.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh xã hội

Thứ Sáu, 04/04/2014, 07:20 [GMT+7]

Thời kỳ tranh chấp dưới thời các chúa Trịnh và chúa Nguyễn

Năm 1635, Nguyễn Phúc Nguyên mất, Phúc Lan lên thay. Năm 1640, tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Loát, trấn thủ Bắc Bố Chính trước đó đã hẹn ước với Nguyễn bỏ Trịnh theo Nguyễn nay bỗng nhiên thay lòng đem quân cướp phá châu Nam Bố Chính.

Năm đó chúa Nguyễn Phúc Lan muốn đem quân đánh Khắc Loát, hỏi kế văn võ bá quan. Nguyễn Hữu Dật bày mưu phản gián, đưa tin cho Trịnh Tráng biết Khắc Loát giả bất hoà với Nguyễn, khi Nguyễn đánh giả vờ thua, lui về Bắc để dụ Trịnh Tráng thân chinh sẽ bắt Trịnh Tráng, được tin Trịnh Tráng cho Trịnh Kiều đem 5000 quân vào Bắc Bố Chính bắt Khắc Loát. Khi Trịnh Kiều vừa đến nơi thì Khắc Loát đã bị tướng Nguyễn là Nguyễn Phước Kiều đánh chạy rồi. Trịnh Kiều tưởng Khắc Loát giả vờ thua như tin gián điệp nên bắt Khắc Loát giải về cho Trịnh Tráng giết. Quân Nguyễn chiếm lại Bắc Bố Chính. Chúa Nguyễn Phúc Lan sai người ra Đông Đô trình bày lại sự tham bạo của Khắc Loát và trả lại châu Bắc Bố Chính cho Trịnh.

Năm 1637 Thuận Hoá đói. Năm 1641 trời hạn hán, lúa cháy đất khô, giá gạo ở Thuận Hoá một đấu 60 đồng tiền, người chết đói khắp nơi, dân xiêu tán. Chúa Nguyễn Phúc Lan vừa mới lên ngôi đã gặp nạn Nguyễn Khắc Loát, lại gặp nạn đói kém mà phải trao trả đất Bắc Bố Chính cho họ Trịnh, mặc dầu ý đồ của Nguyễn Phúc Lan cũng muốn làm chủ trọn vẹn cả phần đất Thuận Quảng mà biên giới các triều đại trước đã quy định từ "phía Nam Hà Hoà"

Tuy lịch sử không ghi chép, như theo các số liệu để lại thì quả nhiên đến thời điểm này (1640-1643) Phúc Lan chưa đủ sức chiếm lĩnh Bắc Bố Chính mà Nguyễn Khắc Loát đã bỏ chạy. Đối với châu Bắc Bố Chính này, không những Phúc Lan, mà ngay cả Nguyễn Hoàng, cả Đào Duy Từ khi còn sống, và xa hơn nữa, ngay cả thời Lâm Ấp nhà Minh, nhà Mạc, lực lượng nào mà sức yếu thì cũng "nhường" cho làm chủ đất Bắc cai quản nó. Cụ thể là từ Phúc Lan đến Phúc Tần, vào những năm 1555 đến 1560, chiếm lĩnh cả một vùng từ sông Gianh đến bờ Nam sông Lam (Hà Tĩnh) mà rồi cũng bị đẩy lùi, chịu mất Bắc Bố Chính để canh lấy bờ Nam sông Gianh mà thôi.

Nhận thấy Thuận Hoá đang gặp đói kém, không để cho đối thủ mình kịp khắc phục khó khăn, lại nhận thấy Phúc Lan mới lên ngôi lại đam mê Tống Thị, cận thần can gián không nghe, năm 1643 chúa Trịnh Thanh Đô Vương, sai Thái Bảo Trịnh Tạc đem quân lấy lại Nam Bố Chính. Chuyến này Thanh Đô Vương cũng mời vua Lê đi theo. Nhà vua đóng hành tại ở xã An Bài, châu Bắc Bố Chính sát với chiến trường để động viên quân sĩ. Quân Nguyễn ra sức phòng giữ, quân Trịnh không tiến lên được, gặp lúc thời tiết nắng nóng, bệnh dịch chết nhiều phải rút về.

Năm 1648, nhân có Tống Thị là người mỹ nữ yêu quí của chúa Nguyễn gửi mật thư ra cho Trịnh Tráng xin cất quân đánh, thị sẽ đem gia tài giúp vào quân lương và để được ra Bắc về hầu hạ nâng khăn sửa áo cho Trịnh Tráng, Trịnh Tráng bèn quyết định xuất quân lần nữa.

