Lên rừng và xuống biển...

Cập nhật lúc 11:23, Thứ Sáu, 22/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2013 với những dự báo kinh tế đất nước ta sẽ còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó với tỉnh ta để phấn đấu giữ được sự phát triển bình thường phải biết phát huy những thế mạnh sẵn có. Và, chúng ta không thể không quan tâm đến rừng và biển, lĩnh vực mà trong những năm qua bằng sự lao động cần mẫn chúng ta đã tạo được những tiền đề đáng kể. Nhưng rừng và biển đang ngổn ngang những khó khăn, trở ngại rất cần những cơ chế, chính sách mới phù hợp...

Ý thức được tài nguyên rừng là khá tiềm tàng nhưng không vô tận, đặc biệt khi xu thế rừng giàu giảm sản lượng và cả diện tích cũng đang nhỏ lại, tỉnh ta đã có những bước điều chỉnh "chiến lược" trong ứng xử với rừng. Đó là triển khai phương thức khai thác đất đai và tài nguyên rừng một cách hợp lý, trọng tâm là giảm khai thác rừng tự nhiên, chú trọng khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nhanh rừng trồng... Cùng với đó là thực hiện xã hội hoá nghề rừng, đẩy mạnh chủ trương giao đất rừng, giao rừng cho hộ gia đình, tạo sự ổn định nơi ở và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Dù là nguồn thu khá lớn từ khai thác rừng tự nhiên trong khi ngân sách còn bé nhỏ nhưng chúng ta đã mạnh dạn cắt bỏ con số khai thác rừng tự nhiên từ 20-25 ngàn m3 hàng năm xuống còn 10-12 ngàn m3. Cùng với giảm khai thác rừng, những chính sách khuyến khích trồng rừng được triển khai tích cực.

Hàng năm toàn tỉnh trồng mới từ 4.000 đến 5.000 ha rừng trồng cùng hàng triệu cây phân tán, đưa diện tích rừng trồng trên địa bàn toàn tỉnh lên khoảng 110 ngàn ha. Đến cuối năm 2012, tỉnh ta đã có tỷ lệ độ che phủ rừng đạt hơn 70%, cao nhất nước. Chính diện tích rừng trồng này đã cho sản lượng khai thác gỗ hàng năm của tỉnh đạt con số không nhỏ, trên 200 ngàn m3 (riêng năm 2012 là 224 ngàn m3). Nắm bắt được nguồn gỗ rừng trồng khá tiềm tàng, một số doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền chế biến gỗ để giải quyết nhanh đầu ra cho rừng trồng và phục vụ xuất khẩu, hàng năm có trên 170 ngàn tấn gỗ dăm được xuất khẩu.

Rừng cao su đã bắt đầu cho khai thác ở Bố Trạch.
Rừng cao su đã bắt đầu cho khai thác ở Bố Trạch.

Mấy năm lại đây, không chỉ phát triển rừng trồng mà xu hướng nâng cao chất lượng rừng trồng đang được đẩy mạnh. Đặc biệt từ năm 2008 khi Chính phủ công nhận cây cao su là cây đa chức năng, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Thông tư số 58/2009/ TT-BNNPTNT hướng dẫn trồng cao su trên đất lâm nghiệp và Quyết định số 03/2009/ QĐ-UBND tỉnh về việc quy định danh mục các loài cây, mục đích đối tượng và tiêu chí áp dụng để cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh...đã mở rộng lối đi cho nghề rừng.

Chúng tôi coi đây là một mốc quan trọng trong phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Hai doanh nghiệp giữ phần lớn rừng tự nhiên cho tỉnh đã có những “chuyển hướng chiến lược” để phát triển bền vững. Hướng đi lên của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại là tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và đa dạng hoá rừng trồng. Một quyết sách táo bạo cách đây mấy năm là công ty đã chuyển một phần khá lớn diện tích rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, đến nay đã có 1.550 ha cao su.

Trong những năm tới, theo ông Phan Đình Linh, Giám đốc Công ty, đơn vị sẽ tập trung nguồn lực trồng cao su, trồng rừng kinh tế trên diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt với kế hoạch hàng năm trồng mới 600-700 ha rừng kinh tế, 200-300 ha cao su, đưa diện tích rừng nguyên liệu lên 13 ngàn ha và cao su lên 3.500 vào năm 2020.

Không chỉ với các doanh nghiệp chuyên về rừng, mà xu thế nâng cao hiệu quả đất rừng đang được đẩy mạnh trên địa bàn toàn tỉnh. Bố Trạch là địa phương "cao su hoá" đất lâm nghiệp vào loại nhanh nhất trong tỉnh. Một phần thiên nhiên ưu ái cho vùng đất này chất đất phù hợp cây cao su, mặt khác phải nói rằng huyện đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vì vậy đến nay Bố Trạch đang dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích cao su, về diện tích trồng mới cao su hàng năm. Và, hiển nhiên người dân Bố Trạch cũng đang giàu lên từ tiềm năng đất rừng- cao su. Chỉ riêng thị trấn Việt Trung đã có ngót 2 ngàn ha cao su với hơn 350 trang trại lớn nhỏ trong đó phần lớn là trang trại vườn rừng tổng hợp, có nhiều "tỷ phú" từ rừng cao su. Nhiều địa phương khác cũng đã có những bước tiến dài trong việc tăng diện tích cao su, như Minh Hoá, Lệ Thuỷ... Kế hoạch hàng năm của tỉnh về trồng mới cao su là 1.000ha, nhưng mấy năm lại đây kế hoạch này luôn bị “phá vỡ”, diện tích thực trồng lên đến 1.200-1.500ha, đưa diện tích cao su toàn tỉnh lên hơn 17 ngàn ha...

Chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV Việt Trung.
Chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu ở Công ty TNHH MTV Việt Trung.

Tuy nhiên, nhìn lại việc khai thác tiềm năng rừng vẫn còn không ít hạn chế. Một vấn đề nổi lên là thực hiện chế biến tài nguyên rừng chưa nhiều, nhất là chế biến sâu. Mấy năm nay, khái niệm xuất khẩu gỗ dăm như là  sự ăn vội... rừng, và đây cũng là dạng xuất khẩu thô, ngân sách tỉnh thu được không đáng là bao. Vấn đề thứ hai là tiềm năng đất rừng đang còn bị lãng phí bởi rừng vô chủ, hoặc đang nằm trong tay những tổ chức không sinh lợi (UBND các xã), rừng nghèo kiệt đang chiếm tỷ lệ không nhỏ...

Công tác giao đất rừng tiến hành chậm, nhiều địa phương quá cầu toàn... Kéo theo đó, sức lao động của hàng vạn người sống gần rừng đang bị lãng phí...Vì vậy việc bóc tách, phân loại 3 loại rừng cần được khẩn trương thực hiện trong năm 2013 cùng với đẩy mạnh giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, trồng rừng...

Với  Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, lâu nay vẫn đang loay hoay với bảo vệ rừng, khai thác rừng... mà thiếu đi những hoạt động mang tính "dẫn dắt" hoạt động nghề rừng đúng tầm của một doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh. Ý thức được điều đó, chủ trương của doanh nghiệp là tăng cường tìm kiếm đối tác để liên doanh liên kết đưa công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh...

Thời gian qua công ty đã cụ thể hoá chủ trương đó với việc cùng Công ty TNHH Kim Tín khởi động xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 240 ngàn m3/năm. Sự hiện diện của nhà máy MDF sẽ tạo một cú hích mới cho phát triển nghề rừng Quảng Bình, sẽ là sự biến đổi về chất trong phát triển rừng trồng cũng như việc khai thác tiềm năng đất đai của tỉnh...

Tàu cá của ngư dân tỉnh ta chuẩn bị ra khơi.
Tàu cá của ngư dân tỉnh ta chuẩn bị ra khơi.

Tuy nhiên, một thực tế và cũng là một đúc rút quan trọng: Các doanh nghiệp nghề rừng trên địa bàn tỉnh hoạt động khá tốt là nhờ đã gắn vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy một vấn đề đặt ra với tỉnh mà  như ông Phan Đình Linh đã đề xuất với tỉnh và Trung ương trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh ta của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, là doanh nghiệp nghề rừng phải được giao diện tích đất rừng đủ lớn và giao ổn định lâu dài, không tranh chấp cùng với một số chính sách đối với đội ngũ bảo vệ rừng...

Với chiều dài bờ biển hơn 116km, ngoài những bãi biển đẹp để phát triển du lịch, với vùng đặc quyền lãnh hải gần 20 ngàn km2 cùng nhiều ngư trường  có nhiều loại hải sản quý hiếm như tôm hùm, mực, hải sâm... tỉnh ta đang sở hữu một tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn ở phía đông. Khai thác tiềm năng biển là nghề truyền thống của người dân ven biển Quảng Bình với những làng cá nổi tiếng như Cảnh Dương, Lý Hoà, Đức Trạch, Nhân Trạch, Bảo Ninh...

Trong những năm qua ngư dân tỉnh ta đã  mạnh dạn đầu tư tàu lớn, nâng cấp phương tiện đánh bắt để vươn ra biển xa. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 4,5 ngàn tàu lớn nhỏ, trong đó tàu trên 90CV gần 900 chiếc, nên sản lượng đánh bắt tăng nhanh, đặc biệt là sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu, năm 2012 đạt sản lượng khai thác gần 43 ngàn tấn. Cùng với đánh bắt biển xa, tiềm năng vùng đầm phá, vùng cát ven biển được khai thác triệt để để nuôi trồng thuỷ sản. Đến cuối năm 2012, diện tích nuôi trồng toàn tỉnh hơn 5.000ha, sản lượng đạt 9.500 tấn...

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang sở hữu đội tàu bé nhỏ, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tàu có công suất dưới 20CV chiếm tỷ lệ trên 50%. Đây là vấn đề cần được quan tâm số 1 trong việc phát triển nghề biển ở tỉnh ta. Vì vậy một mặt vận động ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, lắp đặt đài tàu để vươn khơi khai thác vùng biển xa nâng cao năng suất, hiệu quả; mặt khác, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với mặt trận nông nghiệp nói chung với nghề cá nói riêng, đặc biệt với Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 48 có nhiều khó khăn, vướng mắc và kết quả chưa cao, giải ngân trong năm 2012 mới chỉ đạt 51% kế hoạch. Có lẽ cái khó của ngư dân hiện nay là thiếu vốn.

Anh Phạm Tụê, thuyền trưởng tàu cá và là tổ trưởng tổ hợp tác Hồng Hà ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, đã trả lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, điều cần nhất của ngư dân hiện này là vốn, đã nói lên điều đó. Điều nữa là để bảo đảm an toàn trên biển, các cơ quan chức năng tăng cường công tác dự báo, thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Vừa qua, trong các chuyến vào làm việc với tỉnh ta của các đoàn công tác Trung ương, tỉnh ta cũng đã đề xuất Trung ương thành lập một đơn vị cứu hộ, cứu nạn tại cảng Gianh hoặc Hòn La để phục vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, kịp thời và hiệu quả hơn. Nếu được Trung ương đồng ý triển khai thì đây cũng sẽ là một sự trợ giúp đáng kể cho nghề biển tỉnh ta.

                                                                                Văn Phúc





 

,
.
.
.