Người lính văn công

Cập nhật lúc 10:23, Thứ Năm, 15/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Người cựu binh ấy có một thời không những đánh giặc bằng súng ống với những trận giáp mặt kẻ địch trên chiến trường cát bỏng Gio Linh Quảng Trị, mà còn bằng lời ca tiếng hát hùng tráng, ngọt ngào của một nhạc công, một diễn viên Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình.

Gặp Đoàn Thị tại tư gia ông thông thả cầm cây ghi ta lấy nhịp, rồi cất lên bài hát "Bài ca Trường Sơn" của nhạc sĩ quá cố Thái Quý: "... dặm đường ta qua núi lợp bóng mây chiều, tiếng chim rừng nâng nhịp chân ta bước...". Sâu lắng, tha thiết, ông như trở lại một thời với đồng chí, đồng đội ở Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Máy bay Mỹ liên tục dội lửa xuống khắp mọi nẻo đường, thôn xóm, phố xá, nhưng lời ca tiếng hát của văn công Tỉnh đội Quảng Bình vẫn đến với bộ đội, với nhân dân. Tiếng hát của anh chị em hùng tráng vang lên hoà vào bài ca oanh liệt "Quảng Bình Hai giỏi", với tinh thần đầy khí thế "Tiếng hát át tiếng bom", vang lên trên chiến hào còn nồng khói bom, vang lên trên đồng ruộng, vùng đồi, ra tận bờ biển, đem sức sống lạc quan đến tận nơi chiến sự ác liệt nhất.

Đoàn Thị dừng tay đàn, bồi hồi kể về những chuyến đi phục vụ đầy kỷ niệm của văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Chuyến đi phục vụ Tiểu đoàn 9 pháo cao xạ 37 ly bảo vệ hồ thuỷ lợi Cẩm Ly, phục vụ Trung đoàn pháo phòng không 214 của quân khu bảo vệ Phà Gianh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Năm 1968 về với Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, gặp các cô gái pháo binh đang nổ súng đánh tàu chiến Mỹ ngụy. Ngớt tiếng súng, văn công Tỉnh đội phục vụ ngay, ca khúc "Gánh gạo Trị Thiên" vang lên tha thiết. Có chuyến hành quân trong đêm, dưới ánh đèn dù, vượt qua toạ độ lửa Ba Trại, lênh đênh trên sông Gianh ngược lên Tuyên Hoá.

Lại hành quân lên tới Minh Hoá, đặt chân tới Cổng Trời phục vụ bà con miền Tây biên giới. Rồi hành quân sang Lào phục vụ cán bộ, chiến sĩ tỉnh Xavannakhẹt kết nghĩa. Chuyến đi phục vụ hậu cứ Đoàn 559 ở Lệ Thuỷ, anh chị em vượt phà Long Đại bằng những chuyến phà kéo tay bằng dây qua sông, rồi hành quân lên Thác Cóc, xã Trường Thuỷ, phục vụ sư đoàn tên lửa 367 bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh. Theo đường Trường Sơn, vượt suối băng rừng qua bao gian lao đến làng Ho, níu tay nhau leo đèo vượt dốc ngàn lẻ một biểu diễn cho bộ đội. Tháng 5-1969, trên đồng chiêm trũng Lệ Thuỷ, dưới đạn bom, tiếng hát văn công Tỉnh đội hùng tráng vang lên phục vụ công trường thuỷ lợi Hạc Hải.

Lại có một chuyến công tác đặc biệt, đó là lần đi phục vụ ở Quảng Trị thắm đượm tình kết nghĩa Bình Trị Thiên ruột thịt. Vũ khí của văn công đương nhiên là cây đàn và tiếng hát, nhưng trang bị lại như một người lính bộ binh ra mặt trận, gồm tăng võng, mũ tai bèo, dép cao su, bi đông nước, lương khô, áo quần Tô Châu... Một tiểu đội được trang bị thêm hai tiểu liên Ak, đầy đủ cơ số đạn, túi thuốc men và dụng cụ  cứu thương...

Trước đó, vào những năm 1966, 1967, Đoàn Thị là chiến sĩ Tiểu đoàn 45 vượt sông Bến Hải vào chiến đấu ở khu Đông, huyện Gio Linh ven biển Quảng Trị. Văn công Tỉnh đội Quảng Bình đã biểu diễn phục vụ nhân dân và chiến sĩ các huyện Triệu Hải, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, với tất cả nghĩa tình của hậu phương với tiền tuyến lớn, với Trị Thiên ruột thịt.

Nhớ về những kỷ niệm tiếng hát lính văn công Tỉnh đội thời ấy, ông như thấy hiện rõ những gương mặt đồng đội thân yêu của ông, những người đã cùng ông vượt qua gian lao, cất cao tiếng hát. Đó là Thuý Liễu, đơn ca nữ với "Tiếng đàn ta lư" (của Huy Thục), "Quảng Bình đánh rất hay" (của Thái Quý); Công Bằng, đơn ca nam với bài "Bài ca Trường Sơn" (của Trần Chung); tốp nam bài "Quả bom câm" (của Doãn Nho); bài "Chuyến phà đêm" (của Quách Mộng Lân) tốp nữ tự biên bài "Gái giỏi quê ta", bài "Ngư Thuỷ anh hùng" (của Mạnh Đạt - nhạc sĩ nhạc công của Đoàn).

Còn có kịch nói: "Thông đường" (của Văn Nhĩ  - Phó chủ nhiệm Ban chính trị Tỉnh đội Quảng Bình, ca cảnh dân ca "Trận địa trên cao" sáng tác tập thể. Độc tấu tự biên "Mạ thằng cu" (của Thái Sơn), tẩu nói "Lão dân quân Đức Ninh bắt giặc lái" (của tác giả Lê Hồng Cần) do Lê Mẩy biểu diễn; ca cảnh nhạc mới "Hò kéo pháo" nhạc Hoàng Vân; Hợp xướng "Hòn La" bảy chương, sáng tác của Ánh Dương và Dương Mạnh Đạt. Nhạc công và dàn nhạc của Đoàn cũng trên đà phát triển, đáp ứng yêu cầu nghệ thuật và nhu cầu phục vụ, từ chiếc đàn accoocdeon đầu tiên, chiếc ghi ta gỗ, cây nhị, cây bầu, cây nguyệt, cây sáo, sau anh em tự học phát triển thêm đàn Senlo, violon, sáo fluýt, kèn klarinet,  đàn tam thập lục.

Nghỉ hưu Đoàn Thị vẫn đều đặn những công việc nghĩa tình đồng đội trên các cương vị Phó ban liên lạc Tiểu đoàn 45, Trưởng ban liên lạc văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Và ngay trong xóm nhỏ của ông, cựu binh văn công Đoàn Thị vẫn say sưa mang tiếng hát chứa chan tình cảm của người lính, đóng góp vào phong trào ca hát của quê hương.

                                                                                            Nguyễn  Như

,
.
.
.