.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Năm, 10/04/2014, 07:15 [GMT+7]

Năm 1673, sau khi chiến tranh chấm dứt, chúa Nguyễn lo sửa sang chính trị, chỉnh đốn học hành, đào kênh khơi ngòi để mở mang mạng lưới giao thông vận tải.

Ở Quảng Bình chúa Nguyễn cho khảo sát lại địa hình kênh Sen từ Thuỷ Liên đến Hồ Xá và tự thân hành đốc xuất dân ba huyện đào lại kênh này. Nhưng đào vừa xong cát lại đùn lấp đi như các thời Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, nên đành phải thôi. Chúa chỉ còn có cách chỉ thị cho nhân dân hai bên kênh tuỳ mùa nạo vét, cố gắng cho sự giao thông thuận lợi.

Năm 1681, mùa xuân Tân Dậu, Nguyễn Hữu Dật đang là trấn thủ dinh Lưu Đồn (Võ Xá) bị bệnh, mất tại chức, thọ 78 tuổi. Ông là nhà thao lược có tài, mưu trí và rất nhân hậu, không thích chém giết, chỉ dùng mưu kế để thắng giặc, chỉ khi nào cần lắm mới sử dụng vũ lực. Trong trận đánh ra Nghệ An, quân Nguyễn đi xa, đồn trú lâu ngày nhớ nhà, quân Trịnh đầu hàng lâu ngày cũng bỏ trốn, tinh thần quân đội sa sút, có người khuyên chém đầu vài tên bạc nhược để làm uy, ông trả lời: "Lời các vị nói chỉ đúng trong luật hành binh, còn đạo làm tướng thì điều cốt yếu là nhân hoà. Lòng người hoà hợp với nhau, trên dưới hoà hợp với nhau thì đánh trận nào cũng thắng cả. Chúng ta chỉ cần rèn lấy cái ân, cảm lấy tình thì họ vui lòng làm việc, chém giết có ích gì?". Cho nên, người Quảng Bình thường gọi ông là "Tướng Bồ Tát Phật”.

Năm Quý Dậu, 1693, nhân vua chiêm Thành là Bà Bột gây sự ở biên giới phía Nam, chúa Nguyên Phúc Chu (1691-1725)  cử Nguyễn Hữu Cảnh (em Nguyễn Hữu Dật) vừa là nhà quân sự vừa là nhà có tài kinh bang tế thế, đưa quân vào Nam chống giữ.

Nguyễn Hữu  Cảnh đã bắt được vua Chiêm Thành là Bà Bột giải về Phú Xuân, chiếm vùng đất còn lại của nước Chiêm lập ra phủ Thuận Thành  (1694), đến năm 1697 thì nhập cả Phan Lý (Phan Rí) và Phan Lang (Phan Rang) lập ra hai huyện Yên Phú và Hoà Đa. Đến năm 1698, Chân Lạp quấy rối, Nguyễn Hữu Cảnh lại được lệnh từ Phan Rang tiến lên miền Đông Đất Đỏ chiếm cứ Đông Phố (Đồng Nai)  lập dinh Trấn Biên  (Biên Hoà) lấy xứ Lài Côn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn (Gia Định) rồi mộ dân Quảng Bình, đặc biệt là dân Châu Bố Chính, vào khai khẩn, định cư lập ấp. Hiện nay ở Nam Bộ còn có địa danh mang tên Tân Bình nguyên gốc của Tân Bình Thuận Hoá, hoặc là ghép với một số địa phương khác như Long Bình, Bình Thạnh .v.v... là một bằng chứng về sự mộ dân lập ấp từ thời Nguyễn Hữu Cảnh, "Bình Chiêm Chế Nam".

Mặc dầu lúc này, chiến tranh Trịnh Nguyễn đã chấm dứt khá lâu (gần 30 năm), nhưng vì chúa Nguyễn lo phát triển ở miền Nam, đưa quân đi can thiệp vào nội bộ Chiêm Thành và đụng độ với Chân Lạp, Chúa Nguyễn sợ biên giới phía Bắc bị Trịnh trở lòng mà có chuyện bất an, nên liền trong hai năm Canh Thìn và Tân Tỵ (1700 và 1701), chưa ra lệnh xem xét lại các luỹ Đâu Mâu Nhật Lệ chỗ nào hư hỏng thì cho tu sửa lại, chỗ nào yếu, chưa vững thì bồi đắp thêm, chú trọng đoạn Luỹ Trấn Ninh  và đồn Sa Phụ luỹ Trường Sa, xây thêm các pháo đài đặt súng lớn, đặt thêm điểm canh, cho quân tuần thám chặt chẽ. Lại sai các đạo binh thường trực ở Lưu Đồn ở dinh Quảng Bình sửa sang thành, quét cầu cống, đường sá,và Chúa thân hành đi Quảng Bình kiểm tra các công trình phòng thủ ấy,

