Những chuyến xe thắm tình Việt-Lào

Cập nhật lúc 07:10, Thứ Sáu, 18/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Với khoảng 201 km đường biên chung với 2 tỉnh bạn Lào là Khăm muộn và Savannakhet, quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung của Quảng Bình với hai tỉnh bạn luôn gắn bó keo sơn. Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng phát triển, cùng với những công trình đường 12 nối với cửa khẩu quốc tế Cha lo, những chuyến xe lại góp phần thắt chặt tình cảm keo sơn giữa Quảng Bình và các tỉnh bạn Lào…

Từ những năm tháng hào hùng đến tình hữu nghị bền chặt...

Tháng 9-1959, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 959 chuyên gia giúp nước bạn Lào ở mặt trận Hạ Lào. Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, đồng thời vận chuyển, bảo đảm hậu cần cho Đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm giúp bạn Lào. Và như một cơ duyên, tất cả các mối đường bộ, đường sông, đường biển mà Đoàn 559 xây dựng, tổ chức, tiếp nhận hàng hóa đều nằm ở các bến bãi trên đất Quảng Bình như: Quán Hàu, Phà Gianh, phà Long Đại, Xuân Sơn, Khe Ve, Khe Tang, Làng Ho...

Với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, nhân dân các tỉnh bạn Lào nhanh chóng hỗ trợ và phục vụ bộ đội Việt Nam. Đáp lại tấm lòng quý mến và đùm bọc của nhân dân Lào, bộ đội Việt Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã tích cực cùng với bộ đội Pa thét Lào chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào, giúp đồng bào tăng gia sản xuất, cứu đói cho dân khi gặp thiên tai, địch họa nhằm cải thiện đời sống nhân dân, góp phần làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào.

Trải qua 50 năm, tình hữu nghị ấy tiếp tục được vun đắp thêm bền chặt, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào được các cơ quan Đảng, chính quyền, các ngành, nhân dân và các thế hệ tiếp tục trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Từ cuối những năm 1976 cũng như các năm tiếp theo, có hàng trăm xe vận tải hăm hở thực hiện các chuyến hàng giúp bạn tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng, bảo vệ đất nước. Đồng thời, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân Lào và với ý thức trách nhiệm cao, cũng đã có hàng nghìn những chuyến xe Việt-Lào chở trên 2.000 bộ hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào về an táng tại quê nhà Quảng Bình.

Cắt băng khai trương tuyến xe Việt-Lào: Đồng Hới-Viêng Chăn.
Cắt băng khai trương tuyến xe Việt-Lào: Đồng Hới-Viêng Chăn.

Trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Bình vinh dự là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu giữa hai nước Việt-Lào. Những công trình như: Trường tiểu học hữu nghị Quảng Bình-Khăm Muộn (tại tỉnh Khăm Muộn); Trường mầm non hữu nghị Quảng Bình- Savannakhet tại thị xã Kay sỏn Phôm vi hản (tỉnh Savannakhet); Trạm y tế Lằng Khằng; hỗ trợ tỉnh Khăm Muộn lúa giống chất lượng cao; hàng chục đoàn giao lưu trao đổi hàng năm trên các lĩnh vực...đã phần nào nói lên quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh bạn.

Đặc biệt, nhằm tạo sự kết nối về du lịch, văn hóa giữa hai nước, tỉnh Quảng Bình đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải du lịch quốc tế với Lào như: Đồng Hới-Thà Khẹc, Đồng Hới-Thà Khẹc-Bolykhamxay, Đồng Hới-Savannakhet, Đồng Hới-Viêng Chăn, Đồng Hới-Pắc xế...

Những chuyến xe chạy ròng rã trên những tuyến vận tải quốc tế Việt- Lào và ngược lại không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân hai nước và khách quốc tế, mà còn thúc đẩy sự hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, du lịch giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh bạn Lào. Đồng thời, hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết, mối quan hệ bền chặt son sắt của hai dân tộc.

Và nhiệm vụ mới hôm nay

Xuyên suốt chiều dài của lịch sử, những chuyến xe Việt- Lào đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai nước và đến tận bây giờ những chuyến xe Việt-Lào lại có thêm nhiệm vụ mới, đó là cầu nối để những người dân Quảng Bình và các tỉnh bạn Lào thông thương buôn bán và làm giàu chính đáng.

