Làng phu trầm

Cập nhật lúc 07:31, Thứ Sáu, 29/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Giấc mơ đổi đời luôn thôi thúc người làng Thanh Hưng, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đời nối đời đạp rừng tìm trầm. Đã có những người trúng trầm xây nhà tiền tỷ, nhưng cũng không ít phận người đã phải đổ máu giữa rừng sâu, bị tù đày nơi đất khách quê người. Cả kiếp người tìm trầm mà nhiều người vẫn trắng tay, bệnh tật đeo đẳng...

Làng vắng đàn ông

Làng Thanh Hưng nằm phía bắc sông Son bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Làng  rất đẹp, đông dân nhưng luôn yên ắng, vắng hoe. Nhìn quanh làng chỉ toàn thấy phụ nữ, trẻ em và người già. “Trầm hương đã “hút” hết thanh niên trong làng vào rừng rồi. Nếu có việc chi cần đến trai tráng thì chẳng thấy bóng ai” - Trưởng thôn Thanh Hưng Hoàng Xuân Hợi nói. Theo ông Hợi, ở làng Thanh Hưng bây giờ, từ những thanh niên 16, 17 tuổi đến những người đầu đã hai thứ tóc đều tìm cách làm hộ chiếu, xuất ngoại tìm trầm. Thế hệ sau đạp gót thế hệ trước sống chết với nghiệp phu trầm.

Trưởng thôn Hoàng Xuân Hợi cho biết: “Nghề tìm trầm xuất hiện ở làng từ những năm 1980, hàng

Ông Hoàng Văn Mến-Trưởng công an xã Hưng Trạch cho biết, ở các thôn vùng Gia Hưng hiện có hơn 1.000 thanh niên đang xuất ngoại tìm trầm ở các nước Lào, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia...

trăm người đổ xô vào rừng tìm trầm, nay thì làm hộ chiếu sang tận Lào, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia... Cứ mỗi dịp tết thì làng mới đông vui. Còn các ngày thường trong năm hầu như nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, ít người ra vào”. Theo ông Hợi, người làng ông ít học, đất đai bình quân mỗi người chỉ được 2 thước đất, con cái lại quá đông, không đi rừng tìm trầm thì "biết mần chi mà sống?".

Chị Nguyễn Thị Hiếu có chồng đang ở Malaixia kể: “Anh chị lấy nhau từ năm 1993, cưới xong mấy tháng thì anh đi, giờ đã có với nhau 4 mặt con, nhưng anh đi biền biệt vài năm mới về một lần. Đến nay người con trai lớn 20 tuổi cũng đang theo cha “ăn” trầm”. Ngày qua ngày các thế hệ người Thanh Hưng lớn lên, con theo cha, em theo anh đóng cùi, chuẩn bị thuốc men đạp rừng tìm trầm.

Người Thanh Hưng đi tìm trầm không hẹn ngày về, đa phần kiếm được đồng nào thì gửi tiền về nuôi gia đình thông qua thương lái, còn không thì biệt xứ một vài năm là chuyện thường. Trong làng cũng có một vài người trúng tiền tỷ, xây nhà cao cửa rộng, sắm xe sắm cộ... Nhưng cũng không ít người tay trắng phải mang thương tật suốt đời hoặc bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, để lại những người vợ góa chồng và đàn con thơ dại.

Mười năm về trước những phu trầm ở Thanh Hưng chủ yếu lùng sục khắp các cánh rừng ở trong nước. Nhưng bây giờ, những cánh rừng trong nước đã không còn trầm để người Thanh Hưng đi tìm nữa rồi. Ông Nguyễn Văn Hộ (55 tuổi), một phu trầm đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Người Thanh Hưng đi khắp nơi tìm trầm, không một cánh rừng nào sót dấu chân phu trầm làng này”. Nhưng khi trầm “nội” đã cạn kiệt phu trầm làng Thanh Hưng làm hộ chiếu, “du lịch” sang các nước Lào, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia... “săn trầm”. Những người thế hệ như ông Hộ đã vắt kiệt sức cho nghiệp tìm trầm, bây giờ họ “nghỉ hưu” nhường chỗ cho lớp lớp con cháu.

