Bén duyên với lính biên phòng

Cập nhật lúc 06:20, Thứ Bảy, 23/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn chục năm về trước, tôi chập chững bước vào nghề báo. Một ngày mùa đông rét mướt của khoảng thời gian đó, từ Đồng Hới, nhận được tin có 11 hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa quay trở lại sống trong hang đá, tôi vội đón xe đò ngược lên miền tây Quảng Bình để tìm hiểu thực hư. Ngày đó, trung tá Đinh Tiến Khâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cử một sỹ quan trẻ cùng tôi cắt rừng theo tuyến đường huynh đệ xuyên giữa rừng già vào vùng bản Ón, nơi sinh sống của tộc người Rục. Chuyến đi đầu tiên ấy cho đến bây giờ vẫn tươi nguyên trong ký ức... và tôi chừng ấy năm đã bén duyên cùng lính biên phòng.

1. Đồn Biên phòng Cà Xèng chuyển vào vùng đồng bào Rục đã mấy năm nay. Tính từ thời tôi “kết” trung tá Đinh Tiến Khâm, trong vòng hơn chục năm đã có đến bốn đồng chí đồn trưởng thay nhau “nếm mật, năm gai” “năm cùng” với người Rục, người Sách xã Thượng Hóa. Ai đó hỏi tôi rằng “Người Rục bây giờ thế nào?”, tôi sẵn sàng trả lời không chút lưỡng lự: “Khác xưa lắm rồi! bà con biết rào vườn trồng cây, nuôi trâu bò; biết học cái chữ; biết trồng lúa nước... công đầu đều nhờ vào lính biên phòng cả đó”. Cánh đồng lúa Rục Làn liên tục mấy mùa thắng lớn. Chuyện các hộ gia đình đồng bào Rục, Sách trong nhà có hơn tấn lúa, ngày trước không thể mơ, nhưng giờ là sự thật.

Đồn trưởng Đồn Cà Xèng hiện tại là trung tá Trịnh Thanh Bình, lâu lâu thấy vắng anh lại điện thoại trách khéo: “Chú dạo ni xa cánh lính biên phòng rồi à? Lên mà xem cánh đồng Rục Làn xanh lại sau mấy mùa lũ vây, lũ tràn”. Lời anh nhắc làm tôi chạnh lòng nhớ đến đận lũ tháng 10- 2010, cả vùng thung lũng ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ bị lũ chia cắt hơn tháng trời. Trong lũ, tình quân dân xích lại gần nhau hơn... Hai mươi ngày sau, tôi cùng với một đồng nghiệp ở báo Nông thôn ngày nay quyết định liều, lội nước mà vào với đồng bào, với cán bộ, chiến sỹ Đồn Cà Xèng.

Một ngày trầm mình trong nước lũ, tối về ở lại Trạm Biên phòng Yên Hợp, thiếu tá Võ Công Thức, cán bộ phụ trách trạm đãi khách bằng nồi cơm trắng, chút rau tàu bay chấm muối sống và ớt tiêu cay xé lưỡi. Trong ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn dầu, vừa ăn, thiếu tá Thức vừa xuýt xoa: “Tiếp nhà báo như ri... không yên tâm chút mô cả. Mưa gió, lũ lụt... có chi dùng nấy nghe!”.

Đại úy Nguyễn Huy Cận với vợ chồng già Hồ Mút,  người chăm cột mốc N11 tại bản Xòn, vùng Lòm, xã Trọng Hóa.
Đại úy Nguyễn Huy Cận với vợ chồng già Hồ Mút, người chăm cột mốc N11 tại bản Xòn, vùng Lòm, xã Trọng Hóa.

Một lần tình cờ gặp lại thiếu tá Võ Công Thức ở thành phố Đồng Hới nhân dịp anh về công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tay bắt mặt mừng, tôi hỏi: “Anh biết em nhớ chi nhất ngày vào vùng lũ Thượng Hóa không?”. Anh lắc đầu. Tôi thú nhận: “Tình người vùng lũ, rau tàu bay và ớt tiêu cay xé lưỡi. Chắc chắn khó có thể quên”.

2. Bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới Việt- Lào. Bản chỉ có 16 hộ, 76 khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều. Năm 2010, tôi quyết định làm một chuyến hành trình lên Dốc Mây. Để có chuyến đi này, từ dự định đến khi thành hiện thực mất đến... năm năm trời. Đường vào bản Dốc Mây gian nan lắm, đi bộ cắt rừng, lội suối cả ngày trời và dĩ nhiên tôi cùng một đồng nghiệp ở cơ quan phải cần đến Bộ đội Biên phòng.

Ngày đó, sau bữa cơm trưa tại Đồn Biên phòng Làng Mô, thượng tá Đặng Huy Chương gọi thượng úy Nguyễn Văn Thành tại tổ công tác biên phòng Khe Đen lên giao nhiệm vụ đưa các phóng viên Báo Quảng Bình vào Dốc Mây. Từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây rẽ vào một lối đi độc đạo, càng đi, càng thấy sâu hun hút dưới rừng già. Loáng cái, chỉ còn lại bóng ba người cô độc. Thượng úy Thành nhận mang tất cả mọi thứ cho chúng tôi, trên tay tôi chỉ còn lại con dao quắm để phát cây dại, vậy mà đi chừng hai tiếng đồng hồ, thấy con dao nặng trịch. Câu chuyện qua lại giúp chúng tôi xích lại gần nhau.

