.

Lên với vùng cao Thanh Hóa

Thứ Sáu, 12/06/2015, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Lại một lần nữa chúng tôi lên đường đến vùng đất xa, có lẽ xa nhất, nơi mà sách sử gọi là “biên viễn”, trong văn chương gọi là “quan tái”, văn bản hiện đại định vị “vùng sâu vùng xa, biên giới rẻo cao”: xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đây là vùng Tây Bắc của tỉnh, cách thành phố tỉnh lỵ xấp xỉ 150 ki-lô-mét.

Xe lên đại lộ Hồ Chí Minh nhằm hướng chính Bắc trực chỉ. Đường tốt, tốc độ cao, nước non, làng mạc, rừng núi qua cửa xe ngút ngát diệu vợi. Thanh Hóa! Khẩu ngữ dân gian thường gọi là Thanh Lạng. Đúng ra Thanh Lạng chỉ là tên một làng trong xã Thanh Hóa, nhưng danh xưng này nghe ra lại phổ biến hơn. Có thể vì trước Cách mạng tháng Tám Thanh Lạng là một tổng: Tổng Thanh Lạng, tổng Quy Đạt. Năm 1947, tổng Thanh Lạng được chia thành các xã: Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa...

Chúng tôi dừng ở ngã ba Khe Ve, một đầu mối giao thông của quốc lộ 12A lịch sử, địa danh từng ghi dấu tích một thời đánh Mỹ hào hùng với mệnh lệnh nổi tiếng vang lên từ các trận địa pháo cao xạ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa cũng như cả cụm Thanh- Hương- Lâm là hậu phương trực tiếp của chiến dịch Trung Lào- Banaphầu. Kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa là địa bàn chiến lược quan trọng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã dài tới 21 ki-lô-mét với bốn cầu đường bộ, tám cầu đường sắt, các trục đường nối với các kho tàng, là địa bàn đóng sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559, đài thông tin Bắc Nam A69, Binh trạm 12, Binh trạm 15, kho quân khí, tổng kho, trạm trung chuyển, trạm phẫu tiền phương, các đơn vị thông tin, rađa, tên lửa, pháo cao xạ, công binh, thanh niên xung phong...

Nhân dân và lực lượng vũ trang, bán vũ trang xã Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn tiền tuyến lớn trong hai cuộc kháng chiến. Hơn 900 lượt con em Thanh Hóa gia nhập quân đội, 1.300 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 120 thanh niên xung phong. Gần 100 thanh niên ưu tú đã anh dũng hy sinh. Đảng, Nhà nước đã ghi công tặng thưởng Đảng bộ nhân dân Thanh Hóa một Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, ba Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều huân huy chương khác cho cá nhân và tập thể. Năm 1999, Thanh Hóa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Trở lại với cái đơn vị hành chính tổng Thanh Lạng thời thuộc Pháp. Năm 1885, sau vụ biến kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, lên Lào, lại lộn về Hương Khê (Hà Tĩnh), trở vào trụ lại trên địa bàn hai tổng Thanh Lạng và Quy Đạt, lần thứ hai xuống chiếu Cần vương tổ chức kháng chiến suốt hơn ba năm. Đầu thế kỷ 20, trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, năm 1913, người Pháp làm đường sắt Vinh-Đông Hà nhưng bị gián đoạn bởi đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918 nên mãi tới năm 1927 mới hoàn thành.

Ba năm kế đó, người ta tiến hành làm một nhánh đường sắt rẽ từ ga Tân Ấp băng qua Thanh Lạng vào tận chân núi Trường Sơn, sử dụng ô tô ray cải tiến, bánh sắt, có thể vận chuyển hàng hóa hoặc năm mươi chỗ ngồi cho hành khách. Phương tiện vận tải này còn tồn tại đến đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Người Thanh Lạng- Thanh Hóa còn nhớ một hàng binh người Pháp đã ở lại Việt Nam vận hành loại ô tô này. Ông Tây có cái tên thuần Việt là “Hòa”, ông Tây Hòa, lấy vợ Việt, sống chan hòa với cộng đồng người bản địa cho tới cuối những năm bảy mươi mới trở về Pháp..

Nét mới vùng cao. Ảnh: P.V
Nét mới vùng cao. Ảnh: P.V

Từ cuối nhánh đường sắt cụt này, người Pháp xây dựng một đường cáp treo vượt đỉnh Trường Sơn qua Lào gọi là “Không trung thiết lộ”. Tuyến đường sắt giữa trời này bắt đầu từ xóm Cục-ga Chà Mác sang tận bản Banaphào dài ngót 65 ki-lô-mét, dùng thùng goòng chuyển tải hàng hóa từ Lào về. Đây có thể là “Thiết lộ không trung” có cung độ lớn nhất thế giới. Tiếc rằng, ngoài một con đường hầm dài ngót ba trăm mét, những trụ cầu, bờ đất bờ đá... dấu vết của đoạn đường sắt Tân Ấp-Thanh Lạng cùng với đường cáp treo trên không hùng vĩ một thời kia nay chỉ còn trong ký ức.

