.

Đại tướng đã về!

Thứ Bảy, 26/04/2014, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh thời, Đại tướng nói với bà con làng An Xá quê ông, đại ý, ông làm tướng nhưng không phải là người làm quan để cả họ nhờ, lại nói, khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp. "Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rỗi việc nước thì tôi lại về". Đại tướng đã nói như thế trong những lần về thăm quê lúc tuổi đã cao, và giờ thì ông đã về.

 Đoàn cán bộ, nhân viên cơ quan Báo Quảng Bình dâng hương viếng mộ Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP  Ảnh: TIẾN HÀNH
Đoàn cán bộ, nhân viên cơ quan Báo Quảng Bình dâng hương viếng mộ Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP - Ảnh: Tiến Hành

Ngày 4-10, đang đi cứu trợ bà con bị ảnh hưởng do cơn bão số 10 ở huyện Quảng Trạch, tôi hỏi anh Trần Văn Thái, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Bình, Vũng Chùa ở mô rứa Thái. Thái bảo, em không biết cụ thể nhưng là khu vực tiếp giáp Hòn La, thuộc xã Quảng Đông của Quảng Trạch đó anh.

Trong tâm thức, tôi chưa từng nghe đến Vũng Chùa- Đảo Yến, dù là người Quảng Bình, lúc đó chỉ nhớ mang máng trong một cuốn sách nào đó đã đọc thì khu vực này có vịnh La Sơn. Trong vùng có một ngọn núi, gọi là núi Rồng.

Nhớ là vì tục truyền rằng, Cao Biền thấy Giao Châu có nhiều kiểu đất có thể phát đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, hại mất nhiều long mạch. Đến vịnh La Sơn, Cao Biền kinh hãi vì thế “rồng cuộn hổ chầu” nên đã dùng phép thuật trấn yểm trên núi Rồng. Cũng theo truyền thuyết thì những nơi bị Cao Biền trấn yểm sau đó đã được cụ Tả Ao, một nhà phong thủy đại tài phá thế.

Những chuyện ấy nhiều người cho là chuyện ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được. Nhưng chuyện phong thủy thì là nét văn hóa đặc trưng của phương Đông. Cất nhà cũng chọn vị trí, hướng, người chết phải chọn chỗ táng, ngày giờ hạ huyệt là điều hầu như nhà nhà đều làm.

Gọi điện cho TS Phan Viết Dũng để hỏi, anh Dũng nói, đại ý, ở địa đầu phía bắc tỉnh Quảng Bình, dưới chân dãy Hoành Sơn, giữa trời nước mênh mông  có một vịnh biển, mặt nước phẳng lặng mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn, ngày nay gọi là vịnh Hòn La.

Cũng theo sách của Cao Xuân Dục, vịnh La Sơn còn có tên là Vũng Từ vì nơi đây kín gió, thuyền chài thường vào neo đậu tránh gió bão. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành. Phía đất liền là dãy Hoành Sơn  “thế như rồng cuốn hổ chầu, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây bắc. Ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn) đó là Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn La...

Vũng Chùa là một vịnh nằm trong Vũng Từ, kế tiếp vịnh Hòn La, dân gian gọi Vũng Chùa là do khu vực này trên đất liền có ngôi chùa thiêng (đã thành phế tích). Còn Đảo Yến chính là Hòn Nồm.

TS Phan Viết Dũng hỏi lại, vì sao Thịnh quan tâm đến Vũng Chùa- Đảo Yến. Tôi nói, đó là nơi Đại tướng an giấc ngàn thu.

Đại tướng vừa mới mất, Nhà nước chưa phát tang chính thức, nên chẳng ai tin điều tôi nói.

                                                                                  *

Phóng viên Trương Quang Nam của Thanh Niên là người đưa tin đầu tiên, dẫn nguồn tin từ gia đình, xác nhận vị trí Đại tướng yên nghỉ chính là vùng Vũng Chùa- Đảo Yến, cho dù lúc đó về mặt “chính thống” vẫn nói là... đang bàn. Nói là nói vậy nhưng nguồn tin từ hậu trường mà tôi biết chắc chắn thì việc đó đã quyết định.

