.

Hơn 20 năm sống trong lô cốt

Thứ Năm, 08/01/2015, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong căn lô cốt gần trăm năm tuổi có một người đàn ông tâm thần vẫn ngày ngày sống ẩn dật qua bao mùa mưa nắng. Nơi đó đã trở thành “mái nhà” che mưa, che nắng cho ông suốt hơn 20 năm qua. Nhìn phận người xác xơ bên trong lô cốt chật chội ấy, ít ai biết ông cũng đã từng là người thành đạt. Nhưng rồi chỉ trong chốc lát, nhiều sóng gió cuộc đời ập đến, người đàn ông ấy hóa điên dại. Ông là Lê Minh Lương ở thôn Đại Nam 1, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch.

Đã từng nghe câu chuyện về người đàn ông hơn 20 năm sống trong lô cốt khiến chúng tôi bán tín, bán nghi rồi quyết định tìm đến ông. Theo anh Phạm Văn Hiển - một người thanh niên địa phương đi qua mấy đoạn dốc quanh co, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được nơi người đàn ông trú ngụ. Đó là một lô cốt cũ kỹ nằm lẩn khuất trong đồi bạch đàn mà người dân địa phương gọi là Cồn Trụm. Xung quanh đó còn có đến 4 - 5 lô cốt được thực dân Pháp xây dựng gần trăm năm trước. Trong đó, cái lô cốt to nhất được ông Lương chọn làm nơi tá túc suốt hơn 20 năm qua.

Sơ yếu lý lịch Đảng ghi lại những tháng năm làm việc của ông Lương.
Sơ yếu lý lịch Đảng ghi lại những tháng năm làm việc của ông Lương.

Theo sơ yếu lý lịch Đảng ghi lại, học xong cấp 3 (năm 1973), ông Lê Minh Lương được cử đi học Trường trung học hải sản ở Hải Phòng. Tốt nghiệp xong, năm 1978 ông được điều về Phú Khánh (Khánh Hòa) công tác. Tháng 8- 1978, ông làm thợ máy trên tàu viễn dương 401, rồi lên chức máy phó, máy trưởng tàu 401, 902, 141. Sau đó giữ chức Bí thư Chi đoàn I, Bí thư Chi bộ tàu 401. Trong thời gian này, ông lập gia đình với một người phụ nữ quê gốc Quảng Trị rồi sinh được 1 người con trai và 1 người con gái. Khi công việc đang thăng tiến, gia đình hạnh phúc, kinh tế có của ăn của để thì cũng là lúc tai họa ập đến.

Ông Lê Minh Thắng, em trai ông Lương kể: “Khoảng năm 1988, anh Lương đang làm nhiệm vụ trên tàu viễn dương 401 thì có người con trai ông tổng giám đốc đi buôn hàng trái phép và để hàng dưới gầm tàu. Thấy bất thường, anh Lương đã phản đối quyết liệt hành động kia thì ông giám đốc vu oan nói là anh Lương chứa hàng lậu trên tàu. Trước lời “cáo buộc” trên, họ đã “giam lỏng” anh trai tôi hai năm trời không phân việc”. Sau sự việc đó, gia đình ông cũng tan nát khi đứa con trai lớn mất đột ngột. Bế tắc trong cuộc sống, vợ chồng ông quyết định ly hôn. Người vợ bồng đứa con gái bỏ đi biệt xứ, đến nay chưa một lần gặp lại. Không chịu đựng nổi trước những cú sốc quá lớn, ông đổ bệnh rồi hóa điên, hóa dại rồi bắt đầu những chuỗi ngày dài sống trong đau khổ.

