.

Chuyện đời nữ dân quân bắt sống giặc lái Mỹ

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) -  Nhìn người phụ nữ già nua ngồi nép mình bên bậu cửa, thân thể đớn đau bởi bệnh tật giày vò, không ai nghĩ bà đã có một quá khứ rất đỗi tự hào khi một mình bà bắt sống giặc lái Mỹ vào tháng 9-1967. Câu chuyện đời của bà tựa như một cuốn phim dài có cả vinh quang lẫn khổ đau và bất hạnh, nước mắt xen lẫn nụ cười.

Người nữ dân quân ngày xưa ấy tên là Nguyễn Thị Mụn ở thôn 7, Trung Trạch, Bố Trạch. Nhớ về những chuỗi ngày đã qua, người phụ nữ ấy cười đó rồi khóc đó: “đời tui khổ lắm, kể làm chi”.

O dân quân bắt giặc lái Mỹ

Nữ dân quân Nguyễn Thị Mụn và tên giặc lái Mỹ, tháng 9-1967.
Nữ dân quân Nguyễn Thị Mụn và tên giặc lái Mỹ, tháng 9-1967.

Trải qua bao dâu bể đời người, có đôi khi tưởng như bị cuộc đời đánh gục ngay trên chính mảnh đất của chiến công nhưng những ngày tháng trong quá khứ thì người phụ nữ đó mãi mãi không quên. Với bà, những ký ức ấy đôi khi lại tiếp thêm sức mạnh để vượt qua được những giông gió phận người. “Ngày xưa rứa thì chừ cũng phải phấn đấu sống cho xứng đáng”, nhiều lúc bà tự vấn chính mình như thế. Cái “ngày xưa” mà người phụ nữ ấy nhắc đến là thời điểm bà còn là nữ dân quân của Trung đội nữ dân quân xã Trung Trạch anh dũng một thời.

Bà nhớ, ngày đó, đơn vị dân quân trực chiến của bà có 3 khẩu đội 12 ly 7 với 15 chiến sĩ, cùng chia lửa với đơn vị 363 của Huyện đội Bố Trạch, nhằm đánh trả máy bay Mỹ. Máy bay địch cũng nhiều phen chao đảo bởi sự anh dũng, nhanh trí của những dân quân “tay cày, tay súng” ấy. 

Nhắc về kỷ niệm ấy, gương mặt bà xao xác nỗi nhớ về quá vãng. Bà Mụn kể, đó là khoảng 21 giờ, ngày 11-9-1967, đơn vị bà đang trực chiến như thường lệ thì phát hiện một chiếc máy bay của địch bị bắn cháy. “Hắn như một bó đuốc to đùng, từ Nông trường Việt Trung đâm thẳng về hướng biển, rồi rơi xuống ngay tại cánh đồng Tứ Mỹ, cách chỗ tụi tui đứng chừng 200 mét. Lúc nớ chỉ nghĩ tới một điều duy nhất là phải mần răng bắt sống được tên giặc lái trước khi hắn liên lạc với đồng bọn đến ứng cứu”, bà Mụn nhớ lại, đôi mắt lấp lánh tự hào.

Nghĩ là làm, không chút do dự, một mình bà lao đến gần chiếc máy bay nghi ngút khói rồi chĩa ngay khẩu súng đang lăm lăm trên tay về phía tên phi công lực lưỡng. Khi đó, hắn đang lồm cồm bò dậy, một tay cởi bỏ các nút thắt dây dù, tay kia đang dùng máy bộ đàm phát tín hiệu cầu cứu. Nhìn thấy người phụ nữ với đôi mắt cương nghị trước mặt, cùng họng súng lạnh lùng chĩa về phía mình, tên lính Mỹ chỉ biết run rẩy, vội vã vứt máy bộ đàm và đầu hàng chịu trói.

“Hôm nớ, trời tối lắm. Nhưng nghe tin dân quân bắt được giặc lái Mỹ, rứa là cả làng, già, trẻ, gái, trai dắt nhau ra coi. Phải vất vả lắm tụi tui mới bảo vệ được hắn trước sự tức giận của bà con. Mấy anh em giải hắn về hầm của cha tui, cho ăn uống đầy đủ, đợi đến hôm sau giao cho Huyện đội Bố Trạch”, bà Mụn hồi tưởng. Tên phi công Mỹ đó là Overly Norris.M-một thiếu tá không quân lái máy bay B57, mang số quân FR45067A.

Chiến công ấy đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân Trung Trạch ngày đó, đặc biệt là Trung đội nữ dân quân 12 ly 7. Không quản mưa dầm, gió rét, họ vẫn đêm ngày tập luyện, bám trận địa, sẵn sàng chiến đấu đánh trả quân địch khi chúng liều lĩnh oanh tạc vào địa bàn. Dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Thị Mụn, tháng 10/1968, Trung đội nữ dân quân Trung Trạch đã bắn rơi chiếc máy bay F105 của giặc Mỹ, vinh dự được Quân khu 4 công nhận là đơn vị Quyết thắng.

