.

Độc bản- tập bút ký đậm chất văn học

Thứ Năm, 25/02/2016, 09:44 [GMT+7]

(Bút ký của Trương Thu Hiền - NXB Thuận Hoá, 2015)

(QBĐT) - Những năm gần đây, ký trên các mặt báo thường mang tính thời sự, báo chí, ít chất văn học. Để có được những bài ký hấp dẫn như của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường ngày nào là rất hiếm. Cũng chính vì lẽ ấy mà mỗi khi có ai tặng sách bằng thể ký là tôi hoài nghi chất lượng văn học của cuốn sách! Nhưng với Trương Thu Hiền lần này thì ngoại lệ! Không phải vì chị là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình mà vì trước đó tôi có đọc một vài bài bút ký của chị trên báo Văn nghệ và tạp chí Nhật Lệ, thấy cảm tình nên muốn đọc cả tập xem thế nào. Và tôi có cảm nhận như nhà văn Hữu Phương - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình ở đầu tập sách: “Tập bút ký thể hiện bước chân của tác giả đặt hầu khắp các miền núi, rẻo cao, miệt biển và đồng bằng châu thổ. Ở đâu, mỗi trang viết cũng mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống nơi đó. Nó cho ta hiểu sâu hơn cuộc sống, người và đất nơi đó, đồng thời gián tiếp đặt ra những đòi hỏi của cuộc sống thực tế. Ngôn ngữ bút ký đẹp, chắc và lưu loát. Nhiều bút ký đậm chất văn học”.

Vâng, với gần 200 trang sách, tập hợp 17 bài bút ký, Trương Thu Hiền đã mang đến cho người đọc những nhận thức bổ ích về con người, cảnh sắc thiên nhiên và phong tục, tập quán cuộc sống nơi chị đến. Đó là bản nhỏ tộc người Ma Coong giàu huyền thoại, là Làng Ho đầy chiến tích những năm đánh Mỹ đang quặn mình đổi mới. Đó là những làng biển nên thơ trước bao thử thách thiên nhiên luôn khát vọng mở hồn vươn ra biển cả, là những dòng sông trầm tích kỷ niệm buồn vui làm nên bức tranh sơn thuỷ Quảng Bình. Quên mình là phận gái chân yếu tay mềm, tác giả đã vượt hàng trăm cây số đường rừng gian khó đến tận cột mốc biên giới Việt – Lào và các bản đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh. Xông xáo tắm mình trong đời sống thực tiễn với niềm đắm say, Trương Thu Hiền đã có nhiều bút ký thành công.

Đây là một trong những đoạn văn giàu chất thơ của chị: “Tiếng trống giục trăng lên. Tiếng trống gọi bạn tình bấy nay cách núi trở non lặn lội tìm về một đêm tình ái. Tiếng trống báo mùa yêu... Tôi thả hồn trôi miên man trong miền trăng sơn cước mong cướp giật được từ đôi mắt sâu thẳm của cô gái bản, đánh cắp được từ nụ cười thật thà của chàng trai bản chút hồn nhiên để hoá giải mọi u uất phồn hoa...” (trang 6, trang 7).

Và đây là đoạn nói về tình yêu lứa đôi rất nhân văn của người Ma Coong: “Sau lễ cúng, hội trống thiêng bắt đầu. Rượu cần được rót trực tiếp từ vò vào cơ thể, chảy tràn ra từng mao mạch, cơ bắp đường gân của trai bản căng lên và nóng dậy. Gái bản váy áo khéo khắm khiêu khích theo mỗi đường cong, môi hồng má ửng bị mùi mồ hôi hoang dại của trai bản quyến rũ cũng phập phồng mời gọi.” (trang 10).

Trương Thu Hiền đã bộc lộ tài quan sát, miêu tả ngoại hình cũng như nội tâm từng nhân vật không thể lẫn vào nhau: “Dưới mái tranh, lũ trẻ con mặt mũi tù hì tù hà nghiêng đầu ngủ muồi trên ngực mẹ, mấy ông già bà lão ngồi củ mỉ cù mì rít thuốc rê và hút rượu cần. Họ im lặng trong đêm sâu. Có lẽ mỗi người đang nhớ về người tình xa của đời mình. Họ cũng có những mùa trăng rục mềm bên bờ suối. Lũ con trai đến tuổi cập kê chưa tìm được bạn tình vẫn còn ngất ngư bên những vò rượu cạn” (trang 13).

Tôi thích đôi mắt cô gái Vân Kiều trong văn của chị: “Phong có đi đến chân trời gốc biển nào cũng không thể lẫn được đôi mắt Vân Kiều của Phong. Đôi mắt mà khi buồn thì hoang vu đến lặng người, khi vui thì chấp chới như có nắng và có lẽ khi yêu ma lực phải biết. Sẽ không bao giờ có đôi mi nhân tạo tinh vi nào có thể đánh đu nổi với đôi mi cong vút và mướt rượt của Phong” (trang 25).

Viết về đề tài miền núi và dân tộc, Trương Thu Hiền có nhiều phát hiện độc đáo. Phải chăng đây là sở trường của chị như chị đã thổ lộ: “Bỗng thấy cuộc sống ở miền sơn cước này thật đủ đầy: Một ngôi nhà không bao giờ đóng cửa. Một bữa ăn đạm bạc và tinh sạch. Một giấc ngủ nhẹ nhõm và nồng say. Cứ thế hồn nhiên sống giữa thiên nhiên như đang du lãng trong cuộc đời. Tôi mê đắm cuộc sống ấy. Nên máu giang hồ trỗi dậy là đi. Ngược dòng sông mà đi... Bỏ lại sau lưng phố thị, xóm thôn, tôi lao vào Trường Sơn xanh ngắt, tôi trả tôi về với hoang dại...” (trang 49).

Thông thường, tư duy của người viết ký văn học nghiêng về tư duy hình tượng mang chiều sâu nội tâm, không như tư duy lô gic của người viết báo. Bút ký văn học là thể loại đòi hỏi người viết giàu cảm xúc, liên tưởng, có khả năng bình luận sắc sảo từng vấn đề đặt ra. Trang văn muốn không “khô” thì ngoài các sự kiện, chi tiết điển hình được đưa vào, phải luôn luôn để nhân vật, sự kiện trôi giữa dòng cảm xúc ấy. Trương Thu Hiền đã phát huy khá tốt “bí quyết” này.

Với vốn kiến thức phong phú và độ chín tâm hồn, hy vọng chị sẽ đi xa trên con đường sáng tạo văn học.

Lý Hoài Xuân