Sau khi sóng gió cuộc đời ập xuống, bệnh thần kinh của ông ngày càng nặng. Vậy là ông phải trở về quê sống cùng người cha già. Chừng một năm sau thì bố ông mất, người đàn ông ấy đi lên lô cốt bỏ hoang trên đồi bạch đàn sống cho đến nay. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được căn nhà đặc biệt của ông bởi theo như lời người thanh niên đi cùng thì “dù không được tỉnh táo nhưng ông chưa bao giờ cho người lạ bước vào lô cốt ấy”. Xung quanh không gian sống của ông, có không ít những loại cây ăn quả đang bắt đầu kết trái. Anh Hiển bảo: “Cứ những lúc tỉnh táo là ông lại trồng cây, đó cũng là thức ăn của ông trong những ngày đói, rét”.

 Ông là Lê Minh Lương đã sống trong lô cốt hơn 20 năm nay.
Ông  Lê Minh Lương đã sống trong lô cốt hơn 20 năm nay.

Trước mắt chúng tôi là người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, gầy ốm đang ngồi bên bếp lửa sưởi ấm trước cửa lô cốt. Bên cạnh ông là một vài chiếc nồi, can nhựa, bát đựng thức ăn đã cũ kỹ, méo mó. Tôi cúi người lách qua khe cửa hẹp vào bên trong không gian sống của ông. Đó là “căn phòng” tối om, rộng chừng 6m2. Trong đó, ông Lương chỉ đặt một cái chõng tre nhỏ, 2 bộ quần áo cũ kỹ, sờn bạc. Chai nhựa, túi ni long nằm ngổn ngang, rải đều khắp mặt sàn. Đó là tất cả những “tài sản” đồng hành giúp ông chống chọi lại mưa nắng suốt hơn 20 năm qua.

Những người dân sống quanh khu vực Cồn Trụm cho biết, mấy năm trở lại đây, bệnh tình của ông cũng đã thuyên giảm đi nhiều, ít khi thấy ông lên cơn điên dại rồi lẩm bẩm chửi rủa như các năm về trước. Anh em, bà con thuyết phục ông về nhà họ sống nhưng ông vẫn quyết bám trụ lại lô cốt chật chội ấy. Để sống được mấy chục năm qua, ngoài tiền trợ cấp xã hội, ông đi mò cua, bắt ốc, đơm cá và trồng rau màu đem ra chợ bán. “Ai mua gì thì bán, ai bán gì thì mua chứ nhất định không lấy của ai cái gì, chẳng bao giờ gây gổ với ai”, một người hàng xóm của ông Lương cho hay.

Nhìn người đàn ông tội nghiệp ngồi cô độc trong khoảng không gian chật hẹp, ẩm thấp, chúng tôi chợt thấy thương cảm. Đống tro tỏa khói trước cửa lô cốt không đủ để người đàn ông ấy sưởi ấm khi cái lạnh tràn về. Ban ngày còn đỡ, nhưng khi đêm về, không gian chật hẹp không đèn điện ấy trở nên u tịch, đáng sợ hơn giữa vi vút rừng bạch đàn. Bà Nguyễn Thị Hợi, Trưởng thôn Đại Nam 1 nói: “Hoàn cảnh của ông Lương thì ai cũng biết và thương ông lắm. Ở một mình nhưng ông cũng không làm phiền ai, không xin ai. Ai cho của cải chi ông cũng không lấy. Nhiều khi các cấp chính quyền, thôn và người dân trong thôn đến thăm tặng quà nhưng ông vẫn không nhận”.

Chia tay ông, chúng tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh người đàn ông gầy gò trong bộ quần áo đã cũ rách, đôi mắt nửa hoang dại, nửa như đang ưu tư nhìn về nơi xa thẳm. Có một phút giây nào đó, khi tỉnh táo lại, nhớ về những ngày tháng đã qua, đối diện với cuộc sống khốn khó hiện tại, chắc hẳn ông sẽ thấy đau lòng lắm. “Chỉ mong ông trở về nhà sống, chứ tuổi cao, sức yếu mà sống một mình trong rừng bạch đàn đó thì không biết chuyện không may chi sẽ xảy ra”, người thanh niên đi cùng chúng tôi trăn trở.

Xuân Vương- Diệu Hương