.

Ngư dân ra khơi mùa cá Nam

Thứ Bảy, 04/05/2013, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Khởi đầu vụ cá Nam năm 2013, thời tiết thuận lợi đã và đang tạo điều kiện cho ngư dân ở các địa phương trong tỉnh ra khơi đánh bắt. Tại cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh và các bến sông ở các địa phương nghề biển, tàu thuyền liên tục cập bến và trung bình mỗi ngày sản lượng đánh bắt ước tính từ 3 đến 4 tấn/tàu.

Những chuyến “mở màn” của vụ cá Nam

Ngay từ những tháng đầu năm 2013, tuy còn khoảng 3 tháng nữa mới đến vụ cá Nam nhưng nhiều ngư dân đã khẩn trương đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, tu bổ ngư lưới cụ cho mùa khai thác chính trong năm. Mùa đánh cá vụ Nam (khoảng từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9), được coi là mùa vụ chính của ngư dân trong suốt một năm làm ăn, vì đây là thời gian mà tình hình thời tiết ít biến động và tương đối thuận lợi nên bà con ngư dân có thể ra khơi đều đặn.

Khác với mọi năm, thường các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền chỉ đông đúc khi vụ cá Nam kết thúc, thì năm nay, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhiều ngư dân đã tìm đến các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền để chuẩn bị cho những chuyến đi biển. Chị Hoàng Thị Sửu, chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền ở xã Bảo Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở đã nhận hợp đồng đóng mới 4 thuyền (2 tàu/2 tháng) với công suất trung bình trên 400 CV/tàu. Ngoài đóng mới, cơ sở này còn nhận sửa chữa, cải hoán trên 100 tàu của ngư dân trên địa bàn xã và vùng lân cận như: Hải Ninh, Võ Ninh...

Từ tháng 10 năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 chiếc đóng mới và cải hoán 22 chiếc nhằm phục vụ cho khai thác vụ Nam. Chúng tôi gặp anh Tú, một ngư dân ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) tại một cơ sở đóng sửa tàu thuyền. Anh cho biết, để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, gia đình anh quyết định dồn hết số vốn dành dụm đóng mới con thuyền lớn hơn (có công suất trên 350 CV) để tiếp tục vươn khơi. Những chuẩn bị về vật chất trên là điều kiện tốt để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển trong vụ Nam năm 2013 này.

Hiện nay thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho bà con ngư dân tại các địa phương ven biển hăng hái đưa các phương tiện ra khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản và kết quả thật đáng mừng.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi đánh bắt hải sản.

Ngư dân Nguyễn Thanh Long, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) hồ hởi cho biết, hiện nay thời tiết đẹp nên trong mấy tuần qua tàu liên tục bám biển và chuyến nào về cũng bội thu. Tàu của gia đình tôi  đã thu về trên 100 triệu đồng trong chuyến vừa qua và mỗi bạn tàu đã có thu nhập gần 8 triệu đồng/chuyến (tương đương với 6-7 ngày) anh Long chia sẻ.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, chủ tàu QB 93587 có công suất 240 CV phấn khởi: “Vào vụ đánh bắt vụ cá Nam, chuyến đi biển đầu tiên (trong 6 ngày) sau khi trừ đi chi phí và khấu hao tài sản, tàu tôi thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Bây giờ thời tiết đang rất thuận lợi, chúng tôi lại tiếp tục ra khơi”.
Việc trúng những vụ cá, không chỉ có thuyền viên phấn khởi mà hàng ngàn lao động trên bờ cũng vui vì có việc làm. Hiện tại ở các bến cảng, hậu cần nghề cá ở các địa phương cũng trở nên tấp nập. Với các dịch vụ cung ứng xăng, dầu, nhu yếu phẩm, khuân, vác, ướp, vận chuyển cá cho đến các dịch vụ phục vụ ăn uống, giải khát... đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Chính sách hỗ trợ và cách làm mới của ngư dân

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4.160 tàu thuyền, trong đó tàu có công suất trên 90 CV là 976 chiếc. Để tạo điều kiện cho bà con ngư dân đẩy mạnh đóng mới tàu thuyền, vươn khơi bám biển, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục tăng cường công tác đăng kiểm, ưu tiên cho các địa phương có lượng tàu thuyền đánh bắt đông như: Đức Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Lộc, Cảnh Dương (Quảng Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới)... Hiện nay, hơn 85% tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên tại địa phương đã được đăng kiểm.

