.

Hiệu quả từ phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"

Thứ Tư, 03/08/2016, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” là một trong những phong trào thiết thực, ý nghĩa được các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh ta quan tâm thực hiện. Những kết quả sau 5 năm thực hiện (2011-2016) đã chứng minh được tính hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng của phong trào, tạo động lực giúp nhiều hội viên cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương, đồng thời góp phần giải quyết hữu hiệu bài toán giảm nghèo, phát triển kinh tế của nhiều địa phương trong tỉnh.

Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã phát động phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đến từng cán bộ, hội viên CCB. Để thực hiện, các cấp Hội đã tạo điều kiện khuyến khích hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa phong trào phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Cùng với các lớp tập huấn về vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Hội đặc biệt quan tâm đến các gia đình hội viên có hoàn cảnh, kinh tế khó khăn để giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Riêng chương trình phối hợp giữa Hội CCB và các ngân hàng đã tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế của nhiều hội viên.

Tính đến ngày 30-6-2016, có 432 tổ tiết kiệm vay vốn với 12.630 hộ vay, dư nợ 344.577 triệu đồng. Hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn vay vào mục đích sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các ban, ngành chức năng lồng ghép tổ chức được 175 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 7.385 lượt hội viên và hộ gia đình.

Các cấp Hội nắm vững thế mạnh, tiềm năng, xu hướng phát triển của từng địa phương để thông tin, vận động, hướng dẫn CCB chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và làm ăn có hiệu quả; động viên, tạo điều kiện để các hộ gia đình ở khu vực đô thị phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; ở khu vực nông thôn tích cực dồn điền, đổi thửa, phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình CCB ở miền núi, vùng gò đồi nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, nhận đất trồng rừng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội viên Hội CCB tích cực khai hoang, phục hoá, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể, nhất là những nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; phát triển các dịch vụ nghề cá, chế biến và đánh bắt xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.139 gia trại, 101 trang trại và 85 hợp tác xã do CCB làm chủ, tạo việc làm cho con em CCB và người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện.

Gặp lại những CCB trong thời bình, mặc dù tuổi đã không còn trẻ nữa nhưng tinh thần “thép” ngày ấy ở họ vẫn hết sức kiên định trong từng nếp nghĩ, việc làm. Với ý chí chiến đấu ngoan cường của thế hệ anh hùng trong thời chiến, ngày nay trong quá trình xây dựng cuộc sống mới những CCB lại luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế, người có giúp người khó.

Nhờ đó, trong những năm gần đây phong trào xóa đói giảm nghèo của các cấp Hội được tổ chức vững mạnh, giúp hội viên từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống. Qua 5 năm thực hiện phong trào, các chi hội, gia đình hội viên đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, hiệu quả của việc giúp nhau phát triển kinh tế, xem đó là nhiệm vụ quan trọng của Hội và gia đình hội viên, là tiêu chí xây dựng Hội toàn diện.

Để phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, các cấp Hội đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hội lấy kết quả thực hiện phong trào làm tiêu chí để đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức Hội, hội viên; coi trọng biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, gương người tốt, việc tốt để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện phong trào.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong cuộc sống với tinh thần “Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu biết vượt lên hoàn cảnh để vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo. CCB Đặng Xuân Lệ ở Quảng Châu (Quảng Trạch) là một điển hình.

Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, không khuất phục khó khăn, ông đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn, thuê đất đào ao nuôi tôm. Nhờ nắm vững được kỹ thuật cộng với sự cần mẫn, chịu khó, mô hình của ông đã nhanh chóng tạo được hiệu quả, cho thu hoạch hàng chục tấn mỗi năm. Hiện tại, ông làm chủ nhiệm HTX nuôi tôm với 43 hộ, giải quyết việc làm cho 90 lao động với mức lương bình quân 3-5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi, từ con số không họ đã gây dựng được cơ ngơi nhiều người mơ ước như CCB Nguyễn Xuân Thiết ở xã Hương Hóa (Tuyên Hóa), CCB Nguyễn Văn Hạnh ở Đại Trạch (Bố Trạch), CCB Trương Thanh Lơi ở Cảnh Dương (Quảng Trạch), CCB Cao Văn Hường (Minh Hóa), CCB Nguyễn Ngọc Lãnh (Quảng Ninh)...

Với sự nỗ lực phấn đấu, trong những năm qua, Hội CCB Quảng Bình đã góp phần xóa hết hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn 6,8%, hộ cận nghèo còn 9,25%. Để phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống; động viên hội viên tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế theo khả năng của mình; đẩy mạnh các phương án sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả cao hơn trên tinh thần làm giàu cho mình, cho quê hương.

Đ.V