Năm 1713, Chúa lại đi thăm các Dinh Quảng Bình, Nam Bố Chính, Lưu Đồn và xem xét các thành luỹ trong hệ thống phòng ngự Luỹ Thầy lần nữa, tỏ ra rằng, Nguyễn Phúc Chu không bao giờ buông thả đề phòng cái hoạ  chúa Trịnh ở phương Bắc. Nhân dân oán ghét, căm giận Trương Phúc Loan, thường gọi là Trường Tần Cối. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng lên. Năm 1773, quân Tây Sơn đột nhập thành Bình Định, chiếm thành trì, giết trấn thủ, lấy tiền bạc của cải của nhà giàu chia cho dân nghèo, được nhân dân hưởng ứng, thế mạnh như chẻ tre, quân chúa Nguyễn không thể nào chống cự nổi.

Trịnh Lâm biết Thuận Hóa mấy năm nay mất mùa, bèn lập ba sở quân lương tiếp tế cho quân viễn chinh Trịnh. Sở thứ nhất ở Sơn Nam có nhiệm vụ huy động thóc gạo của bốn trấn chung quanh chở theo đường thủy vào Nghệ An; Sở thứ hai đặt ở Hà Trung  chở vào Quảng Bình; Sở thứ ba, đặt ở đồn Động Hải, cung cấp cho binh lính. Hoàng ngũ Phúc lãnh 23 dinh binh thuỷ bộ của các đạo Thanh Nghệ và Đông Nam đóng đại bản danh ở Dinh Cầu tháng 9, quân Trịnh tiến vào Bắc Bố Chính, sai người liên hệ với quan quân Nguyễn đóng giữ bờ.

Nam Sông Gianh mật giao với hai viên trấn thủ Nam Bố Chính là Cai Đội Quý Lộc (không rõ họ) và Câu Lê Kim Long (không rõ họ), hai tên này nói lóng:

"Lộ bất hành bất đáo": đường không đi không đến.
“Chung bất khấu bất minh": chuông không đánh không kêu.

Hoàng Ngũ Phúc hiểu ý liền tiến quân, đánh lấy Nam Bố Chính, đồng thời lại được tướng giữ thành Trấn Ninh của chúa Nguyễn làm nội ứng, mở cửa thành ra đầu hàng, tướng giữ Lưu Đồn ở Võ Xá là Tống Hữu Trương đã bỏ chạy, quân Trịnh vào Dinh Quảng Bình, đánh trống hò reo. Hoàng Ngũ Phúc bèn sai san phẳng toàn bộ luỹ Trấn Ninh chỉ để lại đồn Động Hải.

Tháng 11, Hoàng Ngũ Phúc tiến tới Hồ Xá, truyền hịch kể tội của Trương Phúc Loan, đánh tiếng giúp chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần bắt Trương Phúc Loan nộp cho Trịnh và đưa tiền bạc, châu báu đưa lên vua Lê, chúa Trịnh, đút lót cho Hoàng Ngũ Phúc hàng mấy trăm cây vàng, chịu triều cống. Nhưng Hoàng Ngũ Phúc vẫn tiến quân, chiếm luôn Ái Tử;

Chúa Nguyễn Phúc Thuần biết là không thể dùng vàng ngọc để mua chuộc Hoàng Ngũ Phúc được, bèn sai Nguyễn Phước Tiệp đem binh ra chống cự, sai cai đội Phẩm Bình (không rõ họ) lẻn ra Quảng Bình, Nam Bố Chính hiểu dụ thân hào, quân dân dấy lên đánh phía sau quân Trịnh, nhưng Phẩm Bình vừa đến nơi đã bị bắt ngay, và Nguyễn Phước Tiệp cũng bị tướng Trịnh là Hoàng Phùng Cơ đánh bại, quân Trịnh tiến lên chiếm lĩnh bờ sông Phù Lê (huyện Quảng Điền).

Tháng 12 năm ấy, quân Hoàng Ngũ Phúc, chiếm thành Phú Xuân. Nguyễn Phúc Thuần đem gia quyến xuống thuyền chạy ra cửa Tử Dung, kiếm đường trốn vào Gia Định, trong đó Nguyễn Phúc Ánh (sau trở thành vua Gia Long), năm ấy mới 14 tuổi.

Ngày 3 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36, (1775) Hoàng Ngũ Phúc yết bản an dân, chấm dứt uy quyền  của vương triều chúa Nguyễn hơn hai 200 năm trên đất Thuận Hoá và cũng kết thúc cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, báo hiệu một sự cáo chung của nạn cát cứ, chia cắt non sông và cũng là đồng thời dự báo sự sụp đổ sắp tới của bản thân chúa Trịnh trước sức mạnh của nông dân khởi nghĩa đang diễn ra trước mặt họ.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)