Tín ngưỡng cúng cầu Pụt và lễ hội Rằm tháng ba ở Minh Hóa

Cập nhật lúc 13:55, Thứ Ba, 05/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Tộc người Nguồn ngày xưa thờ đa thần. Trong đó, vị thần đứng đầu linh thiêng đặc biệt được thờ cúng đặc biệt là ôông Pụt (Bụt) vị Thánh tổ ở lèn ôông Ngoi thờ tại Thác Pụt.

Theo tâm linh nguyên thủy của người Nguồn thì ôông Pụt ở trong trời đất cho sinh ra con người và muôn loài, rồi hóa thành 12 tượng đá của 4 phương 8 hướng trời đất ngồi trên đỉnh lèn ôông Ngoi trông coi trời đất, chăm sóc, bảo vệ con người, đem lại cho con người cuộc sống ấm no, yên lành, được người Nguồn cõng hai ông về thờ tại Thác Pụt cho đến nay.

Người già của người Nguồn kể lại "Sự tích Thác Pụt" và cho rằng: ngày rằm tháng ba, mở đầu mùa tìm ong lấy mật, có người may mắn gặp được và cõng hai ôông Pụt về thờ ở Thác Pụt, được Pụt phù hộ cho ăn nên làm ra, con có, của có. Từ đó, ngài Nguồn tời hơ (người Nguồn đời xưa) lấy ngày rằm tháng ba hằng năm làm lễ hội cúng cầu Pụt tại bàn thờ Thác Pụt để Pụt phù hộ cho trời yên, rú lặng, mọi người khỏe mạnh, vào rừng trèo lèn, leo núi, trèo cây, lội suối chân cứng đá mềm, làm ăn bội thu, nhà nhà no đủ, quốc thái, dân an,vv...

Người Nguồn có hai lễ cúng cầu Pụt là lễ làm chay tế Pụt, có treo cờ Phật theo nghi thức Phật giáo, đã bãi bỏ từ lâu rồi. Cho đến nay, người Nguồn chỉ bảo tồn, phát huy lễ hội cúng cầu Pụt theo nghi thức cúng xạ tình dân gian Nguồn vào ngày rằm tháng ba hàng năm (ngày 15-3 âm lịch) như sau:

- Nơi cúng cầu, dưới chân lèn ôông Ngoi, bên bờ tả ngạn khe Dác Dòn, dưới bóng các cây cổ thụ thâm nghiêm. Người Nguồn ngày xưa dùng đá cuội và đá sạn đắp một mô cao, gác một bàn đá bằng phẳng lên, rồi đặt hai tượng Pụt bằng đá lèn, một lư hương, một cái chén, thờ Pụt, gọi là bàn thờ Thác Pụt, không đền, không miếu, không nhà chùa.

Ảnh 12 : Nhộn nhịp trong lễ hội Rằm tháng ba Minh Hoá.    Ảnh: P.V (thiếu ảnh)
Nhộn nhịp trong lễ hội Rằm tháng ba Minh Hoá. Ảnh: P. V

- Lễ vật dâng cúng gồm thẻ hương, trầu, cau, chén nước suối trong, một đĩa 12 con oản, hoặc một đĩa xôi nổ, hoặc một nải chuối mật móc chín tinh khiết, không xôi chè, không bánh chưng, cá, thịt, không bánh kẹo, vàng mã.

- Người đi cúng cầu lúc đầu chỉ có chức sắc và dâng làng người Nguồn, về sau có thêm người Kinh đến làm quan cai trị, làm lính giữ biên cương, dạy học, làm ăn sinh sống với người Nguồn. Nhà nào có mâm lễ vật nhà đó đem đến đặt lên bàn thờ Thác Pụt cho ôông Sại cúng cầu. Người đi cúng, người đi xem, hát đàn đúm xạ tình, vui chơi đông như trẩy hội.

Rồi ngày sau, ngày 16-3 âm lịch, người Nguồn mở hội chợ Rằm tháng Ba tại chợ Sạt buôn bán, ăn uống, vui chơi bằng các trò chơi dân gian. Đối tượng đi hội chợ Rằm tháng Ba này cho đến nay, người Nguồn ưu tiên cho trẻ em, nam nữ thanh niên chưa vợ, chưa chồng. Nét văn hóa dân gian Nguồn của hội chợ Rằm tháng Ba là ở nét văn hóa này. Nói chợ Rằm tháng Ba là chợ tình chính ở nét văn hóa dân gian này: trẻ em ăn uống, vui chơi thỏa thích; nam nữ thanh niên hát đúm xạ tình hẹn ước "kết đôi vợ chồng đầu bạc răng long" để "sớm có con mà bồng, kẻo mà họ có, mình không, họ cười",vv... Nhiều đôi nam thanh, nữ tú người Nguồn ngày xưa nên vợ, nên chồng ăn nên làm ra từ lễ hội đi cúng cầu Pụt tại Thác Pụt và đi hội chợ Rằm tháng Ba tại chợ Sạt này.

- Người đứng chủ cúng cầu là ôông Sại do cầm keo được Pụt chọn. Nghi thức cúng cầu là cúng xạ tình; ai cần cầu Pụt phù hộ điều mong ước gì thì ôông Sại nói điều mong ước đó với Pụt rồi xin keo. Khi nào Pụt cho keo một chữ sấp một chữ ngửa là được.

Ngày nay, không có ôông Sại nữa. Ai cần cầu Pụt phù hộ điều gì thì đàn ông tắm giặc sạch sẽ, sắm lễ vật chay tinh khiết đem đến đặt lên bàn thờ Thác Pụt mà cúng cầu lấy.

Cho nên, lễ hội Rằm tháng Ba cúng cầu Pụt hiện nay, chúng ta nên tổ chức đúng ngày 15-3 âm lịch. Chọn một người tâm huyết biết cúng xạ tình đem lễ vật đến bàn thờ Thác Pụt cúng cầu Pụt phù hộ "quốc thái dân an" trước.

                                                                           Đinh Thanh Dự




 

,
.
.
.