.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình, 410 năm phát triển (1604-2014)

Thứ Sáu, 11/04/2014, 07:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1604, tên gọi "Quảng Bình" lần đầu tiên xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, từ đó danh xưng Quảng Bình chính thức đi vào lịch sử.

Dưới thời Tây Sơn, Quang Trung quyết định nhập hai châu của phủ Quảng Bình là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính  làm một và đặt tên là châu Thuận Chính. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), cùng với các dinh Quảng Trị, Quảng Nam, dinh Quảng Bình được gọi là trấn. Tháng 10 năm Minh Mạng thứ mười hai (1831), dinh Quảng Bình được chuyển đổi thành tỉnh Quảng Bình và tên gọi "tỉnh Quảng Bình" tồn tại từ đó cho đến ngày nay.

Danh xưng "Quảng Bình" có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. "Quảng Bình" với ý nghĩa "Thái bình rộng lớn" như là một sự định danh của Chúa Nguyễn Hoàng nhằm cụ thể hóa Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dãy Hoành sơn, dung thân suốt đời).

1. Quảng Bình dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn 

Do nằm ở vùng đất tranh chấp và chính sách bóc lột, đàn áp của hai thế lực phong kiến (vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong) đã làm cho nhân dân Quảng Bình điêu đứng, cực khổ trong cuộc chiến tranh kéo dài nửa thế kỷ (từ 1627 đến 1672). Năm 1771, phong trào nông dân Đàng Trong nổi dậy chống áp bức, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 1786, nhân dân Quảng Bình đã nổi dậy phối hợp với nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 3 vạn quân Trịnh trên phòng tuyến sông Gianh. Sau đó tiếp tục tiến thẳng ra Bắc Hà, lật đổ chế độ nhà Trịnh, thống nhất đất nước.

Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, Triều đại Tây Sơn suy yếu. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên làm vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế), lập ra nhà Nguyễn. 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 27-6-1885, quân Pháp tấn công kinh đô Phú Xuân, triều Nguyễn đầu hàng vô điều kiện. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị), sau đó ra Hà Tĩnh, cuối cùng quay về chọn Tuyên Hóa (Quảng Bình) làm căn cứ kháng chiến, phát Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên phò vua cứu nước.

Đứng trước nguy cơ mất nước, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Quảng Bình đã vùng dậy dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, quan lại và trí thức có lòng yêu nước, đánh trả quân xâm lược. Vùng đất Quảng Bình trở thành một trong những nơi tụ nghĩa của phong trào Cần Vương. Các sĩ phu yêu nước của đất Quảng Bình như: Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Hoàng Phúc, Đoàn Chí Tuân, Đề Én, Đề Chít... đã chiêu tập nghĩa quân, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, gây cho chúng những tổn thất to lớn.

2. Các tổ chức cơ sở đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền cách mạng

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Từ đây, phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam bước sang giai đoạn đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ở Quảng Bình, các tổ chức cơ sở đảng lần lượt ra đời như chi bộ ga Bố Trạch (Bố Trạch), Bãi Đức (Tuyên Hóa), Mỹ Trung (Lệ Thủy), Lũ Phong (Quảng Trạch)...  Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao, thuế nặng ở Quảng Bình liên tiếp nổ ra.

Từ năm 1936-1939, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương ra đời. Các tổ chức quần chúng được thành lập từ tỉnh đến xã với nhiều hình thức như: công hội, nông hội, hội cứu tế... Các cuộc đấu tranh trong thời kỳ này đã làm cho phong trào cách mạng ở Quảng Bình có sự khởi sắc; đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành; quần chúng cách mạng được tập hợp, thử thách trong thực tiễn đấu tranh, tạo tiền đề cho cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945.

Cùng với sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Bình ngày càng trưởng thành. Để thống nhất tổ chức đảng ở miền Trung, chấm dứt tình trạng phân tán diễn ra sau nhiều đợt khủng bố của địch, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lời kêu gọi của Ủy ban thống nhất Trung Kỳ về thống nhất các tổ chức cơ sở đảng dưới ngọn cờ của Đảng. Ngày 02-7-1945, Hội nghị cán bộ đảng trong toàn tỉnh được triệu tập tại An Xá (Lệ Thủy). Hội nghị quyết định củng cố các tổ chức đảng ở các vùng trọng yếu, nhất là ở thị xã Đồng Hới; thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh; chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền...

Như vậy, sau một thời gian dài các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh hoạt động riêng lẻ, thiếu sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, Quảng Bình đã có cơ quan lãnh đạo Đảng thống nhất. Việc tổ chức hội nghị thống nhất Đảng ở Quảng Bình là bước ngoặt lịch sử quan trọng mở ra thời kỳ mới: thời kỳ thống nhất tổ chức, thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động trong toàn tỉnh; tạo nên sức mạnh mới, niềm tin mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi gian nan thử thách, vươn lên cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi quyết định của cách mạng.

Cùng với việc thành lập Ban vận động thống nhất Đảng, việc thành lập Tỉnh bộ Việt Minh ngày 04-7-1945 là bước phát triển mới của phong trào cách mạng Quảng Bình, là điều kiện quan trọng trong việc tập hợp lực lượng quần chúng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau các hội nghị lịch sử, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt. Ban Chấp hành Việt Minh các phủ, huyện, thị xã, tổng, làng lần lượt ra đời. Hàng trăm cuộc mít tinh được tổ chức thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Các đội tuyên truyền xung phong bám cơ sở, đi sâu vào quần chúng tuyên truyền chính sách đoàn kết cứu nước của Mặt trận Việt Minh, giải thích cho quần chúng hiểu rõ bản chất của các tổ chức Tân Việt Nam, Thanh niên Việt Nam là trò lừa bịp chính trị nhằm lôi kéo nhân dân, nhất là thanh niên để phục vụ cho mục đích xâm lược của chúng, vạch trần bộ mặt phản nước hại dân của bọn Việt gian thân Nhật, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết chống Nhật, cứu nước.

Ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức hội nghị để quán triệt lệnh tổng khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu phái viên của Trung ương vào truyền đạt. Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo và quyết định lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung toàn tỉnh. 

Đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, các tầng lớp nhân dân ở vùng ven và quanh khu vực thị xã Đồng Hới với băng cờ, gươm, giáo mác, gậy gộc tập trung đông đảo quanh thành Đồng Hới đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Mờ sáng ngày 23-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố. Dân chúng từ các nơi đổ về cửa thành, bao vây toà sứ, trại lính. Lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm giữ các vị trí xung yếu trong nội thị, sẵn sàng đánh trả mọi hành động chống cự của địch. 8 giờ ngày 23-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng cách mạng ở các phủ, huyện đã đồng loạt vùng lên giành chính quyền.

Ngày 23-8-1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Bình. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đêm, quần chúng nhân dân trong tỉnh đã nhất tề nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh gọn và thu được thắng lợi to lớn. Đến ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống phủ, huyện, tổng, xã đều được thiết lập.

Ngày 2-9-1945, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Quảng Bình đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ miền xuôi đến miền ngược đã tập trung về tỉnh lỵ và huyện lỵ dự cuộc mít tinh lớn mừng ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: "Nước Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập"..., "toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(Còn nữa)