.

Đội "xuất quân" đánh cá Bảo Ninh thời ấy

Thứ Sáu, 12/06/2015, 17:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bài thơ “Mẹ Suốt” viết năm 1966, đoạn ghi lại lời Mẹ Suốt kể về người chồng của mình, nhà thơ Tố Hữu có viết: “Ông nhà theo bạn “xuất quân”/Tui nay cũng được vô chân “sẵn sàng”.

Từ “sẵn sàng” trong câu thơ đó chỉ các tổ phụ nữ ở Quảng Bình với nhiệm vụ được giao là “3 sẵn sàng”: “Sẵn sàng sản xuất tốt; sẵn sàng đảm đang mọi công việc gia đình tốt; sẵn sàng có mặt để thích ứng khi chiến sự xảy ra”. Mẹ Suốt vô chân “sẵn sàng” với nhiệm vụ được giao là chèo đò chở cán bộ, bộ đội qua sông Nhật Lệ khi giặc Mỹ đang ngang nhiên bắn phá dòng sông, bãi chợ.

Còn cụ ông Mẹ Suốt, như nhân vật đã nói với nhà thơ Tố Hữu là “theo bạn “xuất quân”. “Xuất quân” là từ chỉ các đội đánh cá đã đưa ngư cụ, thuyền bè lưới chài về làm lán, đóng quân ở các bãi biển dọc bãi biển xa, nhằm bám sát ngư trường, bãi cá để đánh bắt, tăng nhiều sản lượng hải sản cho HTX. Đó là một trào lưu bám biển “đi tìm bãi cá” diễn ra trong những năm tháng trước và trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ở miền Bắc ở Quảng Bình khoảng từ năm 1963 trở đi đến năm 1973.

Trong quãng khắc lịch sử đó, phía Nam cửa biển Nhật Lệ, kể từ địa giới phía nam thôn Hà Thôn (xã Bảo Ninh) đến giáp địa giới thôn Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình, phòng đánh cá thuộc Sở Thủy sản Quảng Bình lúc bấy giờ đã phân định cho các HTX đánh cá “xuất quân” là: Hồng Hà (gồm thôn Hà Dương và Hà Thôn-Bảo Ninh), Thống Nhất (gồm thôn Mỹ Cảnh, Sa Động-Bảo Ninh), Quang Phú, xóm Câu-Đồng Hới và Nhân Trạch, Lý Trạch (Bố Trạch).

Các đội đánh cá “xuất quân” này cắm trại làm lán bên bờ biển. Ngày ngày, xã viên đẩy thuyền ra biển đánh bắt cá. Cá bắt được, nếu ít thì nhập cho đội chế biến hải sản cá tại cơ sở “xuất quân”. Nếu thuận buồm xuôi gió (lúc ấy thuyền phải chèo tay hoặc chạy buồm nhờ sức gió) thì lên cửa biển Nhật Lệ để đổ hàng vào chợ Đồng Hới.

Đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh ngày càng lớn mạnh.  Ảnh: T.H
Đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh ngày càng lớn mạnh. Ảnh: T.H

Nhờ “xuất quân” đánh cá mà các HTX đánh cá vùng sông nước Nhật Lệ có thêm thu nhập. Mặt khác, về công tác trị an, chính lực lượng trực đánh bắt cá ven biển này đã góp phần ngăn chặn bọn biệt kích, người nhái mà tàu Mỹ Ngụy đậu ngoài khơi, đêm đêm cho thuyền cao su lẻn vào đặt bom mìn, phá hoại cuộc sống thanh bình ở đây.

Tháng 5 năm 1965, tốt nghiệp phổ thông cấp 3 xong, trong những ngày chờ giấy báo gọi nhập học của trường đại học, tôi đã tình nguyện làm xã viên HTX đánh cá Thống Nhất – Bảo Ninh và được may mắn sung vào lực lượng “xuất quân” đánh cá này.

Đội “xuất quân” đánh cá của HTX Thống Nhất (Bảo Ninh) có trên dưới 20 người, được phiên chế vào hai thuyền đánh cá ven bờ. Hai nữ xã viên trong số còn lại đó có nhiệm vụ trực kho và chế biến hải sản. Hai thuyền đánh cá gần bờ ấy cứ rong ruổi lên xuống trong một quãng biển, thấy cá, ruốc xuất hiện thì tiến hành đánh bắt. Thuở đó, nghề đánh cá khơi còn lạc hậu nên tôm cá sinh đàn, sinh lũ nhanh và tràn vào trong lộng. Do vậy, nghề đánh cá lộng (tức đánh cá ven bờ) thịnh hành rất sôi nổi. Về sau, nghề cá lộng không còn nữa vì kỹ nghệ đánh bắt cá khơi phát triển, cá không còn tràn vào bờ thành luồng, thành đàn như trước đây nữa.