Theo anh Hoàng Văn Hồng, một phu trầm thâm niên trong làng, thì chuyện xuất ngoại tìm trầm phải có chủ trầm dẫn lối. Đầu tiên phu trầm phải bỏ tiền ra làm hộ chiếu du lịch, sau đó được chủ trầm gom “quân” lại di chuyển bằng ô tô qua Lào từ đó có thể qua Thái Lan, Malaixia... Thậm chí có nhiều chủ trầm hào phóng mua cả vé máy bay cho phu trầm.

Đằng sau các ngôi nhà khang trang là những kiếp người bỏ mạng  giữa rừng sâu.
Đằng sau các ngôi nhà khang trang là những kiếp người bỏ mạng giữa rừng sâu.

Anh Hồng kể: “Khi tới nơi các phu trầm được chủ trầm bố trí cho chỗ ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức từ 2 – 3 ngày. Lúc này dân trầm được các chủ trầm cho ứng tiền để đóng gùi, chuẩn bị gạo, thức ăn, chăn màn, dao rựa, dụng cụ xoi trầm, hương hoa để cúng thần rừng... Khi phu trầm trúng thì bán lại cho họ, trừ nợ”.

Phu trầm Thanh Hưng đi theo từng đoàn. Cứ từ 3-4 người thành một tốp (dân trầm gọi là xâu) chia nhau đổ vào các cánh rừng dựng lán trại, thay phiên nhau tìm trầm, nấu ăn. Trung bình hàng ngày mỗi phu trầm lùng sục 20 – 30km đến cuối ngày về lại lán. Nhiều phu trầm nhiều khi đi lạc phải tìm lèn đá hoặc trèo lên cây cao ngủ qua đêm chờ sáng mới về. Lương thực phu trầm mang theo đủ dùng trong hai tháng, may mắn trúng được ít nhiều trầm thì họ ra khỏi rừng gọi điện cho chủ trầm để được chở về đồng bằng đóng gùi mới và tiếp tục quay vào rừng. Còn như cả tháng không được cái gì các phu trầm phải “hãm” gạo lại, tìm thêm rau rừng mà ăn, đập vỏ cây tre nứa lấy nước uống. Gắng cầm cự hi vọng kiếm thêm chút đỉnh bù lại tiền đóng gùi. Nhiều xâu trước khi đi còn chuẩn bị thêm “ngải”.

Theo ông Hộ thì “ngải” có tác dụng giống như sâm, phu trầm ngậm trong miệng có thể nhịn ăn cầm hơi được 7-10 ngày. Bây giờ mỗi chuyến đóng gùi các phu trầm đều chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ thuốc men đến lương thực... “Ngải” chỉ dùng để phòng thân lỡ bị lạc đường lâu ngày hoặc bị mắc cạn bởi mưa rừng.

Ngày tháng qua đi, phu trầm muốn về nước phải chui lủi ở các khu ổ chuột, di chuyển chổ ở liên tục tránh bị cảnh sát nước bạn bắt được, chờ chủ trầm bố trí theo xe mới  về được Việt Nam...

Đau thương kiếp phu trầm

Ở làng Thanh Hưng có nhiều nhà cao tầng mọc lên, đó là nhà của những phu phất lên nhờ trúng trầm. Nhưng cũng có người, mấy chục năm quăng sức cho rừng cuối cùng vẫn tay trắng về không. Trong căn nhà gỗ ọp ẹp được vá chi chít những phên nứa, ông Đoàn Văn Nhiệm (54 tuổi) nằm trên giường với những tiếng thở dài đầy bất lực. Những trận sốt rét rừng ác tính trong mỗi chuyến đạp trầm đã vắt kiệt hết sức khỏe của ông.