Sau bản tin trên, nhiều người, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ quê Quảng Bình phản ứng quyết liệt, thậm chí có một nhà văn có tiếng người Huế còn cho rằng “đằng sau có một âm mưu”, chỉ vì họ đặt câu hỏi, sao không đưa Đại tướng về quê ông, Lệ Thủy?

Tôi là người Lệ Thủy, làng tôi đối diện với làng Bác Giáp qua sông Kiến Giang, một con sông được gọi là “nghịch hà” vì nó chảy từ nam ra bắc (chứ không phải từ tây sang đông như các con sông khác). Vùng này sinh ra những người nổi tiếng như xưa là Dương Văn An, đương thời là Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Nhưng cũng sinh ra nhiều người “tai tiếng” như gia đình họ Ngô của Ngô Đình Diệm.

Trước đây, trong một bài viết đâu như đầu thập niên 1990, tôi đã thống kê làng An Xá của Bác Giáp có đến 60 vị tướng tá cầm quân cấp trung, sư đoàn trở lên (hồi đó cấp tá đã là rất hiếm) và hàm vụ trưởng, thứ trưởng... Ngoài gia đình Bác Giáp có cụ Võ Thuần Nho từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục còn có gia đình ông Trần Bội có 3 thế hệ, ông, cha, con làm phó chủ tịch và chủ tịch UBND tỉnh.

Tôi cũng có “máu” quê hương, cũng có tâm nguyện được đón Đại tướng về quê, nhưng khi hay tin sẽ chọn Vũng Chùa- Đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng của Bác, tôi thấy mình đã suy nghĩ quá hẹp hòi. Xâu chuỗi sự kiện, lại thấy, việc này đã có sự chuẩn bị từ lâu và rất có lý.

Về văn hóa của người phương Đông như đã nói, thì Vũng Chùa- Đảo Yến là vùng đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển. Có ba hòn đảo nổi làm bình phong. Các nhà phong thủy trứ danh khi đến đây đã bày tỏ sự kinh ngạc.

Hiện Vũng Chùa vẫn còn hoang sơ nhưng địa thế rất dễ để phát triển sầm uất, nhất là khi có Bác nằm đây.

Có đến đây mới thấy, chỉ có chỗ này mới xứng để xây một khu lăng mộ, đặt một tượng đài kỳ vĩ của một danh tướng lẫy lừng như Đại tướng.

Lúc đó tôi đã nói, mình và cả bà con Lệ Thủy ta nên nghĩ xa hơn. Bác về quê, quê Bác là ở Quảng Bình và Bác là của nhân loại. Khu Vũng Chùa-Đảo Yến liền kề với Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh) là vùng đang được đầu tư phát triển mạnh về kinh tế.

                                                                                    *

Lại nói, bình tâm mà xem xét, nếu đưa Bác về quê, những người rành phong thủy (mà không gì người rành phong thủy, người bình thường nhất cũng nghĩ đến) đều cho rằng, khu đôộng (núi) An Mã thượng nguồn sông Kiến Giang là vùng đất phong thủy tốt nhưng đã có một huyệt đạo tốt nhất người nhà Ngô Đình Diệm chọn để táng ông Ngô Đình Khả. Khu thác Ro của vùng này có một huyệt đạo tốt cũng đã được chọn để táng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đây cũng là vùng cách trở, khó để xây một khu lăng mộ thuận tiện cho mọi người đến viếng.

Người xưa có câu “Nhất cồn Dồi An Xá, nhì Khuông Đá Lộc An” là nói về địa linh sinh nhân kiệt. Cồn Dồi là vùng đất nổi lên giữa cánh đồng làng Bác, sau này biến thành khu nghĩa trang nhân dân ken kín mộ chí, mùa mưa dầm mình trong nước nên càng không thể đưa Bác về đây.