Đánh cá thuở đó quá vất vả vì người ta phải chèo tay. Chèo thuyền đi, mái đẩy, mái đặt phải thật nhịp nhàng, mạnh mẽ và dứt khoát. Có như thế, thuyền mới lao đi trong sóng, trong nước. Gặp những khi trời nổi gió chướng hay có cơn lốc, chúng tôi chèo đến bã người mà thuyền chỉ bươn lên từng thước nước. Là một thư sinh, ban đầu mới tập sự, tôi thường bị các anh, các chú, các bác trong thuyền nhắc nhở, bày vẽ. Sau, quen dần với công việc nên các anh, các chú, các bác trong thuyền rất thương. Đi đánh cá suốt ngày, chiều đến là phải cho thuyền vào bờ và tất cả xúm nhau hè đẩy con thuyền hàng mấy tấn trườn lên bãi cát để tránh sóng dữ bất thần trong đêm ập đến.

Tối đến, toàn đội ngồi quây quần bên cái đài Orionton do Hunggary sản xuất chạy bằng 2 cục pin vuông để nghe tin tức trong và ngoài nước. Đặc biệt khi nghe đài là phải nghe cho được bản tin dự báo thời tiết. Nhờ bản tin đoán thời tiết ấy mà dân chài chúng tôi vạch ra kế hoạch đánh bắt cá và bảo vệ tài sản thuyền chài trong những ngày tiếp theo.

Trong đội “xuất quân” của HTX đánh cá Thống Nhất chúng tôi có cụ Trần Bạo gần 80 tuổi mà người săn chắc, mạnh khỏe lạ thường. Cụ là chồng Mẹ Suốt. Nhà cụ ở gần nhà tôi nên mỗi lần từ nơi bám biển về quê lấy thêm gạo, cụ cũng nhờ tôi lấy hộ. Chăm lo công việc chèo đò trên sông Nhật Lệ, cụ thường lấy những đoạn lưới nilon loại ra, bện lại thành những chiếc quai chèo dẽo dai. Cụ Bạo nhờ tôi chuyển lên cho Mẹ Suốt để mẹ dùng khi cần chèo chở khách qua sông.

Sau 5 tháng làm xã viên HTX đánh cá Thống Nhất (Bảo Ninh), tôi mới nhận được giấy báo gọi vào Trường của đại học sư phạm Vinh. Lý do trường gọi muộn vì Trường đại học sư phạm Vinh mấy tháng ròng trước đó phải sơ tán toàn bộ cơ sở vật chất ra vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp ranh với tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình. Tạm ổn, trường mới phát công văn mời nhập học.

Nhận được giấy báo vào đại học, tôi lên đường ngay, không kịp liên hoan cùng toàn đội đánh cá “xuất quân” mà tôi đã sống với họ gần 5 tháng trời. Cũng nhờ 5 tháng làm xã viên HTX đánh cá ấy mà người tôi mập lên, da dẻ đen nhánh và chắc nịch. Cái quý giá hơn là tôi được trang bị một vốn sống về biển cả, lưới chài, thời tiết và nhất là tình người trên biển. Nhờ nó mà sau này, khi đứng trên bục giảng, bình về biển cả, lưới chài, tôi đã say sưa truyền đạt những điều mà mình rung cảm cho các em học sinh. Và, khi cầm bút viết văn, những đề tài về sông nước, quá khứ được tắm mình trong đó đã giúp bài viết của mình “thêm da thêm thịt”.

Mới đó mà đã tròn 50 năm. Với lịch sử dân tộc là ngắn nhưng với một đời người là dài và đáng quý biết bao. Những người trong đội “xuất quân” đánh cá Thống Nhất (Bảo Ninh) ấy đã quy tiên gần hết. Duy chỉ còn lại ông Trương Đức (85 tuổi) và ông Nguyễn Văn Năng (82 tuổi), hiện ở thôn Sa Động (Bảo Ninh, Đồng Hới, QB). Hai ông còn lanh lợi nên khi gặp lại, đã cùng chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm của 50 năm về trước. HTX đánh cá ngày nay đã không còn mà thay vào đó là những đội đánh cá do các chủ tàu sáng lập. Trang bị trên con thuyền đánh cá ấy khá phong phú và tối tân. Mỗi chuyến vươn khơi từ 10 đến 15 ngày. Ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là ngư trường truyền thống.

Bám biển bây giờ vừa là kinh tế, vừa là chính trị. Phải làm chủ từng thước biển cả của mình như bảo vệ từng thước đất của Tổ quốc. Sự trưởng thành của đất nước đã làm cho nghề đánh bắt cá biển vươn mình, bay xa. Nhớ lại một thời “xuất quân” bám biển càng thấy ý chí của người dân biển Quảng Bình là phải làm giàu cho mình từ biển quê hương không cho khó khăn gian khổ và kẻ thù xâm lược khống chế.

Hồ Ngọc Diệp