.

Nhớ tiếc nét quê

Thứ Bảy, 08/02/2014, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Giếng nước làng tôi giờ chẳng còn ai gánh để có thể thấy được cái gót chân trắng hồng của thôn nữ. Về làng, cứ thấy như tiếc nuối một cái gì đó không thể gọi tên.

Làng tôi là làng góp, chúng tôi thuộc thế hệ thứ 3 của những người dân di cư tới đây. Ngày trước, những tiếng "dân ngụ cư" nghe xót lắm. Những người di dân như ông tôi luôn bị khinh rẻ bởi vì nghèo hơn dân gốc ở đây. Ở lâu dần mãi cũng quen. Khi cả nước đi đánh Mỹ, trai trẻ lên đường tòng quân, ở nhà rặt người già và phụ nữ, trẻ con. Cái tư tưởng khinh thường "dân góp" mới dịu bớt đi.

Làng tôi dựng bên gốc đa già. Nó có từ đời nào chẳng ai biết. Chỉ biết rằng khi chúng tôi bắt đầu biết chăn trâu cắt cỏ thì cây đa đã già lắm rồi. Tán lá sum suê che mát một góc sân hợp tác xã. Thân cây đã nổi u nổi cục, đầy lỗ sầu. Gốc đa là chỗ hóng mát của bà con trong làng mỗi khi đi làm đồng về. Bao nhiêu chuyện phân tro, giống má đều được mang ra dưới gốc đa mà bàn.

Quê tôi. Ảnh: P.V
Quê tôi. Ảnh: P.V

Đó cũng là nơi nghỉ chân của những đám ma từ làng ra nghĩa địa. Cứ mỗi người nằm xuống, chiếc xe hòm đưa ra tới gốc đa thì dừng lại. Cứ như thể để người ra đi được chào làng xóm lần cuối. Cứ thế, cây đa như chứng nhân cho sự phát triển đi lên của làng tôi, cho quy luật của sinh lão bệnh tử một đời người.

Bà tôi kể, thi thoảng vài năm lại có một người ngã từ cành đa xuống. Cứ nhìn những chân hương cắm quanh gốc cây hay cắm vào lỗ sầu ngày rằm, mùng một cũng khiến chúng tôi hãi mà chẳng dám trèo lên. Cái truyền thuyết về "ma cây đa" ấy cũng được các cụ dẫn chứng bằng chiếc chân đi tấp tểnh của chú Khoái.

Chẳng là chú Khoái không chịu tin vào chuyện "ma cây đa". Ngày rằm, chú hiên ngang đứng dưới gốc đa mà tiểu. Thế rồi về ốm một trận thập tử nhất sinh, thuốc thang mãi mới khỏe nhưng cái chân bị thọt từ đấy. Tôi chẳng biết có ma cây đa hay không nhưng cái chân thọt của chú Khoái thì đúng là có thật.
Đến mùa, quả đa chín mọng. Phần vì cây to quá, phần vì sợ "ma cây" nên chẳng đứa nào dám trèo lên.

Bọn trẻ con chúng tôi chỉ dám đứng dưới gốc ngửa cổ rồi lấy dép ném. Mùa đa chín, cũng là mùa gió Lào. Qua một đêm, gió quật quả rụng kín gốc cây. Chúng tôi rủ nhau đi trâu thật sớm, chỉ để nhặt quả rụng ăn. Đến tận bây giờ, cái vị ngọt ngọt chua chua của nó vẫn như đọng đầu lưỡi.

Rồi theo quy luật tự nhiên, cây đa làng đã mục ruỗng hết ruột bỗng đổ ụp xuống trong một chiều gió Lào nổi như bão khan. Làng mất cây đa từ đó. Người ta trồng một cây sanh vào đúng chỗ gốc đa ngày trước. Tuy vậy, về làng cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Cây đa mất nhưng giếng nước vẫn còn.

Hồi trước nó như một cái ao, đầy rong rêu nhưng nước thì luôn trong vắt. Người làng tôi bảo chưa bao giờ cái giếng này cạn nước, dẫu có khô hạn đến thế nào đi nữa. Bước chân người lên xuống gánh nước chẳng biết mòn bao nhiêu bến đá nhưng nước vẫn cứ trong vắt từ đời này sang đời khác. Lấy thứ nước trong giếng mang về nấu nước chè thì chẳng có gì bằng. Bát nước xanh ngắt, sóng sánh.

Tuổi thơ của chị em tôi là những lần gánh nước về dùng. Hai đứa bé lũn cũn, thòng cái thùng vào đòn gánh, mỗi đứa mỗi đầu gánh về nhà, mỗi lần chỉ gánh được nửa thùng. Rồi cái tuổi thiếu nữ của chị tôi được đánh dấu bằng một đôi thùng đầy nước. Từ đó, tôi không phải ghé vai vào một đầu gánh kia nữa.

Cuộc sống khấm khá lên, người ta khoan được giếng Unicef, rồi xây bể đựng nước mưa, chẳng mấy ai còn dùng đến nước giếng. Mẹ tôi cũng thôi om chè xanh bằng nước giếng. Rồi người ta nạo vét, khơi giếng rộng ra, xây bờ bao xung quanh. Cha tôi bảo người ta giữ lấy cái giếng như giữ lấy cái hồn của làng quê.

Giờ về làng, đường bê tông hóa rộng đến 3m, ô tô vào được tận ngõ, nhà tầng, mái che... nhưng cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Cây sanh chẳng lớn kịp để thay thế cây đa. Bóng nó cũng chưa đủ lớn để người làng tôi nghỉ mát những trưa hè làm đồng, để bàn với nhau câu chuyện đồng áng. Giếng nước giờ chẳng còn ai gánh để có thể thấy được cái gót chân trắng hồng của cô thôn nữ. Về làng, cứ thấy như tiếc nuối một cái gì đó không thể gọi tên.

Tản văn của Vĩnh Khang