Những nhà phong thủy cũng nói đến chuyện đập An Mã đã chặn dòng Kiến Giang đầu nguồn, đập Hạc Hải chặn Kiến Giang cuối nguồn, mạch đã không thông.

Nhiều ý kiến lựa chọn nơi khác như khu vực Phong Nha (huyện Bố Trach), người ta cho rằng vùng này thắng cảnh đẹp nhưng khó chọn được một vị trí được cả mặt địa thế lẫn sự thuận tiện.

Sinh thời, Bác nói với bà con, đại ý, ông làm tướng nhưng không phải là người làm quan để cả họ nhờ, lại nói, khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp.

Lại nhớ nhiều lần về quê, mỗi khi tiễn Bác ra Đèo Ngang, Bác đều đứng rất lâu, vọng ra biển. Giờ thấy Bác đã nghĩ rất xa.

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT mới về hưu hồi tháng 9-2013, khi trả lời báo chí về vấn đề này đã nói đại ý, Đại tướng là người của Tổ quốc, của nhân dân, quê của Đại tướng là ở Quảng Bình nên việc chọn vị trí nào ở Quảng Bình để tiện cho nhân dân thăm viếng là tốt nhất, tốt hơn nữa là ở đó có thể phát triển được kinh tế-du lịch.

Ý kiến này của ông Doãn thời điểm đó bị không ít người “ném đá”, trong đó có cả những người từng phục ông. Nhưng lúc đó tôi rất hiểu ngụ ý này, vì hơn ai hết, tôi biết, ông Doãn là người thuộc lớp sau nhưng được Đại tướng yêu mến, tin cậy. Ông chắc chắn biết nhiều chuyện hơn chúng ta.

Nếu bây giờ, cả nước chung tay biến Vũng Chùa- Đảo Yến- Hòn La thành một khu kinh tế-du lịch sầm uất, há chẳng phải đã giúp Bác thực hiện ước nguyện đó sao?

                                                                                    *

Người viết bài này từng có ba lần được ngồi nghe Đại tướng nói chuyện. Hai lần là ông đến Báo Quảng Bình lúc ông Đỗ Quý Doãn là tổng biên tập, tôi làm thư ký tòa soạn, Bác nói về cách làm báo mà tôi nhớ y nguyên một câu: “Nhà báo phải viết cái gì dân cần chứ không chỉ viết cái gì mình muốn”. Một lần khác, hồi ông Doãn đã là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng ban Tuyên giáo lúc tuổi còn rất trẻ. Hôm đó Đại tướng rất buồn vì hay tin nội bộ có vấn đề về đoàn kết. Bằng ngữ điệu trầm tĩnh của một con người đạt đạo, ông đã khuyên can từng người bằng cả tấm lòng của người ông, người cha, người đồng chí...

Tôi nhớ lúc đó, Đại tướng đã lấy ra tập sách mới in, lật trang bìa đề tặng ông Doãn rồi ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

                                                                                 *

Một lần đứng trên đỉnh Đèo Ngang, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói vui, giờ thì Đèo Ngang đang nghèo, mai đây phải làm cho mọi người đổi tên thành "Đèo Nghếch" (đếch nghèo).

Bác đã chọn vị trí an nghỉ cuối cùng vừa là “cái dân cần”, vừa là “cái mình muốn”.

"Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rỗi việc nước thì tôi lại về". Đại tướng đã nói như thế trong những lần về thăm quê lúc tuổi đã cao, và giờ thì ông đã về!

Trên đường thiên lý bắc nam, đến khu vực dưới chân Đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, rẽ về phía biển, trên đỉnh núi Thọ nhìn ra đảo Yến tự bức bình phong, mọi người có thể thắp hương viếng vị Đại tướng lừng danh- Thánh Võ của nhân dân.

Nguyễn Thế Thịnh