.

Bắt đầu từ nâng cao hiểu biết pháp luật

Thứ Sáu, 14/06/2013, 16:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng, ngành Tư pháp được xem là đơn vị “chủ công”. Với vai trò của mình, thời gian qua, Sở Tư pháp đã có sự chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và cán bộ tư pháp - hộ tịch cơ sở; cũng như có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh nhằm nâng cao tần suất, hiệu quả trong công tác này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tốt, thì trước hết phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Nói tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng không có nghĩa chỉ những văn bản luật liên quan trực tiếp như: Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định hướng dẫn thi hành luật; Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Suy cho cùng, tuyên truyền, phổ biến nội dung văn bản luật của tất cả các lĩnh vực (như pháp luật về đất đai; về chế độ chính sách người có công; về xây dựng cơ bản; về giáo dục; hải quan hay thuế...) đều phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng. Cán bộ hiểu pháp luật để tuân thủ trong lúc thực hiện; nhân dân hiểu pháp luật để thực hiện đúng và có sự giám sát đối với việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nói chung và cán bộ nói riêng.

Nhận thức vai trò quan trọng đó, ngay khi có kế hoạch số 50/KH-BCĐ, ngày 16-1-2013 của Ban chỉ đạo Đề án 4061 (Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012-2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”) về thực hiện đề án trong năm 2013, Sở Tư pháp đã nhanh chóng triển khai các phần việc của mình. Sở đã phối hợp triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch tuyên truyền khác.

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức được 6.015 hội nghị, buổi nói chuyện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật với gần 49.000 lượt người tham gia; thực hiện được 1.919 lượt tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí và sóng phát thanh truyền hình. Các đơn vị cấp tỉnh cũng đã mua và cấp phát 87.850 cuốn sách pháp luật; in ấn và phát hành 17.586 tài liệu pháp luật, 122.561 tờ gấp và  phát hành gần 2.000 đĩa hình, băng đĩa tiếng...

UBND các huyện, thành phố tổ chức được 1.975 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn với hơn 214.000 lượt người tham gia; trong đó có các nội dung về phòng, chống tham nhũng. Hoạt động PBGDPL qua hệ thống truyền thanh cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện có trên 5.560 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Riêng đối với các doanh nghiệp do tỉnh quản lý cũng đã tổ chức được 179 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 4.305 lượt người với nội dung và hình thức phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị.

Tần suất được tăng lên, đi cùng với đó là sự đa dạng hóa trong hình thức tuyên truyền, phổ biến, như: tổ chức hội nghị, nói chuyên chuyên đề; qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các sách, tờ gấp có nội dung phổ biến luật, sinh hoạt Ngày pháp luật, các hội thi, tọa đàm... Ở cơ sở, hoạt động tuyên truyền còn được thực hiện thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, sinh hoạt câu lạc bộ, qua trung tâm giáo dục cộng đồng...

Những hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng ấy đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật phòng, chống tham nhũng cũng như các quy định pháp luật chung khác. Những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hy vọng: “từ nhận thức chuyển đổi hành vi”, kết quả ấy sẽ góp phần vào việc hạn chế tình trạng tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước hiện nay.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng thừa nhận: Công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự đi sâu, đi sát tình hình thực tiễn, phần nào đó còn mang tính hình thức và cứng nhắc theo kế hoạch chung. Vì thế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng sắp tới, các đơn vị, địa phương cần có sự quan tâm đổi mới về hình thức tuyên truyền, có sự chọn lọc nội dung phù hợp theo từng đối tượng, vùng miền cụ thể... nhằm đạt được kết quả cao nhất.

                                                                              Hương Lê