Mảnh đất có 5 di tích lịch sử quốc gia

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Năm, 21/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Dân Hóa- một mảnh đất có 5 di tích lịch sử quốc gia nằm trên dãy Trường Sơn hùng vỹ ở phía tây của huyện Minh Hóa. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mỗi tấc đất, mỗi cung đường, bản làng ngày đó như một tọa độ lửa của kẻ thù. Nhưng giờ đây, mảnh đất có 5 di tích lịch sử đó đã từng ngày hồi sinh.
 

Bia chiến thắng Bãi Dinh.
Bia chiến thắng Bãi Dinh.

Quốc lộ 12A cắt từ đường mòn Hồ Chí Minh tại ngã ba Khe Ve xã Hóa Thanh lên tới cửa khẩu quốc tế Cha Lo qua nước bạn Lào với chiều dài khoảng 35km. Ngày xưa, đó là một tuyến lửa vô cùng ác liệt. Ông Hồ Nhâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa kể lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi tấc đất, ngọn núi, bản làng của xã chúng tôi đều bị bom đạn cày xới. Cứ trung bình mỗi ngày, giặc Mỹ trút bom xuống một lần. Mỗi người dân phải hứng chịu trên 120 quả bom các loại”.

Đường 12A qua xã Dân Hóa ngày đó là con đường gần như độc đạo chuyên chở hàng hóa và vũ khí đi vòng qua nước bạn Lào vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tầm quan trọng đó, đường 12A đã trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên hệ thống đường Trường Sơn lịch sử. Theo nhiều nhân chứng lịch sử kể lại, để cắt đứt tuyến vận chuyển độc đạo, đế quốc Mỹ đã dùng đến cả máy bay chiến lược B52 “rải thảm” khiến tuyến đường 12A trở thành “toạ độ lửa”. Để bảo vệ tuyến đường, nhiều bộ đội và TNXP đánh đổi bằng xương, máu giữ cho tuyến đường thông suốt.

Tại Km 21 thuộc đồi Cha Quang, địch đã trút xuống đây hàng ngàn tấn bom đạn nhằm vùi lấp con đường trong 47 ngày đêm (từ ngày 18-5 đến 3-7-1966). Đó là nơi đóng quân của đơn vị TNXP C759. Họ làm nhiệm vụ với tinh thần: “Máu C759 có thể đổ nhưng đường của C759 không thể bị tắc”. Nơi đây, các anh chị đã có hàng chục trận đánh với kẻ thù. Trong đó, có trận đánh diễn ra ngày 3-7-1966.

Khoảng 22 giờ đêm đó, đơn vị đang bảo vệ tuyến đường thì địch dội xuống một loạt bom giữa lưng chừng núi, chính diện với nơi đơn vị đang làm nhiệm vụ. Loạt bom đó làm hàng chục chiến sĩ bộ đội và TNXP hy sinh và bị thương. Trong đó, có 7 đồng chí C759 bị cả khối đất đá khổng lồ vùi lấp. Tình thế lúc này rất cấp bách, đường tắc khiến cả đoàn xe vận tải bị ùn tắc kéo dài. Nhưng nếu chờ lấy thi thể của đồng đội thì máy bay Mỹ sẽ phát hiện đoàn xe và tập trung đánh phá, lúc đó thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Toàn đơn vị quyết định vừa san đường mở lối cho xe qua, vừa tìm kiếm thi hài đồng đội.

Sau khi thông đường, toàn đơn vị tiếp tục tìm kiếm thi thể của những đồng đội còn lại, đến ngày 11-7-1966, đơn vị đã tìm được thi thể 6 chiến sĩ, riêng đồng chí Trần Văn Trường vẫn nằm lại dưới lòng đất lạnh cho hàng nghìn lượt xe đi qua. Mãi đến năm 1971, khi máy ủi san hạ độ dốc mặt đường mới tìm thấy thi thể đồng chí Trần Văn Trường cùng chiếc đèn pin đeo bên mình khi làm nhiệm vụ.

Di tích lịch sử quốc gia đồi Cha Quang.
Di tích lịch sử quốc gia đồi Cha Quang.

Để ghi nhớ chiến công vẻ vang và sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, đơn vị C759 đã quyết định lấy ngày 3-7-1966 làm tên gọi cho ngọn đồi mà các anh chị đã ngã xuống. Bắt đầu từ ngày đó, đồi Cha Quang lại có thêm một tên gọi mới là "đồi Ba Bảy. Năm 2009, tập thể bảy liệt sỹ TNXP hy sinh ở đồi Cha Quang đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích lịch sử đồi Cha Quang cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, được UBND tỉnh đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng xây dựng nhà bia tưởng niệm.