Tháng giêng năm Phúc Thái thứ 6 (1648) cử Trịnh Đào làm đô đốc thống lĩnh các đạo thuỷ bộ ồ ạt đánh vào cửa biển Nhật Lệ, chọc thủng hàng rào cọc sắt, quân Nguyễn ở các đồn ven sông Nhật Lệ cự không nổi, thuỷ trận đò Sa Phụ-Mũi Nại không thể ngăn chặn thuỷ quân Trịnh. Quân Trịnh tiến thẳng vào Thập Dinh, đóng quân ngay tại Võ Xá. Chúa Nguyễn kinh sợ, thân đốc đại binh ra chống cự.

Quân Trịnh hình như đã dốc sức ra hết để chiếm Lưu Đồn (Dinh Mười), đến đây bị phản công và bị đánh bật ra khỏi Võ Xá, sợ mất Cẩm La không có đường lui, nên phải vội vã rút quân. Các tướng của Trịnh là Gia, Lý, Mỹ (không rõ họ) và ba vạn quân bị bắt. Từ khi Trịnh Nguyễn đánh nhau đến nay, chưa có trận nào quân Trịnh thua đậm như thế. Tướng Trịnh là Gia, Lý xin hàng, riêng Mỹ không khuất phục, xin nhảy xuống biển chết. Chúa Nguyễn khen, cho vớt xác mai táng tử tế để đề cao tiết tháo cho quân đội và ba vạn tù binh thì cho vào miền Quảng Nam ăn ở, cấp phát nông cụ, ngưu canh, khai khẩn ruộng hoang sinh sống.

Tình trạng thất trận của Trịnh tỏ ra rằng các trận đồ Thuỷ trận Sa Phụ-Mũi Nại và đầm lầy Võ Xá đã làm cho quân Trịnh gần như kiệt sức, cho nên dù có bám được Võ Xá đã làm không đủ sức chịu đựng nổi các đòn phản công của lực lượng dự trữ chiến lược của quân Nguyễn; quân Trịnh không những đã phải bỏ Võ Xá mà còn bị tổn thất nặng nề, rút luôn về Thăng Long.

Trong khi  thắng trận trở về, Phúc Lan lâm bệnh chết giữa đường (theo Nguyễn Khoa Chiêm trong Trịnh Nguyễn  Diễn Chí thì chúa Nguyễn bị Tống Thị bỏ thuốc độc chết). Nguyễn Phúc Tần lên thay (1648-1687). Nguyễn Phúc Tần là một người cứng rắn, chăm lo công việc, không ăn chơi, thông hiểu binh pháp. Thường xuyên luyện tập võ bị, sửa sang binh khí, chiêu tập những người dũng cảm và nhân tài, mưu sự tiến ra Bắc.

Năm 1648 sau khi thất trận  ở Võ Xá rút về, chúa Trịnh đã sai tướng là Trịnh Đào đóng đồn Hà Trung, Lê Hữu Đức đóng đồn Hoành Sơn, Phạm Tất Đồng làm trấn thủ châu Bắc Bố Chính đóng bản doanh ở Tam Hiệu (Ba Đồn ngày nay).

Năm 1655, Trịnh Đào sai Phạm Tất Đồng đem quân vượt sông Gianh, xâm lấn Nam Bố Chính. Nhân đây chúa Nguyễn Phúc Tần quyết định bắc phạt, sai Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm đốc chiến, tập kích vào đồn Hà Trung, nhiều tướng sĩ ra hàng.

Chúa Trịnh sai Thái Bảo Trịnh Trượng đem quân chống cự, ý muốn thu hồi Hà Trung. Nguyễn Hữu Dật sai phản gián ra Bắc vận động người chống chúa Trịnh nổi dậy. Nhiều nơi như Cao Bằng, Hải Dương, Sơn Tây hưởng ứng, chờ quân Nguyễn tiến qua sông Lam, tràn lên Nghệ An, thì họ phát binh về theo. Trịnh Trượng không dám khinh suất, lui về giữ An Trường. Quân Nguyễn thừa cơ chiếm luôn 7 huyện phía Nam sông Lam, quân Trịnh thua nhiều trận.

Nghe tin Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật thắng trận liên tiếp, Nguyễn Phúc Tần đưa đại bản doanh ra đóng ở xã An Trạch, tức Dinh Trạm (huyện Lệ Thuỷ).

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)