.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đăng đàn về nhiều vấn đề "nóng"

Thứ Bảy, 13/06/2015, 10:59 [GMT+7]

Chiều 12-6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) về giải pháp thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc triển khai cơ sở vật chất; trang thiết bị; tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục; tổ chức quản lý nhà trường, quản lý ngành là những nội dung quan trọng, cần triển khai thực hiện đồng bộ.

Không được phép coi nhẹ lĩnh vực nào. Kinh nghiệm triển khai cho thấy con người là yếu tố quan trọng nhất. Trong nhà trường, thầy, cô giáo là yếu tố quyết định nhất trong đổi mới giáo dục, vì vậy, cần chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục.

Quan tâm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chủ trương dạy thử nghiệm các nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Liệu kết quả do chính tác giả thực hiện và công bố có bảo đảm tính chính xác, khách quan không khi kết quả đó chịu sự cạnh tranh? Làm sao để cử tri yên tâm về chất lượng của chương trình sách giáo khoa mới?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hai vấn đề. Việt Nam chỉ có một bộ chương trình giáo dục thống nhất trong cả nước, Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thực hiện. Có nhiều sách giáo khoa khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được giao chủ trì biên soạn một bộ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong cả nước tổ chức biên soạn sách giáo khoa khác.

Việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa này theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đổi mới, có kế thừa những thành tựu, tinh hoa đã được thực tiễn khẳng định, bổ sung các nội dung còn thiếu, loại bỏ quá tải và những điều không cần thiết đối với quan điểm giáo dục mới. Do vậy những nội dung cũ đã thực hiện nhiều năm vẫn tốt sẽ được giữ lại, không cần thực nghiệm nữa.

Những nội dung mới bổ sung cần quá trình thực nghiệm. Quá trình thực nghiệm giao cho tập thể tác giả triển khai vì là người viết nên các tác giả hiểu. Việc này không được các tác giả thực hiện một mình mà có một cơ chế, có các hội đồng gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý chuyên ngành giáo dục và các lĩnh vực có liên quan đánh giá, Việc trực tiếp thao tác, triển khai trên thực tế sách giáo khoa do các tác giả viết sẽ được giảng dạy trên lớp, đồng thời sẽ có cơ chế để đánh giá khách quan những tổ chức, cá nhân có nghiên cứu, triển khai công tác này.

Đối với việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu khoa học, xã hội học cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa theo vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) đặt ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia là một trong những yêu cầu của quá trình triển khai Việc nghiên cứu để đi đến những nội dung, ý tưởng của đổi mới căn bản giáo dục đào tạo để làm tài liệu trình lên Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong và ngoài nước (các nhà khoa học quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam đang học tập nghiên cứu ở nước ngoài).

Quá trình tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của các nước đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, nhà giáo của Việt Nam và quốc tế, các Bộ Giáo dục trên thế giới. Cơ chế này sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng trong hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tổ chức kỳ thi quốc gia tạo thuận lợi tối đa cho học sinh

Trả lời băn khoăn của đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đối với việc thay đổi phương thức chấm thi tốt nghiệp phổ thông năm 2015 liệu có dẫn đến thay đổi kết quả thi của học sinh hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: Việc chấm và coi thi đã có quy chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến việc có barem điểm để trong quá trình thi được thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thi là hoạt động giáo dục quan trọng, không có chỗ cho hoạt động không trung thực, phá hoại quá trình giáo dục nhân cách cho học sinh. Bộ đã họp, quán triệt với hiệu trưởng các trường đại học và Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về cách thức tổ chức kỳ thi.

Bộ trưởng nhắn gửi đến các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học hãy yên tâm ôn tập, cố gắng làm bài tốt, bởi, các thầy cô luôn trân trọng, ghi nhận kết quả học tập của các em. Mục tiêu của đổi mới không phải tạo ra cú sốc mà tạo sự biến chuyển tốt về chất lượng giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương về đổi mới kỳ thi quốc gia kết hợp với tuyển sinh đại học và trung học phổ thông đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, cách tổ chức thi theo cụm lại chưa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ cách tổ chức thi theo cụm có tác động gì đến tỷ lệ học sinh đăng ký thi quốc gia thấp ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc? Quy định như vậy có lấy đi cơ hội vào đại học của các em không?

Giải thích về cách thức thi theo cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Có hai loại cụm thi. Thứ nhất dành cho các em chỉ có nhu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông thi tại địa phương. Về cơ bản, các em không có khó khăn gì so với trước khi đổi mới kỳ thi này. Với các học sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học, trước đổi mới, các em phải lên thành phố lớn hoặc về bốn cụm thi với quãng đường xa, vất vả. Giờ khoảng cách các em phải đi gần hơn vì đã Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bố trí thành 38 cụm thi. Thay đổi này giúp các em và gia đình của mình không vất vả, giảm số lần đi, số lần thi.