Thế mới biết, kinh tế phát triển, người dân đã có cách làm giàu mới, vừa góp phần đem lại thu nhập cho gia đình, quê hương vừa khai thác tiềm năng kinh tế trên tuyến quốc lộ 12 qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Những chuyến xe Việt-Lào đang chờ đón khách  trên đất nước Triệu Voi
Những chuyến xe Việt-Lào đang chờ đón khách trên đất nước Triệu Voi

Nhờ nắm bắt thị trường nhanh nhạy, nhiều doanh nghiệp chọn những mặt hàng do Việt Nam sản xuất được người dân nước bạn Lào ưa chuộng như: chăn chiếu, đệm, đồ dùng sinh hoạt gia đình... vượt cửa khẩu Cha Lo sang đất nước Triệu Voi để phục vụ nhu cầu của người dân nước bạn và ngược lại, lấy hàng hóa như: vải, gạo, nếp, gà, than...từ Lào về bán lại trong tỉnh. Cũng có người sang Lào chỉ để kiếm kế sinh nhai với các nghề như: thợ xây, thợ mộc, bán cà phê... Tuy nhiên, hoạt động thông thương, buôn bán cũng như nhu cầu đi lại đông đúc và nhộn nhịp nhất vẫn là vào dịp Tết Nguyên đán.

Anh Lê Bá Thắng, Giám đốc HTX cơ khí vận tải ô tô Huy Hoàng, một trong những đơn vị vận tải tuyến Việt-Lào cho biết: "...Cao điểm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp trở đi thì hành khách từ Lào trở về quê ăn tết nườm nượp. Đến khoảng ngày 30 Tết, bến xe Nam Vientiane (Lào) vắng hơn mọi ngày vì lượng khách về Việt Nam đã dồn cho các ngày trước đó. Ăn Tết xong, từ ngày mồng 8 cho đến Rằm tháng Giêng thì khách lại quay trở lại Lào. Trong đó, tuyến Đồng Hới-Khăm Muộn (320km) và Đồng Hới-Viêng Chăn (700km) thường đông khách và xe chạy với tần suất cao nhất với 3 chuyến/tuần bởi người Quảng Bình sinh sống và làm ăn ở hai địa điểm này rất đông. Vì vậy, riêng trong dịp Tết, các tuyến vận tải của chúng tôi vận chuyển đi lại cho khoảng gần 1.400 người".

Để đáp ứng nhu cầu thông thương buôn bán làm ăn của nhân dân trong dịp Tết, các nhà xe đều tăng chuyến và quyết tâm phục vụ khách chu đáo cho đến những ngày cuối cùng của năm. Vì vậy, vào sáng 30 Tết, vẫn có các chuyến xe "vét" (xe cuối cùng) rời bến và những người về Tết muộn vẫn có thể kịp đón giao thừa với người thân trong gia đình. - Anh Thắng chia sẻ thêm.

Sau những chuyến ngược xuôi buôn bán ở nước bạn, người Quảng Bình  chắt chiu gom góp để về xây dựng gia đình, quê hương. Anh  Lê Công Đua, ở xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), sang Viêng Chăn (Lào) làm nghề phụ xây, vừa chất những thùng hàng nhựa lên xe khách, chuẩn bị cho một chuyến làm ăn vừa lý giải: "Bên đó làm ăn dễ hơn bên mình nên cuộc sống có khấm khá hơn, trình độ lao động phổ thông nhưng thu nhập cũng đạt từ 10-15 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mỗi chuyến sang Lào thường kéo dài 3-4 tháng và khi về cũng tiết kiệm được 30-40 triệu đồng đem về cho gia đình".

Chị Trần Thị Làn, một lao động quê ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh) làm việc tại Khăm Muộn tâm sự: "Làm việc tại một cơ sở uốn tóc, thu nhập hằng tháng khoảng từ 8-10 triệu đồng nên cuộc sống của tôi ổn định và khấm khá hơn. Đặc biệt, ở Khăm Muộn bà con Việt kiều khá đông, có nhiều người Lào nói tiếng Việt thành thạo và tất cả đều sống đoàn kết, thân thiện...".

Hy vọng rằng, những chuyến xe liên vận Lào-Việt sẽ là những chuyến chở niềm vui cuối năm về với mọi nhà trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc một cách trọn đầy. Bởi những người dân Quảng Bình dù hằng năm sinh sống, làm ăn và gắn bó với nhân dân các tỉnh bạn Lào tươi đẹp nhưng vẫn luôn hướng về quê hương và mong muốn được về nhà sum họp bên người thân trong những ngày Tết.

                                                                       N. L



 

,
.
.
.