.

Phía sau cuộc chia tay...

Thứ Sáu, 06/10/2017, 18:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi gặp Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí vào cuối năm 2011, khi ông về Quảng Bình và tất bật với những hoạt động hiến máu tình nguyện. Không chỉ là tác giả của “Lễ hội xuân hồng” và “Hành trình đỏ”, ông còn được nhiều người trìu mến gọi là người “nối dài sự sống” bởi những thành tựu khoa học trong lĩnh vực huyết học  mà ông và cộng sự đã nỗ lực thực hiện thành công, mang lại sự sống cho hàng vạn bệnh nhân. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông chia tay đồng nghiệp và bệnh nhân, một cuộc chia tay mà phía sau nó là rất nhiều những câu chuyện cảm động...

Vợ chồng GS- TS Nguyễn Anh Trí và bạn đồng niên, ông Nguyễn Hữu Hoài tại chương trình “Đêm nhạc  Nguyễn Anh Trí” tổ chức ngày 9-9-2017 ở thủ đô Hà Nội.
Vợ chồng GS- TS Nguyễn Anh Trí và bạn đồng niên, ông Nguyễn Hữu Hoài tại chương trình “Đêm nhạc Nguyễn Anh Trí” tổ chức ngày 9-9-2017 ở thủ đô Hà Nội.

Những ngày này, trên nhiều trang báo và mạng xã hội, hình ảnh cuộc chia tay của Giáo sư, bác sĩ, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí với đồng nghiệp và bệnh nhân trước ngày nghỉ hưu được chia sẻ khắp nơi. Những giọt nước mắt không kìm nén được, những vòng tay ôm và ánh nhìn bịn rịn của đồng nghiệp, đặc biệt là của bệnh nhân dành cho ông như mãi nối dài. Chỉ là một cuộc chia tay bình thường để ông, người bác sĩ suốt đời tận tụy với sự nghiệp khoa học về nghỉ hưu, nhưng thật sự không bình thường khi nó diễn ra trong niềm xúc động nghẹn ngào...

Sinh ra và lớn lên ở miền quê chiêm trũng Lệ Thuỷ, như bao bạn bè đồng trang lứa, tuổi thơ ông cũng lam lũ, nhọc nhằn. Nhưng như lời ông tâm sự, ông thật may mắn khi cha mẹ, dù vất vả vẫn luôn chăm lo việc học hành cho các con, trong đó có ông. Người cùng thời luôn xem ông là tấm gương sáng trong việc học hành, thi cử, đặc biệt là khi ông thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Hà Nội. Lúc này, ước mơ của ông như được chắp cánh khi ông được những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Trung, Giáo sư Phạm Khuê... trực tiếp giảng dạy.

Sau hơn ba mươi năm gắn bó với con đường mình lựa chọn, ông không chỉ là một bác sĩ, nhà khoa học với nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, mà còn là ân nhân của hàng vạn bệnh nhân khi vừa sử dụng kiến thức chữa bệnh cứu người, vừa huy động được hàng chục nghìn đơn vị máu để dành cho người bệnh những thời khắc thập tử nhất sinh.

Quan trọng hơn, “Lễ hội xuân hồng” (ngày hội hiến máu)  và “Hành trình đỏ” (chiến dịch nhân đạo cấp Quốc gia vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo và phòng chống căn bệnh tan máu bẩm sinh) do ông khởi xướng đã và đang được tiếp nối với sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng triệu lượt người, góp phần chung tay nối dài sự sống cho hàng vạn người.

Sau khoảng thời gian hết mình cho khoa học, cho bệnh nhân, ông làm thơ rồi phổ nhạc. Nhiều bài thơ được ông tiếp tục phổ nhạc, trong đó có bài thơ “Xin cứ tựa vào”. Những câu thơ dịu dàng và chân chất:

"Tựa vào Mẹ/Nhận được tình thương.
Tựa vào Cha/ Thêm lòng dũng cảm.

Tựa vào câu ca/ Nghe rõ hơn nốt nhạc cuộc đời...

