.

Đảng bộ Hưng Trạch nỗ lực vượt qua khó khăn

Thứ Ba, 09/08/2016, 06:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Là xã miền núi nghèo với xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực đổi mới công tác lãnh đạo, bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đề ra các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo địa phương nhờ đó đã có nhiều đổi thay rõ nét.

Kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến

Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo từng năm, từng khóa, đề ra nhiều giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Dựa vào thế mạnh là nông-lâm nghiệp, Đảng bộ Hưng Trạch tích cực vận động nhân dân trồng rừng, khuyến khích khai hoang phục hóa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ một cách hợp lý. Ngoài khả năng thâm canh một số cây trồng truyền thống như lúa, lạc, ngô... với năng suất bình quân luôn thuộc vào tốp đầu của huyện, trồng mới 300 ha rừng kinh tế, bà con còn tích cực trồng luân phiên theo mùa vụ các loại cây trồng khác như sắn, dưa hấu, ớt, đậu xanh... không chỉ mang lại hiểu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng phát triển vườn rừng bền vững.

Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học về chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn, giống mới năng suất cao cho bà con nông dân. Với tỷ trọng đạt 34,9%, lĩnh vực chăn nuôi của xã luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, bước đầu khẳng định đây là hướng đi đúng cần khuyến khích nhân rộng.

Hiện tại, toàn xã có khoảng 200 lồng cá, đàn trâu bò hàng năm đạt 2350-2500 con, đàn lợn đạt 2000-2500 con. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ và ngành nghề nông thôn của Hưng Trạch cũng phát triển khá, cơ sở vật chất được tăng cường đáng kể. Nhiều hộ gia đình đầu tư trang bị cơ khí, vận tải... tạo nên mạng lưới dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho hàng trăm hộ gia đình.

Với sự nỗ lực không ngừng, diện mạo Hưng Trạch đã có những đổi thay rõ nét.
Với sự nỗ lực không ngừng, diện mạo Hưng Trạch đã có những đổi thay rõ nét.

Từ những bước đi có tính căn bản quyết định, Hưng Trạch đã đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả hợp lý nên tổng sản lượng lương thực đã có sự chuyển biến, năm sau cao hơn năm trước, an ninh lương thực từng bước được bảo đảm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chất lượng giáo dục-đào tạo có nhiều chuyển biến; các trường học trên địa bàn đã triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp đặc thù, sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo được sự chuyển biến rõ nét và toàn diện về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Tỷ lệ con em đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được quan tâm đúng mức. Đời sống người dân đang từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn 15,2% (theo chuẩn mới)...

Vẫn còn không ít khó khăn

Với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế-xã hội của Hưng Trạch đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, với xuất phát điểm của một xã miền núi nông nghiệp nghèo, chặng đường phát triển của địa phương vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, nhất là với lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Qua trao đổi với đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết hiện tại lộ trình xây dựng nông thôn mới của Hưng Trạch vẫn đang trong quá trình “leo dốc” với nhiều “chướng ngại vật” khó vượt qua. “Đảng bộ, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới gồm: quy hoạch, điện, chợ, y tế, an ninh chính trị, hệ thống chính trị, nước sạch, nhà ở nông thôn và dự kiến trong năm 2016 sẽ đạt thêm 2 tiêu chí nữa là cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. 8 tiêu chí còn lại, chúng tôi xác định rất khó hoàn thành, nhất là tiêu chí giao thông và trường học”, ông Sơn cho biết.

Đối với tiêu chí đường giao thông nông thôn, do địa hình phức tạp với trên 60%  diện tích đồi núi, vùng đồng bằng nhỏ hẹp lại bị chia cắt bởi rừng, đồi khiến Hưng Trạch gặp vô vàn khó khăn trong xây dựng đường giao thông. Đặc biệt là hai thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 địa hình dốc, lại cách trở đò giang nên điều kiện đi lại của bà con trong vùng rất khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

Hiện tại, đa số các tuyến đường của xã đều là đường đất, bụi mù về mùa nắng, lầy lội về mùa mưa, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Bên cạnh tiêu chí đường giao thông, trường học cũng được đánh giá là một “cửa ải” đối với Hưng Trạch. Hiện tại, trên địa bàn xã có 2 trường THCS, 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non trung tâm, nhưng tất cả đều không đạt chuẩn theo tiêu chí, do đa phần được xây dựng đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống phòng chức năng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Đó là chưa kể đến nhiều điểm trường mầm non ở các thôn xa trung tâm đang chật vật với tình trạng học nhờ, học ghép. Thiếu địa điểm học, nhiều nhà văn hóa thôn trở thành lớp học mầm non với số lượng học sinh đông đúc cùng chen chúc trong một không gian nhỏ hẹp, xuống cấp. Ngoài ra, việc chuẩn hóa các tiêu chí khác như thu nhập, kênh mương thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... cũng đang làm Đảng bộ, chính quyền xã Hưng Trạch trăn trở, “đau đầu”.

Những khó khăn ở Hưng Trạch đã được “chỉ mặt đặt tên”, nhưng để giải quyết không phải là chuyện một sớm một chiều nếu không muốn nói là nan giải. Bởi lẽ, “chìa khóa” để “mở” các điểm rối này là nguồn vốn thì địa phương lại không thể đáp ứng được. Khả năng tài chính của địa phương eo hẹp, nguồn vốn huy động từ nhân dân không đáng kể do đời sống của bà con vẫn còn nhiều bấp bênh.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, thiết nghĩ hơn bao giờ hết, Đảng bộ, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vạch định kế sách phát triển lâu dài, tích cực xây dựng các chương trình, dự án thu hút vốn đầu tư, tài trợ từ nhiều phía; cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu cho gia đình, địa phương đồng thời động viên mọi người đoàn kết, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển...

Đ.V