Mấy năm trước trong một chuyến đi rừng, ông bị gỗ đè liệt cả hai chân, mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ cả vào vợ. Ông kể: “Hồi đó tui cũng định nghỉ rồi, mình đi mấy chục năm mà không có gì, sức khỏe thì yếu đi hẳn. Nghĩ phận mình không được hưởng lộc trời ban nên đang tính chuyển sang nuôi cá lồng trên sông Son”. Nhưng cứ thấy người trong làng đua nhau trúng trầm, tiền bạc gửi về nhà liên tục. Mộng đổi đời nhờ đi trầm lại nổi lên, ông bảo vợ chạy vạy mượn tiền đóng gùi cho mình và anh con trai đi. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của lão phu trầm. Ông được chủ trầm thuê xe cho về Việt Nam. Giờ đây mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều nhờ vào anh con trai đang phiêu bạt đâu đó bên các cánh rừng của Malaixia.

Còn về được như ông Nhiệm cũng có thể coi là may mắn. Nhiều phu trầm Thanh Hưng đã phải bỏ mạng nơi rừng sâu bởi sốt rét, rắn cắn, hổ vồ, gỗ đè hay bị lũ rừng cuốn mất xác... Nhiều xâu trầm hì hục hàng tháng trời trong rừng, họ đi hết cánh rừng này tới cánh rừng khác. Có khi đóng trại ở Malaixa mà qua đất Thái Lan nên bị bắt khi nào không hay. Chị Ngô Thị Xuân có chồng là anh Hoàng Văn H. bị bắt ở Thái Lan. Nghe chị kể khi bị phát hiện, anh H. bỏ chạy bị cảnh sát bắn trúng chân, phải chịu án tù đến hết năm nay mới được thả. “Tui cùng 4 đứa con nhỏ côi cút ở nhà, ai thuê gì làm nấy, rau cháo nuôi nhau”, chị Xuân tâm sự.

Theo những kinh nghiệm của giới phu trầm Thanh Hưng thì tù ở Lào, Malaixia là dễ chịu nhất, được nộp tiền bảo lãnh cho về. Còn như bị bắt ở Thái Lan, Inđônêxia thì phải chiụ ở tù từ ba tháng đến một năm mới được thả. Trưởng thôn Hoàng Xuân Hợi cho biết: “Mới rồi có đoàn phu làng Thanh Hưng bị bắt bên Malaixia, trong đó có 3 người là anh em ruột. Mới sang chưa kịp làm được gì, gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi nộp tiền chuộc sang bảo lãnh cho về nếu không phải chịu cảnh tù đày”. Mỗi lần nộp tiền chuộc mất 12 triệu tiền Việt Nam.

Khủng khiếp nhất với dân phu trầm là gặp “mẹo”. “ Với bọn này gặp là chạy nhanh, dù có vác trên vai cả túi kỳ nam cũng phải vứt mà chạy. Bọn này có súng, chúng đi thành tốp 4- 5 tên, gặp phu đi trầm là bắn. Có khi gặp một phu trầm thôi chúng lần theo về đến trại giết cả xâu đi trầm” - ông Nh. cho biết. Ở Thanh Hưng nhiều người bị giết hại dưới tay của “mẹo”. Có gia đình chết cả cha con, anh em...

Nhắc đến đây ông Hoàng Văn L. vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết bất ngờ của hai em trai. Ông kể: Hôm đó 3 anh em tui đóng lán gần một con suối, rồi chia nhau đạp trầm. Tui về sớm nấu cơm. Đang vo gạo ở suối thì nghe tiếng chúng về. Đang định lên thì nghe một loạt đạn phát ra từ lán. Hoảng hồn  núp vào một phiến đá. Trời tối hẳn mới bò lại lán thì thấy M. và Th. (hai em trai của ông) đã bị bắn chết, đồ đạc bị cướp sạch trơn. Biết bọn chúng còn lởn vởn quanh đây, tui chạy một mạch ra khỏi rừng. Hôm sau bắt xe về nhà. “Giá như có một cái nghề để mưu sinh...” Nói tới đây, nước mắt ông trào ra...

                                                                                Xuân Phú



 

,
.
.
.