Những ngày này, ông rất bận rộn. Gọi điện thoại cho ông, nhạc chờ vang lên những giai điệu rất quen bởi nó là một bài hát được chính ông phổ nhạc trên nền bài thơ “Lời thỉnh cầu từ Mẹ Biển Đông”.

Những năm tháng này
Mỗi người dân Việt
Đều nghe Lời thỉnh cầu tha thiết
Của Mẹ Biển Đông.
Tiếng đảo chìm, đảo nổi vang vang,
Với lời thỉnh cầu phải là Đất Việt.
Trường Sa, Hoàng Sa đều là máu thịt.
 Không được phụ lòng với Tổ tiên...

Trò chuyện với ông, người đối diện khó có thể phân biệt rõ vai trò của nhà khoa học và nhà thơ, nhạc sĩ bởi trong ông dường như luôn song hành cùng lúc niềm đam mê của người làm công tác khoa học và của người nghệ sĩ. Còn nhớ, tại một buổi làm việc với UBND tỉnh năm 2012, ông đã tặng UBND tỉnh bức ảnh do chính tay ông chụp. Đó là cảnh một chú chim hải âu chao nghiêng trên sóng nước.

Ông nói say sưa về cảm xúc tại khoảnh khắc ông chụp bức ảnh, cũng giống như trước đó, GS-TS Nguyễn Anh Trí đầy hứng khởi và nhiệt tình khi nói về lĩnh vực huyết học và truyền máu, về những kỳ vọng của bản thân ông và đồng nghiệp trong việc tìm ra những hương đi mới để mang lại sự sống cho người bệnh, cho sự tiến bộ của nền y học nước nhà.

GS -TS Nguyễn Anh Trí trả lời phỏng vấn của Đài PT-TH Quảng Bình tại lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy năm 2017. Ảnh: T.H
GS -TS Nguyễn Anh Trí trả lời phỏng vấn của Đài PT-TH Quảng Bình tại lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy năm 2017. Ảnh: T.H

Thầy giáo Trần Thanh Hải, Trường THPT Lương Thế Vinh kể: Năm 2011, vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Bình được vinh danh về thành tích hiến máu nhân đạo tổ chức tại thủ đô Hà Nội, thầy Trần Thanh Hải đã có dịp gặp ông sau khi kết thúc chương trình.

“Ông thân thiện, gần gũi và rất quan tâm đến mọi người. Dù việc hiến máu là bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp tình nguyện, nhưng thật sự khi nhận được sự quan tâm của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí dành cho những người đã tham gia, trong đó có bản thân tôi, chúng tôi rất cảm động. Sự quan tâm ấy đã góp phần khích lệ mọi người rất nhiều để cùng chung tay hiến máu cứu người!”, thầy Hải tâm sự.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, người đồng hương cũng là bạn học  trường cấp 3 Lệ Thuỷ của ông chia sẻ: Nguyễn Anh Trí là người thông minh, giàu tình cảm và đầy ý chí. Đã có quá nhiều danh hiệu ghi nhận những nỗ lực mà Trí đã đạt được như Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp, Giáo sư - Tiến sĩ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Công dân ưu tú Thủ đô...  Người như anh ấy, tôi tin dù nghỉ hưu thì sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc ở những môi trường mới chứ không thực sự nghỉ ngơi!”.

Sau ba mươi năm gắn bó, đặc biệt là 14 năm trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tháng 10-2017, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí chia tay đồng nghiệp và bệnh nhân. Cuộc chia tay đầy xúc động càng làm đậm nét thêm hình ảnh của ông trong lòng mọi người.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí có nhiều dự định mới sau khi nghỉ hưu, những dự định ấy vẫn gắn bó với lĩnh vực huyết học, truyền máu mà cả đời ông đã theo đuổi. Xin chúc cho ông sẽ tiếp tục có nhiều công trình khoa học để góp phần “nối dài sự sống” cho bệnh nhân và mong sẽ vẫn được đọc thơ, nghe những bài hát mà ông sáng tác...

Diệu Cầm