Thành bảo anh người thị trấn Quán Hàu, đi lính biên phòng cũng gần chục năm. Muốn vào Dốc Mây, phải qua bản Rìn Rìn... mà trời chiều rồi, không khéo đêm nay ở lại Rìn Rìn. Từ trước tới nay ngoài lính biên phòng, thầy cô giáo cắm bản dạy học thì không có ai dám vô Dốc Mây mô, nhà báo lại càng không! Ráng giữ sức, đường còn xa ngái lắm. Hai chú trẻ mà dũng cảm, anh có lời khen... Câu chuyện đứt gãy xen với hơi thở ra bằng mũi, bằng mắt, bằng mồm còn lở dở thì đã tới bản Rìn Rìn.

Chuyến đi Dốc Mây thành công ngoài mong ước, phóng sự dài hai kỳ “Dốc Mây xa thẳm” đăng trên Báo Quảng Bình được độc giả ghi nhận và đánh giá cao. Sau này trong nhiều chuyến lên tuyến biên giới rừng, tôi vẫn bâng khuâng nhớ đến hành trình vào Dốc Mây, Rìn Rìn. Nhớ thượng úy Nguyễn Văn Thành xua bọ mắt canh giấc ngủ. Nhớ quãng đường quay ra vừa đi, vừa chạy vì lũ rừng đuổi theo sau lưng.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo làm nhà đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo làm nhà đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc.

Tôi gặp lại thượng úy Nguyễn Văn Thành vào dịp đầu năm 2013 khi đang ngược dòng Đại Giang lên Trường Sơn, anh bây giờ chuyển về phụ trách tổ biên phòng Bến Tiêm. Gặp nhau, chào nhau, hỏi nhau đậm chất lính: “Nhớ Dốc Mây chứ?”. “Nhớ! Làm sao quên!”.

3. Bản Xòn cách bản Si thuộc vùng Lòm, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá gần nửa ngày cắt rừng đi bộ. Gọi là bản nhưng ở đây chỉ còn lại đôi vợ chồng già Hồ Mút- Hồ Thị Đăn sinh sống. Già Hồ Mút tự nguyện sống  lưng chừng dãy núi Giăng Màn để chăm sóc, bảo vệ cột mốc biên giới mang số hiệu N11 do Đồn Biên phòng Ra Mai phụ trách.

Năm 2010, tôi đến Đồn Biên phòng Ra Mai, lúc đó thượng tá Hồ Quang Phúc đang là Đồn trưởng (khi tôi viết những dòng hồi ký này thì ông đã về hưu). Ấn tượng của tôi đối với Đồn trưởng Phúc rất sâu đậm, ông chân tình, sống hòa đồng, gần dân. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tuyến biên cương của Tổ quốc, ông và cánh lính biên phòng Ra Mai còn giúp đồng bào dân tộc Mày, Chứt ở xã Trọng Hóa trong vấn đề phát triển kinh tế- xã hội. Nhiệm vụ dẫn đường cho tôi lên với vợ chồng Hồ Mút, lên cột mốc N11 được thượng tá Phúc giao cho đại úy Nguyễn Huy Cận, cán bộ trinh sát phụ trách vùng Lòm.

Buổi sớm, khi sương trắng còn ken dày trên dãy Giăng Màn, chúng tôi trực chỉ bản Xòn. Vượt đỉnh dốc Xòn cao chót vót, người đi trước cứ mường tượng chân mình đạp trên đầu người đi sau. Ấy vậy mà vui, vì mấy khi được cắt rừng lên cột mốc biên giới với lính biên phòng. Trưa, khi mặt trời chiếu thẳng đứng, chúng tôi mới đến được dưới chân ngôi nhà sàn của bọ Mút, tiếng gọi thân thương của lính biên phòng dành cho người đàn ông Mày đang ngày đêm chăm cột mốc như một người lính biên phòng thực thụ.

Già Mút kể: “Đồn biên phòng chuyển về bản Dộ, dân bản Xòn theo Đảng, theo bộ đội về định cư tại các bản thuộc vùng Lòm: Si, K. Chăm, Tà Vơờng, Dộ... Tao khuyên con cháu về vùng đất mới, chăm lo làm ăn, thoát khỏi nghèo đói. Tao ở lại vì tâm hồn tao quen với cột mốc biên giới rồi! Đã mấy chục năm ni... đầu người già như tao không nhớ nổi. Tao chỉ nhớ, khi đôi chân đang còn khoẻ, đôi tai còn nghe tiếng dội của đại ngàn, con mắt còn tinh... thì một tháng tao lên với cột mốc một lần. Lên đó, thấy tự hào lắm! Nếu cây cối mọc che đi cột mốc, tao phát quang chúng. Nếu cột mốc bị hư hỏng, tao báo cho Bộ đội biên phòng”. Bọ Mút xem Bộ đội Biên phòng như con cháu trong nhà, ngược lại bộ đội cũng quý trọng bọ Mút lắm! Tôi ngồi nghe chuyện kể về vùng biên, về cột mốc N11 giữa bọ Mút và đại úy Cận, càng thấm hơn, hiểu hơn tình cảm quân dân, khâm phục cánh lính biên phòng.

Chặng đường hơn mười năm làm báo, không dài, không ngắn, kịp đủ để cho tôi ghi dấu những kỷ niệm vui buồn về chuyện nghề, chuyện nghiệp. Ừ! Thì tôi bén duyên với lính biên phòng rồi đó, trong quá khứ, hiện tại và cả về sau này nữa. Cái duyên đơn sơ, dung dị qua từng chuyến đi; qua cách đối đãi chân tình... hay cái duyên bén rất ngọt từ những chén rượu nồng ở một bản đồng bào dân tộc thiểu số nào đó... Và nữa, từ bữa cơm đạm bạc dưới ánh đèn dầu tranh tối, tranh sáng, rau tàu bay cùng những trái ớt tiêu cay xé lưỡi để đời.

                                                                             Ngô Thanh Long






 

,
.
.
.