Tha hương... thành triệu phú

Cập nhật lúc 07:58, Thứ Sáu, 11/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Anh bạn phiên dịch trong đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Savannakhet nói: Nếu tính trong tỉnh thì tập đoàn của ông nằm trong tốp 10, nếu toàn nước Lào, nằm trong tốp 50 tập đoàn mạnh, làm ăn phát đạt... Ông là ai?

Savannakhet là tỉnh được xếp đầu "bảng" về phát triển kinh tế ở vùng Trung Lào. Với hơn 1 triệu dân, diện tích hơn 21 ngàn km2 (lớn gần gấp 2,5 lần tỉnh ta) lại sở hữu nhiều mỏ kim loại quý...,Savannakhet tập hợp nhiều tập đoàn kinh tế mạnh của nước Lào. Trong những tập đoàn anh bạn phiên dịch kể ra, tôi đã để ý đến tập đoàn có chủ sở hữu là một Việt kiều quê ở Quảng Bình. Đó là Tập đoàn SLN do ông  Nguyễn Văn Quý, tên Lào là Xí Pa Xợt Xu ly Nha Phăn làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc...

Chỉ có hơn một giờ đồng hồ rảnh rỗi trong chuyến tháp tùng đoàn đại biểu cấp cao tỉnh ta sang thăm và làm việc với tỉnh Savannakhet, chúng tôi quyết định tìm về doanh nghiệp này. Biết chỗ nghỉ của đoàn xa Văn phòng tập đoàn đến 7km, chúng tôi lại chưa thông thạo địa hình, ông Quý đã cử cậu con trai thứ... bảy đến đón chúng tôi.

Trong văn phòng làm việc của ông, có lẽ chỉ nhìn qua là biết ngay chủ nhân là người Việt: ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản đồ nước CHXHCN Việt Nam được treo nơi trang trọng nhất. Và cả những tấm bằng khen của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam các năm 2006, 2008, 2012 cho ông Quý về thành tích suất sắc trong hoạt động xã hội- từ thiện giúp đỡ cộng đồng và đồng bào trong nước ...

Với chất giọng "đặc sản" Quảng Bình và khá chậm rãi, ông Quý đã kể lại quãng đời tủi cực và chặng đường đầy chông gai để đến hôm nay có trong tay một tập đoàn mạnh, hoạt động đa ngành, từ xuất nhập khẩu đến chế biến gỗ, sản xuất nhựa PVC, khai thác khoáng sản và cả lĩnh vực xây dựng với trên chục cơ sở sản xuất, doanh thu năm cao điểm trên ngàn tỷ đồng, nuôi sống cả ngàn công nhân, có mặt hàng do doanh nghiệp ông sản xuất chiếm 70% thị phần trên lãnh thổ Lào...

Ông Nguyễn Văn Quý (ngồi giữa) và con trai thứ bảy.
Ông Nguyễn Văn Quý (ngồi giữa) và con trai thứ bảy.

Cũng như những gia đình nghèo khác ở miền tây Quảng Bình, trong những năm giặc Pháp đô hộ, cái nghèo, cái đói đã xô đẩy gia đình bố mẹ ông tha phương cầu thực. Thoạt đầu bố mẹ ông lên miền ngược, rồi lưu lạc qua đất Lào lúc nào chẳng hay. Dừng chân ở làng Xiềng Vang, huyện Nậm pốc, tỉnh Khăm Muộn, ông Quý được sinh ra trên mãnh đất nghèo xác xơ đó. Hai tuổi lại mồ côi cha. Phận lưu lạc xứ người lại mất đi chỗ dựa vững chải nhất của tuổi ấu thơ, ông phải đi qua tuổi thơ buồn tủi, không được học hành một cách suôn sẻ... 10 tuổi đã phải lao động phụ giúp mẹ kiếm sống...

Lớn lên chút ít nhờ một số người đồng hương dìu dắt, ông có tham gia hoạt động cách mạng, giúp ông hiểu thêm những điều hay lẽ phải. Nhưng những người đồng hương giàu nhiệt huyết cách mạng ấy sớm bị tù đày, ông lại bơ vơ vô định giữa dòng đời tối tăm lúc đó...Sau khi lập gia đình vào năm 1957, ông bắt tay vào làm thợ may, một trong những nghề dễ kiếm sống thời đó. Đó là vào năm 1961.

Nhưng rồi nhận ra vùng đất mà gia đình ông "cắm dùi" không mấy phát triển, thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn..., năm 1965, ông quyết định dời về tỉnh Savannakhet. Ông nói đây là bước ngoặt trong cuộc đời ông. Đến sau này, khi đã đi qua hai tỉnh có chung đường biên giới với tỉnh ta, được nghe và cả thấy về những vùng đất này, tôi mới lý giải được "bước ngoặt" trong câu chuyện của ông. Mặc dù liền kề nhau nhưng hai tỉnh khác nhau khá nhiều về điều kiện tự nhiên, đất đai...