Nước mắt cuộc đời

Cứ mải miết theo dòng hồi tưởng, người nữ dân quân một thời một mình bắt sống giặc lái ấy dường như trẻ lại cái tuổi 20 “tay cày, tay súng”. Rồi bất chợt quay trở về với thực tại, bà gượng cười chua chát: “Đời tui khổ lắm. Kể làm chi cho thêm buồn”.

Bà Nguyễn Thị Mụn và người con trai út.
Bà Nguyễn Thị Mụn và người con trai út.

Nói vậy, nhưng rồi bà vẫn kể. Cái giọng kể cứ nhẹ tênh như chuyện người dưng, nhưng càng kể, ánh mắt bà càng trầm đục, đau đớn. 72 tuổi, bà có gì ngoài cái ký ức lấp lánh chiến công và một thực tại với thân thể đầy bệnh tật? 20 năm trước, chồng bỏ đi biệt tích, không một lời từ biệt, để lại bà với gánh nặng gia đình cùng 4 đứa con thơ dại.

Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải lần lượt bỏ học, lang bạt khắp ngõ đời để mưu sinh giúp mẹ. Nhiều khi bà tuyệt vọng muốn bỏ lại chúng giữa lưng chừng đời, nhưng bản lĩnh vốn tiềm ẩn trong tâm hồn người phụ nữ từng một thời khiến giặc lái Mỹ phải khiếp sợ không cho phép bà làm điều đó. Vậy là phải đứng dậy mà bước tiếp, lặn lội nuôi con một mình. “Không được ăn học đến nơi đến chốn thì cũng phải dạy con làm người lương thiện”, bà tự nhủ.

Vết thương người chồng để lại chưa kịp lành thì bà phải cắn răng chịu đựng nỗi đau mất con khi đứa con trai lớn đang làm ăn xa bỗng nhiên đột tử. Ngày mang xác con về quê, bà đau đớn tột cùng, tưởng như có thể chết theo con. Vậy rồi vẫn phải sống tiếp, đi qua những ngày đau khổ, cùng cực đến tuyệt vọng. Nhiều đêm liền, bà thức trắng, thấy mình chẳng thể bước qua nổi bức tường của cô đơn và bế tắc.

Vậy mà ngày này qua tháng khác, bà lẳng lặng chịu đựng, âm thầm vượt bão giông bằng nghị lực vốn có của một nữ dân quân gan dạ một thời. 10 năm sau nỗi đau mất con, cuộc sống dần dần tạm ổn khi hai đứa con gái yên bề gia thất, đứa con trai út đi làm ăn xa trở về với một ít vốn trong tay. Sau nhiều phen lao đao ở xứ người, anh về với mong ước xây cho mẹ một căn nhà vững chãi, thay ngôi nhà mục nát cha để lại ngày xưa. Bà ấm lòng, vậy là cuộc sống đã sang trang mới!

Thế nhưng, số phận vẫn chưa buông tha bà khi một lần, bà đột nhiên ngất xỉu, rồi ngã ngay vào đống lửa đang hừng hực cháy. Với vết bỏng toàn thân, chẳng ai nghĩ người phụ nữ ấy có thể sống được. Mấy đứa con chơ vơ vì vắng cha giờ cứ lo mình lại mất mẹ. Vậy mà như một kỳ tích, bà tỉnh lại sau hơn ba tháng ở bệnh viện với những vết thương phủ khắp trên cơ thể vốn đã đầy sẹo của bom đạn chiến tranh. Gần nửa năm trôi qua, những vết thương vẫn lở loét, hành hạ người phụ nữ đã rệu rã ấy. “Nhìn tui đi, chừ còn chi nữa mô: đầu thì lở loét, cả hai tai thì bị mất, người thì cháy sém, toàn sẹo, nhìn cứ như dị dạng. Chừ cũng chẳng mần chi được nữa”, bà bi quan tả về mình.

Ngồi bên mẹ, anh Toàn, người con trai út của bà tần ngần: “Trở về nước với một ít tiền cứ nghĩ sẽ đủ để xây nhà, nhưng mấy tháng mạ nằm viện cũng tiêu tốn khá nhiều, chừ phải vay mượn thêm để xây cho mạ một căn nhà mới. Vừa có chỗ vững chãi tránh mưa bão, vừa để mạ không phải ở trong ngôi nhà đầy chuyện buồn đó nữa”. Nói đoạn, anh chỉ vào bức ảnh đen trắng có hình ảnh của bà Mụn và tên phi công Mỹ, rồi cười hiền với mẹ: “Có nhà mới, sẽ phóng to cái ảnh nớ ra, treo lên cho con cháu tụi hắn biết về mệ ngày xưa như răng chơ, mạ hè?”.

Diệu Hương