văn hóa làng, vùng đất, con người Nhân Trạch được nhiều nơi biết đến.

Vượt qua quy mô của một câu lạc bộ văn hóa làng, từ nhiều năm nay, câu lạc bộ văn hóa dân gian Nhân Trạch được xem là điển hình của tỉnh bởi đây là địa chỉ vừa thể hiện vai trò gìn giữ văn hóa truyền thống quê hương, vừa là tấm gương đi đầu trong việc xây dựng, duy trì hình thức hoạt động để nhiều câu lạc bộ khác học tập. Và cũng như nhiều câu lạc bộ văn hóa truyền thống ở các địa phương khác, những nghệ nhân làng - những người “gom hoa tạo mật” trên vùng đất này đang ngày đêm trăn trở, nỗ lực vận động truyền dạy nhằm có được một câu lạc bộ trong tương lai với nhiều gương mặt trẻ, để những tinh hóa văn làng sống mãi với thời gian. 

Nhật Văn-Thanh Huyền