Về cơ chế chính sách đối với học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay nhận thức được việc đào tạo cán bộ cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc là một nhiệm vụ chính trị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định chế độ ưu tiên điểm, khu vực, đối tượng cho các em ở vùng dân tộc miền núi; tổ chức các chương trình dự bị, chương trình bổ túc giúp các em nắm chắc kiến thức, có thể học đại học.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quán triệt các thầy cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cần nhận phần khó khăn về phía mình, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Khi các em có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học mới phải cân nhắc, lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển. Đối với các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký lấy kết quả thi xét tuyển đại học vẫn có cơ hội vào học Đại học.vBởi, thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng của mình. Năm nay có trên 150 trường đại học, cao đằng có phương án tự chủ tuyển sinh, vì vậy các em hoàn toàn có cơ hội để vào các trường đại học sau khi có kết quả tốt nghiệp tốt.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) về việc lo lắng nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình thi theo cụm, Bộ trưởng khẳng định: việc tổ chức thi theo cụm đã được triển khai 13 năm tại 3 cụm là Cần Thơ, Qui Nhơn và Vinh. Cách đây 3 năm, Bộ đã tổ chức thêm cụm thứ tư là Hải Phòng.

Năm nay, Bộ triển khai thi tại 38 cụm trên cả nước. Để triển khai tốt, lãnh đạo Bộ đã có quá trình làm việc, khảo sát và có nhiều buổi trao đổi với địa phương. Đến nay, qua báo cáo cho thấy Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, các sở, ban, ngành cũng tích cực tham gia để chủ động bố trí điều kiện phục vụ tốt nhất cho thí sinh; nhiều tổ chức chính trị xã hội cũng tham gia vào việc hỗ trợ tiền, chỗ ở... Tất cả các vấn đề trong quá trình tổ chức thi tại các cụm đã được lường trước và có giải pháp để thực hiện.

Với những lo lắng về vấn đề không công bằng tại các cụm thi của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Bộ trưởng cho biết có 2 giải pháp chính để giải quyết vấn đề là cần có qui chế qui định rõ ràng, cụ thể, chi tiết về những việc phải làm, những việc được làm, những việc không được làm. Cùng đó, đề thi phải có thang điểm chi tiết (trước đây là 0,4 điểm và hiện dự kiến là chi tiết đến 0,8 điểm).

Như vậy, việc chấm bài thi sẽ thống nhất và không có sự khác biệt. Bên cạnh đó, các Hội đồng thi và Bộ sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra, phúc tra các hoạt động thi cử. Hoạt động thanh kiểm tra này không chỉ diễn ra trước, sau và trong kỳ thi mà còn tiếp tục ngay cả trong quá trình các em vào học.

Hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất của con người

Liên quan đến việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét tại kỳ thi học kỳ và kỳ thi cuối năm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định đây là bước chuyển phù hợp đang được triển khai ở các nước có nền giáo dục phát triển. Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các em từ chỗ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế trong quá trình triển khai thí điểm thực nghiệm trong ba năm tại trên 1.000 trường. Tuy nhiên trong quá trình triển khai trong năm qua, xuất hiện một số trục trặc nhỏ: có trường đánh giá khắt khe, có trường đánh giá rộng rãi, có nhiều gia đình không biết kết quả học tập của con em mình... Việc triển khai mới là bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chấn chỉnh.

Theo kết quả thăm dò của các phương tiện truyền thông cũng như sự theo dõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học giúp tình trạng học thêm, dạy thêm đã giảm đi theo đúng yêu cầu của Kết luận số 51 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI về Đề án “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Đổi mới này cũng cân chỉnh lại động lực học tập của các em; tránh việc phân loại các em, không gây cho học sinh yếu, kém có mặc cảm tự ti, dẫn đến chán học, bỏ học, các em được điểm giỏi không chủ quan, dẫn đến tự mãn, mất động lực học tập. Tất cả các vướng mắc đang được khắc phục bằng phương thức mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lắng nghe, phân tích các yếu tố để có biện pháp điều chỉnh, tập huấn đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp để công việc thực hiện một cách đồng bộ, giải quyết các vướng mắc đã diễn ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Giải đáp ý kiến của đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) về việc triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học khiến công việc của giáo viên nặng lên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Có 3 lý do dẫn đến thực trạng này; đó là do lớp học có sỹ số đông với khoảng 45-50 học sinh nên các thầy cô phải quan tâm đến từng cháu và khối lượng công việc tăng lên. Do Thông tư mới được triển khai nên cô giáo, thầy giáo còn nhiều bỡ ngỡ chưa quen dẫn đến vất vả hơn.

Đồng thời, Bộ đã có quyết định hủy bỏ một số qui định cũ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc tại cơ sở; một số thói quen cũ cũng chưa thay đổi kịp thời. Để giảm những công việc hành chính không cần thiết cho giáo viên, Bộ đang tiếp tục có những chấn chỉnh để thầy cô chỉ tập trung vào những công việc chính là hướng dẫn, tư vấn, giảng dạy cho học sinh. Như vậy, công việc của thầy cô sẽ nhẹ đi.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Thông tư 30 tại nhiều tỉnh miền núi, tại nhiều trường đông học sinh và thầy cô người dân tộc. Kết quả cho thấy, ở những trường càng vùng khó khăn thì việc triển khai Thông tư này càng nhẹ nhàng và hiệu quả mặc dù vẫn còn những bỡ ngỡ ban đầu.

Theo Phúc Hằng-Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)