Anh Nguyễn Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay, trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản cũng đã được triển khai thực hiện tại các địa phương. Cụ thể, thực hiện Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã có 232 tàu cá được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa (đài tàu), trong đó 153 tàu được hỗ trợ kinh phí (dầu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu) với tổng kinh phí trên 23,6 tỷ đồng. Có thể nói, việc vươn ra vùng biển xa khai thác vừa là cơ hội để cho ngư dân tìm tòi, học hỏi nâng cao kỹ thuật đánh bắt nhưng đồng thời vừa thực hiện nghĩa vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển quê hương.

Nhiều tàu của ngư dân trúng cá hố trong chuyến mở màn của vụ Nam.
Nhiều tàu của ngư dân trúng cá hố trong chuyến mở màn của vụ Nam.

Bên cạnh đó, trong vụ cá Nam 2013, toàn tỉnh sẽ có 90 phương tiện tàu cá được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản lựa chọn và miễn phí lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar từ nguồn vốn ODA của Pháp do Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ dự án. Mục tiêu chính của dự án là giúp bà con ngư dân đánh bắt hiệu quả và an toàn; giúp cơ quan tìm kiếm cứu nạn xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật khi tàu cá gặp nạn trên các vùng biển và đồng thời góp phần bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì ngư dân cũng đã thực sự đổi mới cách thức làm ăn và hình thức sản xuất trên biển. Ngư dân ở các địa phương trong tỉnh đã đồng thuận thành lập được 244 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 1.406 tàu cá và 9.302 thuyền viên (chiếm 32% tổng số tàu cá hiện có và chiếm 85% tổng số tàu cá trên 20CV); 14 tổ hợp tác kinh tế trên biển với 138 tàu cá, 899 thuyền viên nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như thông tin ngư trường, thời tiết và phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra...

Vẫn còn đó những trăn trở

Mùa khai thác cá Nam năm 2013 đã mở màn, các chủ tàu đang khẩn trương tìm kiếm ngư trường mới có nhiều tiềm năng về nguồn lợi cá nổi để đánh bắt. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản năm nay được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn hơn nên bà con ngư dân vẫn còn nhiều trăn trở. 

Theo nhiều ngư dân trong tỉnh, hiện nay, giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao khiến chi phí chuyến biển tăng cao. Trong khi đó, lực lượng lao động nghề biển lại đang thiếu và biến động thường xuyên, đặc biệt là đối với những địa phương như: xã Bảo Ninh, Thanh Khê, Đức Trạch... Rõ ràng, người làm công (hay bạn tàu) chưa có ràng buộc về công việc gây khó khăn cho các chủ tàu trong việc ổn định sản xuất.

Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn gặp nhiều khó khăn nên việc bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển chưa hiệu quả. Quan trọng nữa là vấn đề các ngân hàng ít quan tâm cho vay đối với các chủ tàu đi khai thác thủy sản vì rủi ro cao nên ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho phát triển nghề cá. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất ngư nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu phát triển nghề cá hiện nay.

Vì vậy, ngư dân trong tỉnh mong rằng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường công tác dự báo ngư trường khai thác; giúp ngư dân tổ chức khai thác hải sản hợp lý.

Anh Nguyễn Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định: “Ở vụ cá Nam này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham mưu cho Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ với các điều kiện phù hợp để ngư dân có thể tiếp cận và hưởng lợi; cùng với đó là tăng cường xây dựng thêm nhiều tổ đoàn kết trên biển để giúp ngư dân an tâm bám biển”.

                                                                        Ngọc Lưu