Dân Hóa hôm nay đã từng ngày đổi thay, nhưng những chứng tích của các cuộc chiến tranh vẫn còn đó. Đến mảnh đất này, ai cũng muốn dừng chân lại Di tích lịch sử quốc gia Cổng Trời để hồi tưởng lại lịch sử. Đây là vùng đất có địa hình hiểm trở, núi non hùng vĩ. Đó là nơi tập kết các kho xăng dầu, kho hàng trung chuyển, công sự ngầm đúc bằng bê tông kiên cố. Bên cạnh là Đồn biên phòng Cha Lo, Tiểu đoàn 929 Bộ đội biên phòng, Tiểu đoàn 14 Quân khu 4 chốt giữ để bảo vệ biên giới và an ninh khu vực...

Cổng Trời ngày đó đứng sừng sững hiên ngang, nghiêng lưng để che chở cho từng đoàn quân, đoàn xe vận tải lương thực, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trên nhiều vách đá ở đó vẫn còn những vết khắc ghi của các chiến sĩ nhắn gửi đồng đội, câu khẩu hiệu “Tim còn đập, đường không tắc”. Bên trái đường không xa là một hang động để làm lễ “truy điệu sống” cho các chiến sĩ trẻ Đoàn 12 công binh trước những giờ ra trận.

Cách Cổng Trời hơn 100 mét về phía Cha Lo là trận địa Nguyễn Viết Xuân, một di tích lịch sử quốc gia khác. Đây cũng là một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Để bảo vệ trận địa, các chiến sỹ pháo cao xạ Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 đã kiên cường bám chốt và bắn cháy, bắn thương nhiều máy bay giặc Mỹ. Chính nơi đây, anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Nguyễn Viết Xuân với câu khẩu lệnh chiến đấu ngày 18- 11- 1964: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.

Đường về Dân Hóa hôm nay.
Đường về Dân Hóa hôm nay.

Ông Cao Ngọc Thịnh- một cựu sĩ quan của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo kể lại một chiến công khác tại trận địa này. Khoảng 6 giờ sáng, ngày 17- 4- 1965, hàng chục máy bay Mỹ điên cuồng trút bom xuống đường 12A suốt 12 giờ đồng hồ từ La Trọng lên đến Cha Lo. Các tuyến đường, các khu căn cứ quân sự của quân và dân ta bị bom Mỹ cày xới tan nát.

Trước tình hình đó, đơn vị ông phối hợp với đơn vị anh hùng Nguyễn Viết Xuân chiến đấu. Chúng ta xây dựng trận địa bắn máy bay tại trận địa và huy động tối đa các loại vũ khí như: súng 14 ly 5, 12 ly 7, súng trung liên, thượng liên để bắn trả. Suốt 12 giờ đồng hồ, máy bay Mỹ liên tục bổ nhào xuống trận địa thả bom. Trong trận đánh này, anh Nguyễn Viết Xuân lại hô to khẩu lệnh: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Lời nói anh vang lên càng khích lệ lòng dũng cảm của đồng đội. Hễ máy bay địch cứ bổ nhào thả bom là ta bắn trả. Trong trận quyết tử đó, ta bắn hạ tại trận 3 chiếc máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống một số giặc lái, lấy được 6 khẩu súng và thu được nhiều quân tư trang của địch... Với những chứng cứ lịch sử trên, trận địa Nguyễn Viết Xuân được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngoài ra, xã Dân Hóa còn hai địa danh khác được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cùng ngày với trận địa Nguyễn Viết Xuân là tượng đài chiến thắng Bãi Dinh và tượng đài chiến thắng Cha Lo. Đó đều là hai tọa độ lửa trên đường 12A huyền thoại; gắn với những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Nơi đó, có những cảm tử quân đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ tuyến đường chiến lược luôn được thông suốt.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi tấc đất, mỗi con suối, ngọn đồi nơi mảnh đất biên cương này vẫn còn những dấu tích của đạn bom. Và những di tích lịch sử đã chứng minh cho sự tàn khốc của chiến tranh cũng như tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trên đất Dân Hóa năm xưa. Mảnh đất giờ đang từng ngày hồi sinh bằng chính sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước. Con đường 12A năm xưa hứng chịu đạn bom giờ đã trở thành con đường chiến lược phát triển kinh tế của cả nước. Những hố bom ngày nào giờ đã được phủ xanh bằng những cánh rừng trồng. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ là cú hích cho Dân Hóa đi lên.

                                                                                  Xuân Vương






 

,
.
.
.