Mục tiêu là khai thác thuộc địa, nhưng người Pháp cũng đã để lại trên đất Thanh Hóa những dấu ấn đặc biệt về nền công nghiệp phương Tây hiện đại. Những công nhân từ khắp nơi đổ về xây dựng cụm công nghiệp này nhiều người định cư lại đã mặc nhiên hình thành nên một cụm dân cư mang bản sắc văn hóa nhiều vùng miền. Tác phong công nghiệp để lại dấu ấn trong các lớp hậu duệ có cá tính, có kỷ luật và nhiều khát vọng vươn lên. Đó cũng là đặc điểm chung của cư dân cả vùng Hương- Lâm- Thanh- Thạch.

Xã Thanh Hóa hiện có hai làng lớn: Thanh Lạng và Bắc Sơn. Dân cư đa số người Kinh. Có một bản Mã Liềng. Người lương và giáo ở xen kẽ. Thung lũng Thanh Lạng- Bắc Sơn, từ khi đại lộ Hồ Chí Minh hoạt động đã như bừng tỉnh, khởi sắc nhiều mặt. Cả thung lũng như một bức tranh thêu mướt mát xanh “Bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc”.

Không còn mía từ sau khi nhà máy đường Quảng Bình ngừng hoạt động nhưng cây lúa cây ngô năm nào cũng bội thu. Hàng chục ha dâu tằm, nhân mô hình trồng dâu nuôi tằm ra diện rộng. Trồng hàng vạn cây ăn quả, cây công nghiệp, cây nguyên liệu giá trị cao. Thanh Hóa chưa giàu nhưng người Thanh Hóa chân chất, khung cảnh thanh bình, cộng đồng dân cư vui sống. Những mặt trái của xã hội chưa kịp tràn vào đây. Nhớ một câu thơ của Bế Kiến Quốc:

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông

Đất Thanh Hóa- Thanh Lạng nằm ven tả ngạn ngọn nguồn sông Gianh. Những bãi bồi ven sông đã nuôi sống bao thế hệ người bản địa. Cái khung cảnh quen thuộc mỗi chiều tà trên bến nước, bãi cỏ ven sông như một  “câu lạc bộ” của nam-phụ-lão-ấu. Cũng từ cuộc sống bình yên như cổ tích này mà kết tinh vào đôi câu ca dao vùa dân dã vừa thanh tao của một vùng đất:

Ra về nhớ thác Đá Nhăng
Nhớ bồi Thanh Lạng nhớ măng Động Rèng

Từ bến sông này có thể xuôi bè mảng về các  miền hạ nguồn thuộc Quảng Trạch, Bố Trạch. Thanh Hóa từng có những tập đoàn đánh cá, tập đoàn vận tải mạnh, những phường săn có tiếng tăm do những thủ lĩnh nổi danh đứng đầu. Ký ức về dòng sông, bến nước, rạn đá, làng quê thanh bình theo người Thanh Hóa- Thanh Lạng trên bước đường kiếm sống, lập công- lập danh nơi chân trời góc biển.

Thói quen nghề nghiệp đưa chúng tôi đến hai địa điểm nhạy cảm của những địa phương vùng cao: Trường phổ thông và cơ sở y tế. Trường PTTH Bắc Sơn mang tên một trong hai thôn của Thanh Hóa đang kỳ nghỉ hè. Thấp thoáng vài cành phượng đỏ, lá bàng rơi rụng lao xao dưới bước chân người. Không gian giáo dục đang thiu thiu ngủ. Đâu đây như còn vẳng tiếng học trò.

Những người quê Thanh Lạng lâu ngày về không khỏi hoài niệm về một thời niên thiếu, một thuở học trò phải cơm đùm gạo bới, qua truông dài suối sâu về tận Tiến Hóa, Phong Hóa, sang tận Quy Đạt để trọ học. Họ đi ròng rã hai ngày đường. Hành trang chỉ là bộ quần áo cũ, đôi khi chỉ là thừa hưởng của cha anh, cùng với bắp, khoai, muối và ít gạo, để thu nạp lấy kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý, nhân văn và đạo làm người. Sân trường này là ước mơ của bao thế hệ học sinh.

Bây giờ họ đang ở đâu trên khắp mọi nẻo đường đất nước, xin về đây một lần, dẫu chỉ gặp dăm ba cậu học sinh thôi, để nói rằng: Đạo học gian nan lắm, nếu ta muốn luyện rèn nghiêm cẩn để thành người, để có ích với đời và hoàn thiện chính bản thân ta. Chân lý ấy ngày trước như thế và muôn sau vẫn thế. Bây giờ thì, dù là một xã vùng sâu vùng xa, hệ thống giáo dục đã được khép kín từ mẫu giáo mầm non đến phổ thông trung học. Thanh Hóa triển khai có hiệu quả chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, các chương trình phòng chống sốt rét, bệnh xã hội.

