Những người lính vô danh trong “Vạn lý Trường Sơn”

Cập nhật lúc 09:49, Thứ Tư, 14/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây bỗng rộ lên phong trào viết trường ca. Riêng những bạn bè làm thơ mà tôi quen biết có đến sáu bảy người viết trường ca, trong đó Nguyễn Hữu Quý. Trường ca là một thể loại không phải ai cũng viết được. Viết  trường ca đòi hỏi tác giả phải có vốn sống thật phong phú, kiến thức thật sâu rộng và phải làm chủ ngòi bút của mình. Ở trường ca “Vạn lý Trường Sơn” (NXB Quân đôi Nhân dân), Nguyễn Hữu Quý đã mạnh dạn  đưa vào một vài đoạn thơ văn xuôi, sử dụng yếu tố kỳ ảo... nhưng điều quan trọng nhất là anh đã tạo được dấu ấn riêng về đề tài Trường Sơn thông qua hình tượng những chiến sĩ vô danh.

Trước đây, Nguyễn Hữu Quý đã có một số bài thơ hết sức xúc động viết về những người con ưu tú đã sống, chiến đấu, hy sinh trên tuyến đường lịch sử này. Quý từng là lính Trường Sơn. Anh sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình nhưng mảnh đất mà anh  gắn bó lâu dài là mảnh đất Quảng Trị. 

Có lẽ vì thế mà  Trường Sơn đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức của anh. Đêm đêm anh vẫn mơ về Trường Sơn, tai anh luôn nghe những tiếng vọng từ Trường Sơn: Trong dòng xoáy âm dương mờ tỏ/ một binh đoàn mang dáng núi hiện lên. Vạn lý Trường Sơn là sự kết tinh mảng đề tài mà anh tâm đắc. Hình tượng xuyên suốt trường ca của Nguyễn Hữu Quý là con đường  huyền thoại. Đó là con đường: Gọi tên năm tháng bão bùng/ gọi thời xẻ núi, gọi vùng không dân/ gọi về những cuộc hành quân/ đá già in lõm dấu chân triệu người...

Kẻ thù đã dội xuống Trường Sơn hơn bốn triệu tấn bom, rải thảm chất độc da cam và đốt trụi  hàng trăm khu rừng. Nhưng chúng không sao tiêu diệt được con đường. Để giữ sự sống cho con đường, đã có hơn hai mươi nghìn người lính nằm lại Trường Sơn. Vì thế gắn liền với hình tượng con đường Trường Sơn  là hình tượng người lính.  Trong bản trường ca này, Nguyễn Hữu Quý không phác hoạ chân dung một người lính cụ thể nào. Đây là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ.

Bởi theo anh, đa phần trong số họ là những người lính vô danh: làm chiến sĩ/ họ lẫn vào chiến sĩ/ làm nhân dân/ họ lẫn vào nhân dân/ mở đường trận/ họ lẫn vào đất đá/ lẫn vào mây/ vào gió/ vào rừng... Công việc nặng nhọc họ phải gánh vác,  khó khăn vất vả  họ từng chịu đựng đều hết sức âm thầm, lặng lẽ: Tiểu đoàn đầu tiên gùi công văn, súng đạn/ lặng lẽ đi trong ẩm ướt rừng già...  Người lính đi qua mưa dầm, nắng gắt/ ai đếm được bao nhiêu cơn sốt rét/ cơn lũ cắt rừng/ trận hạn kiệt khô... Họ nguyện gánh trên đôi vai Tổ Quốc/ nhẫn nại bước đi trong giông bão gập ghềnh... Đó là những câu thơ vừa cụ thể vừa khái quát, đã phần nào phác hoạ được tầm vóc lịch sử của những chiến sĩ vô danh trên tuyến đường Trường Sơn năm nào.

Những người lính vô danh ấy không chỉ sống lặng lẽ, âm thầm mà  chết cũng âm thầm, lặng lẽ:  ngấm sâu vào đất, chảy ngầm vào sông/ xưa trận mạc giờ hư không/ vẫn hồn chiến sĩ ở trong đất trời... Thông qua hàng trăm cuộc đi tìm kiếm mộ các liệt sĩ hết sức kỳ lạ của các nhà ngoại cảm, có thể khẳng định: một thế giới tâm linh đầy bí ẩn  đang tồn tại chung quanh chúng ta.

Nguyễn Hữu Quý đã mạnh dạn đưa cái điều hết sức bí ẩn ấy vào trường ca của mình. Anh tin rằng: Dưới lòng đất âm thầm, trong tầng cây nhiệt đới xanh rì/ có vạn vạn cuộc đời đang ẩn hiện/ Họ đi bằng gió/ Họ nói bằng cây/ Họ vẫn yêu nhau như Từ quy đêm đêm gọi nhau khắc khoải... Quý thường nhắc đến những cô hồn vất vưởng: Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/ Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng... Họ là những người: Mong manh áo vải một thời/ chưa đi qua hết cuộc đời thanh xuân/ bây giờ lấy cỏ làm xanh/ âm - dương hai vạt ấm lành nỗi quê...

Cho dù họ đang nằm dưới ba thước đất nhưng tình đồng đội vẫn luôn gắn bó họ lại với nhau. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, Nguyễn Hữu Quý đặc biệt xúc động trước ngôi mộ có đến hai tấm bia. Đây là những tấm bia do thân nhân các liệt sĩ dựng theo lời chỉ dẫn của các “thầy cô” bói mộ hoặc của các nhà ngoại cảm. Thân nhân của hai liệt sĩ thắp hương, đặt lễ và khấn cả tên hai anh Lê Minh Công và Ngô Trọng Định. Nhà thơ băn khoăn hỏi với trời, với đất: Người Quảng Trị/ người Thái Bình/ Dưới ba tấc đất cốt hình của ai? Vô danh ba chục năm dài/ Giờ chung một mộ khắc hai tên người! Đúng là trường hợp hi hữu chỉ có thể xảy ra trong cái nghĩa trang mênh mông, rộng lớn này.

“Vạn lý Trường Sơn” là một trong những tác phẩm tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.  Tuy vẫn còn đôi chỗ diễn đạt còn vụng, một vài câu, một vài cách nói phảng phất hơi hướng của người đi trước... nhưng những tìm tòi, phát hiện của anh (thông qua  hình tượng những người lính vô danh) rất đáng trân trọng. Tôi tin là bản trường ca này sẽ tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả.

                                                                                             Mai Văn Hoan

,
.
.
.