Độc đáo hát ru Cảnh Dương

Cập nhật lúc 15:11, Thứ Ba, 13/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến nay, làng Cảnh Dương đã có bề dày lịch sử hơn 370 năm, truyền thống  văn hoá lâu đời đã khiến cho con người nơi đây luôn có sự đùm bọc tương trợ lẫn nhau như sự gắn kết giữa thuyền và biển. Con em Cảnh Dương dù đi đâu, làm gì cũng vẫn luôn nhớ về làng quê mình, nơi mà cứ đến ngày lễ tết lại tổ chức rất nhiều lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như lễ hội cầu ngư, bơi trải, lễ hội đánh cờ người... Không những thế, vùng quê này còn nổi tiếng với những loại hình văn hoá phi vật thể như các làn điệu hò khoan, chèo cạn... Đặc biệt là hát ru, một loại hình văn hoá dân gian đặc sắc.

Điệu hát ru ở Cảnh Dương đã có từ ngày thành lập làng đến nay, nghĩa là đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Từ khi làng biển mới chỉ có vài mươi nóc nhà đã có lời ru để hình thành nên làn điệu trữ tình và mặn mà mang âm hưởng đặc biệt chỉ có ở làng quê miền biển. Điệu hát ru đã đi vào tâm thức những đứa trẻ cho tới lúc lớn lên.

Lời hát ru ở Cảnh Dương cũng như nhiều điệu hát ru khác trên quê hương Việt Nam là những câu chuyện mộc mạc, đời thường cho đến những lời tỏ tình của đôi lứa yêu nhau. Hát ru Cảnh Dương không chỉ giống các làng quê khác là mẹ ru con, bà ru cháu mà nét đặc sắc của hát ru ở Cảnh Dương là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... Ngoài ra, những câu hát ru ngọt ngào, đầm ấm ở mọi miền như thường lệ được bắt đầu từ à ơi... ơi à... ru hỡi... ru hời thì hát ru ở Cảnh Dương lại có một làn điệu riêng: Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he...

Lý giải về giai điệu độc đáo này, nhiều cụ già ở Cảnh Dương cho rằng có lẽ do đây là vùng quê biển, trước đây có nhiều gia đình vạn chài sinh sống trên những con thuyền bập bềnh sông nước quanh năm nên tiếng hát, tiếng ru không thể nhẹ nhàng mà nó phải "nặng" hơn để át được tiếng sóng vỗ ì ầm, khi đó đứa trẻ thơ mới có thể nghe rõ từng lời hát để cảm nhận và cùng với cánh tay êm ái của người ru đi vào giấc ngủ.

Nghệ nhân Lê Thành Lộc (trái), người đang lưu giữ nhiều làn điệu hát ru ở Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ảnh: X.T
Nghệ nhân Lê Thành Lộc (trái), người đang lưu giữ nhiều làn điệu hát ru ở Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ảnh: X.T

Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hoá miền biển, dùng nhiều tiếng địa phương. Chỉ có người ngư dân mới hát những lời ru ấy, bằng thực tế cuộc sống của chính mình, bằng tình yêu thương vô bờ bến với gia đình, làng quê: Sáng ra lên núi đốt than/ Chiều về xuống biển, đào hang bắt còng/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Lấy anh thấy đói em đừng lo/ Tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Trông ra ngoài biển lu mù/ Thấy anh câu đục câu đù em thương/ Hò hẻ hò hè bôồng bôổng bôông bôông/ Đêm qua anh gối tay nàng/ Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo...

Thường thường, những lời hát ru theo thể lục bát 6/8 và được hát theo nhịp 2-4, 4-4 ở những lời ru vào đầu, nhịp 2/2 cho những câu hát tâm sự đằng sau, tạo nên âm thanh mênh mang, trải dài cho câu hát. Hát ru Cảnh Dương tập trung nhiều vào tâm tình của những đôi trai gái yêu nhau,  tình cảm gia đình, tình mẫu tử:  Ơ.. ơ ơ...Lên non... mới biết... non cao/ Nuôi con... à ơ... mới biết... công... lao... mẹ thầy/ Ơ ... ơ... ơ... ơ... ơ/ Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày/ Hò hẻ hò hè bôồng bôổng bôồng bôồng/ Mẹ già như chuối chín cây/ Như xôi nếp mỏng như đường mía lau/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng...

Bây giờ các điệu hát ru ở Cảnh Dương đang dần bị mai một, tiếng ông ru cháu, cha ru con, anh ru em ngày nào ngày một thưa vắng.  Đó là điều khiến những người làm công tác văn hoá văn nghệ ở đây trăn trở, nhất là các cụ già, những người còn nhớ nhiều về những làn điệu hát ru độc đáo này...

Ông Phạm Ngọc Thức, sinh ra trong gia đình đã có 3 đời gìn giữ những làn điệu hát ru. Với tình cảm trân trọng vốn văn hoá quý giá của quê hương, khi sưu tập lại những lời hát ru dân gian đã bị mai một, ông Phạm Ngọc Thức cũng đã cố gắng sáng tác ra những lời hát ru mới phù hợp với phong cảnh đổi thay của quê hương.

Cùng với những làn điệu dân ca khác như hò khoan, chèo cạn... bao nhiêu người con của Cảnh Dương đã lớn lên, trưởng thành từ trong điệu hát ru truyền thống của quê hương mình. Đó là một nét đẹp văn hoá phi vật thể dân gian của miền biển Quảng Bình rất cần được bảo vệ, giữ gìn, trao quyền cho thế hệ mai sau.

                                                                                                  Xuân Thi

,
.
.
.