Những học sinh đi bộ hơn bảy mươi ki lô mét đến trường cấp ba ngày ấy có thể đang công tác trên mọi miền đất nước, là những cán bộ cốt cán đang ghé vai đẩy phong trào địa phương nhích dần lên phía trước, hoặc đơn giản chỉ là một nông dân trên đồng bãi, sớm chiều cấy cày, gieo lúa trồng khoai, ngô, đậu, dâu tằm, nuôi cá lồng cá bè, làm thủ công dịch vụ để nuôi con ăn học.

Tình cờ, chúng tôi gặp ông cụ L. năm nay đã 89 tuổi đang dẫn trâu ra đồng. Cụ sinh ra lớn lên ở đây, xây dựng gia đình, sinh hạ bảy người con. Tuổi trưởng thành, cả bảy người con lên đường lập nghiệp. Hiện có người ở Bảo Lộc, Tây Ninh, có người ở Vũng Tàu, Đà Lạt. Họ đón cụ vào tham quan du lịch, tắm biển nghỉ ngơi, vào biệt điện vua Bảo Đại, một lần thử ngồi vào ngai vàng của Quốc vương, chụp một kiểu ảnh, rồi trở về quê- về Thanh Lạng, Thanh Hóa, Tuyên Hóa, để ngày lại ngày vui thú với đồng bãi , sớm chiều dẫn trâu  đi chăn, vui thú tuổi già ở nơi chôn nhau cắt rốn.

Bảy người con của cụ tung cánh ra giữa đời mang theo địa danh quê hương đã “vô hình trung” khuếch trương một danh hiệu ra giữa đời: Người Thanh Lạng! Có phải vì vậy không, mà ở đâu đó, có thể là rất xa ngoài địa bàn Tuyên Hóa, nghe tới Thanh Lạng- Thanh Hóa- Bắc Sơn người ta thường nghĩ tới một miền đất còn hoang sơ, ẩn giấu nhiều điều thú vị như một nền văn minh biệt lập.

Đêm Thanh Lạng. Đêm hè, ở Đồng Hới và các nơi nóng 38 độ, gió Lào quạt lửa. Ở Thanh Lạng cũng vậy. Trời trưa nóng như rang, nhưng lạ lùng thay, qua chiều mát dịu hẳn, đêm như chuyển sang thu, thậm chí ẩm ướt se lạnh phải quờ tìm tấm chăn. Người Pháp đến đất này cũng khôn ngoan lắm. Họ chọn ba nơi để đóng đồn lập thị tứ: Thanh Lạng, Quy Đạt và Minh Cầm đều là những vùng đất lành, khí hậu tốt, nước mát và trong.

Thứ nhất Thanh Lạng, Bàu La
Thứ nhì Quy Đạt, thứ ba Minh Cầm

Người cao tuổi kể rằng, ở Thanh Lạng, Quy Đạt bây giờ vẫn còn dấu vết những cái giếng Tây. Người Pháp đến đây, đào giếng, mang mẫu nước về tận Paris xét nghiệm, thấy an toàn, bèn chỉ-dùng-nước-giếng-ấy. Lâu ngày, giếng của người Tây dùng thành tên. Dù sao, đó là chuyện của một thời đã lùi sâu vào kí ức. Còn bây giờ, ở Thanh Hóa đã có hàng trăm cái giếng, nước giếng nào cũng tốt. Chả vậy mà trai Thanh Hóa vạm vỡ, hào hoa, gái Thanh Hóa tóc dài da mỏng môi hồng, đẹp như mơ...

Trên đất nước này, liệu có một đơn vị hành chính cấp xã nào lại có ranh giới, biên giới chung với chín đơn vị hành chính khác từ cấp xã, huyện, tỉnh đến biên giới quốc gia. Đó là Thanh Hóa! giáp ranh với Kim Hóa, Lâm Hóa,Thanh Thạch trong cùng huyện, với các xã Hóa Phúc, Hồng Hóa của huyện Minh Hóa, với hai xã Hương Lâm, Hương Liên của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Và, cả đường biên giới quốc gia phía Tây với nước bạn Lào.

Thanh Hóa- Bắc Sơn- Thanh Lạng là một bức tranh sơn- thủy, không mấy giàu có nhưng rất thơ mộng, trữ tình. Định vị vùng đất này khá đơn giản: nằm ngay dưới chân thềm Trường Sơn và Hoành Sơn, nơi ngọn nguồn sông Gianh lịch sử và ngay bên đại lộ Hồ Chí Minh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Đường lên Thanh Hóa xa xôi diệu vợi, nhưng nếu được một lần đến với vùng đất này chắn chắn sẽ lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời.

Nguyễn Thế Tường