Vì vậy ở Savanankhet có đến 4 ngàn Việt kiều, còn ở Khăm Muộn chỉ trên dưới 2 ngàn. Lúc này ông bắt đầu mở hướng kinh doanh. Đấy là những năm sau giải phóng 1975. Nhưng khi vào cuộc ông mới thấm thía " thương trường như chiến trường". Liên tiếp thất bại, từ hợp tác xã làm gỗ đến hoạt động xuất nhập khẩu... Nhưng như ông nói, qua đó cũng cho mình những bài học hay trên thương trường, là dịp mổ xẻ, phân tích, xác định rõ nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm cho lần sau...Thất bại nhưng máu làm ăn trong ông không hề nguội lạnh. 

Xưởng sản xuất cấu kiện thép của tập đoàn ông Quý.
Xưởng sản xuất cấu kiện thép của tập đoàn ông Quý.

Đến năm 2000, ông lại "tái xuất giang hồ", xông ra thị trường, mở  công ty cưa xẻ gỗ và kinh doanh mặt hàng gỗ. Nhưng lần này mô hình tổ chức là công ty tư nhân, ông toàn quyền quyết định tất cả. Với sự nhạy cảm của mình, 3 cơ sở cưa xẻ gỗ của ông đã án ngữ ở 3 tuyến đường trọng yếu trong khu vực, tạo thế chân kiềng. Nhờ sự táo bạo này mà doanh nghiệp ông phất dần lên, tích tiểu thành đại. Lúc này việc xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng đang nở rộ, ông lại mở doanh nghiệp chuyên thầu xây dựng, khai thác khoáng sản... Khi hỏi về nghiệp vụ xây dựng, ông cười mà rằng, biết bập bõm thôi, nhưng mà vừa làm vừa học...

Nhưng ông nói, sự nghiệp của ông có lẽ phải đến năm 2006 mới thực sự "thăng hoa", ghi tên tuổi trong làng...đại gia trên đất nước Triệu Voi. Đó là khi ông bàn với đại gia đình (lúc này ông đã có 11 người con, trong đó có 8 con trai) mở 2 nhà máy chế biến nhựa PVC. Ông nói: “Tôi đã bỏ ra hơn nửa triệu đô để đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất các loại ống nhựa PVC phục vụ dân sinh và xây dựng... Những năm đầu cũng cam go lắm, nhưng tôi kiên định bước đi vì xu thế phát triển của xã hội, lại chọn được đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao, tâm huyết với mình nên đến năm thứ 2 nhà máy đã vượt qua khó khăn, năm thứ 3, thứ 4 thì phát triển tốt, hàng hoá sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.

Đến nay sản phẩm mang nhãn hiệu  tập đoàn chúng tôi (SLN) đã chiếm 70% thị phần trên lãnh thổ Lào, hàng năm cung ứng ra thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm, riêng năm 2012 là 3.000 tấn. Năm 2011, chính phủ Lào cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc gia duy nhất ở Lào về sản phẩm PVC”... Cũng trong năm này, nắm bắt xu thế phát triển khung nhà sắt, tấm lợp chất lượng cao, ông lại mở nhà máy sản xuất cấu kiện thép và cán tôn cung cấp cho thị trường và giao cho đứa con trai thứ bảy là anh Nguyễn Chánh, người đón chúng tôi về công ty, phụ trách cơ sở này...

Nói về doanh nghiệp ông, ông Bùi Công Chính, Phó Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet cho biết là một trong những DN thành đạt trên đất Lào, là DN Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài được được Bộ Công thương tặng bằng khen trong năm 2012 này... Khi được hỏi bí quyết để thành công, ông Quý nói, tôi ít học trên ghế nhà trường, nhưng ham học trong cuộc sống, luôn nỗ lực vươn lên, thắng không kiêu bại không nản... Vâng, ông có tên Lào, quốc tịch Lào...nhưng ý chí thì ...thuần Việt.

Cùng với làm ăn, ông là một trong những Việt kiều hoạt động nổi bật trong phong trào Việt kiều ở Savanakhet. Với cương vị là Uỷ viên Tổng hội Việt kiều tại Lào, là Phó Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Savannakhet, ông cùng đồng sự đã tạo được nhiều hoạt động có ý nghĩa trong phong trào Việt kiều ở đây, nhất là hoạt động giữ gìn bản sắc văn hoá Việt, hướng về cội nguồn...Bản thân ông đã đóng góp phần kinh phí khá lớn để Hội Việt kiều tỉnh giúp làm 44 căn nhà tình nghĩa, giúp các nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh miền Trung...

Còn nữa, hàng trăm lao động nói tiếng Việt trong các cơ sở sản xuất của ông mà tôi đã gặp là sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả với bà con mình bên ấy...

                                                                     Văn Hoàng










 

,
.
.
.