.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Chờ chương trình mới

Thứ Ba, 11/02/2014, 16:46 [GMT+7]

Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thực hiện toàn diện hơn nếu đợi đến khi có học sinh lớp 12 học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Từ nay đến khi đó, Bộ vẫn thực hiện các đổi mới trong cách ra đề thi, cách dạy và học để có kỳ thi nhẹ nhàng hơn, đánh giá đúng năng lực người học hơn.
 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển xung quanh các vấn đề liên quan đến dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại cuộc họp báo chiều ngày 10/2.

Không lo học lệch

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhiều ý kiến băn khoăn việc rút thi tốt nghiệp từ 6 môn hiện nay xuống khoảng 4 môn sẽ không đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện?

Tuy nhiên, ông cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về vấn đề này. “Theo Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, hết bậc trung học cơ sở là xong nền tảng phổ thông chung. Trung học phổ thông là đáp ứng yêu cầu phân luồng, phân hóa, chuẩn bị cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, không yêu cầu mọi người học giống nhau. Như vậy khi giảm môn thi sẽ đáp ứng yêu cầu định hướng tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh,” Thứ trưởng Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, lý do thứ hai để không lo học lệch là trong tương lai, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ do các trường tự chủ. Các trường có thể kết hợp sử dụng tiêu chí là kết quả thi và cả điểm học bạ. Do đó, học sinh muốn vào trường tốt thì không chỉ trông đợi kết quả thi tốt nghiệp mà cần phấn đấu trong cả quá trình học.

Bỏ thi ngoại ngữ: Lùi để tiến

Việc Bộ bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp cũng gây nhiều tranh cãi. Theo Thứ trưởng Hiển, đây thực sự là một bước lùi để có thể tiến nhanh hơn trong tương lai.

Lý giải cụ thể hơn, ông Hiển cho rằng việc học và dạy ngoại ngữ hiện nay chất lượng không đồng đều giữa thành phố và nông thôn, đồng bằng và miền núi, nội thành và ngoại thành. Việc thi ngoại ngữ từ trước tới nay cũng chưa bao giờ chính thức bắt buộc, khu vực khó khăn vẫn có thể thay thế bằng môn khác.

Lãnh đạo ngành giáo dục cũng thẳng thắn thừa nhận trên thực tế, học sinh học ngoại ngữ, thi ngoại ngữ nhưng không sử dụng được. Có nhiều lý do như chương trình sách giáo khoa không bảo đảm, không có chuẩn; giáo viên quen kiểu dạy nặng ngữ pháp, dạy nhưng không nghe nói, trình độ thấp; cách thi và kiểm tra hiện nay là trắc nghiệm, thi cả triệu người trong một lúc, thi để đỗ chứ không phải để sử dụng. Vì thế, nếu coi đây là môn thi bắt buộc thì có thể khuyến khích học để thi nhưng không khuyến khích được việc học để sử dụng.

“Chính giáo viên cũng không nghe, nói, đọc, viết thạo thì làm sao dạy được học sinh?  Nếu theo mục đích dạy để học sinh sử dụng được tiếng Anh thì hiện nay cả nước không có nơi nào thực hiện được. Học sinh giỏi chủ yếu do học thêm bên ngoài. Muốn tách giáo viên để dạy nâng cao thì phải có quỹ thời gian, ngắt một giai đoạn ra để đi nhanh hơn,” Thứ trưởng Hiển giảng giải.

Miễn thi 20%: Khống chế tỷ lệ để ngăn tiêu cực

Một vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi khác là việc Bộ dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh. Thứ trưởng Hiển cho biết việc để tỷ lệ chứ không nêu tiêu chí cụ thể là nhằm tránh các tiêu cực có thể xảy ra.

Thừa nhận cách kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa thực sự khách quan, Thứ trưởng Hiển cho rằng nếu đưa tiêu chí sẽ dẫn đến việc các trường nới lỏng để tăng số học sinh được miễn thi. Trong khi đó, khi khống chế tỷ lệ thì sẽ có sự cạnh tranh, cả học sinh, phụ huynh cùng quan tâm nên sẽ có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

“Ngay cả ở miền núi, số học sinh khá giỏi cũng trên 20% nên với tỷ lệ này sẽ chỉ có học sinh khá giỏi không được miễn thi chứ không có học sinh yếu kém mà vẫn được miễn thi. Cùng với quá trình chấn chỉnh ý thức, sự trung thực của giáo viên và học sinh, chất lượng kiểm tra đánh giá tăng lên thì tỷ lệ sẽ được điều chỉnh, thậm chí có thể để tiêu chí,” ông Hiển nói.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết, việc thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp Bộ mong muốn thực hiện khi có học sinh lớp 12 học theo chương trình mới để có tính đồng bộ hơn, nghĩa là không có thay đổi lớn trong một vài năm tới. Hiện đề án chương trình và sách giáo khoa mới sau 2015 đang được Bộ tích cực hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt.

Thời gian trước mắt, Bộ vẫn tiếp tục những đổi mới đã và đang làm trong kiểm tra đánh giá như tăng tính trung thực nghiêm túc, thay đổi cách ra đề tăng về vận dụng kiến thức kỹ năng đã học để giảm yêu cầu học thuộc máy móc giảm, tăng hướng kiểm tra năng lực phẩm chất đồng thời tiếp tục xin ý kiến nhân dân về đổi mới thi.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)