.

Hát cùng mùa xuân đất nước

Thứ Hai, 10/02/2014, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa xuân là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhạc sĩ với những âm thanh rạo rực, trong sáng và tươi đẹp.

Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Bài ca dâng Đảng, mừng xuân” ở phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới). Ảnh: P.V
Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Bài ca dâng Đảng, mừng xuân” ở phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới). Ảnh: P.V

Từ những ca khúc đầu tiên như bài Đàn xuân của Lê Thương; Nắng tươi và Xuân về của Hoàng Quý đến những bài gần đây của các nhạc sĩ trẻ như Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu; Hoa cỏ mùa xuân của Bảo Chấn,... chúng ta thấy mùa xuân như ngày càng tươi sáng hơn, rạo rực hơn và lạc quan hơn.

Chính vì mùa xuân luôn gắn liền với sự trưởng thành của lịch sử dân tộc ta, từ bùn lầy nô lệ đã đứng lên đấu tranh kiên cường và bền bỉ để giành lại độc lập tự do, vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập.

Nhớ lại những năm của nửa đầu thế kỷ trước, trong bóng đêm nô lệ, Đảng ta đã ra đời cùng một mùa xuân mới, như cánh én báo tin xuân cho cách mạng Việt Nam. Mùa xuân trong tâm hồn nhạc sĩ như cũng đã được chắp cánh, reo vui trên những cung bậc âm thanh mới ngân vang. Trong Xuân về của Hoàng Quý: "Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm, Bao chim hót trong mây, xuân về trong khóm cây"; trong Xuân và tuổi trẻ của La Hối: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống - Xuân về với ngàn hoa tươi thắm. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng"...

Với một sức sống mới tràn trề của mùa xuân, cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã đứng lên giành độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đảng, Bác Hồ không chỉ "cho ta sáng mắt sáng lòng", mà còn mang lại cho dân tộc ta cả mùa xuân mới huy hoàng: "Đảng đã cho ta cả mùa xuân", đấy là câu hát không phải chỉ riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên, mà là câu hát chung cho mọi người dân Việt Nam chúng ta, là tấm lòng biết ơn thành kính đối với Đảng và Bác Hồ suốt dặm đường dài lịch sử.

Cuộc đấu tranh cách mạng một mất một còn để giành lại mùa xuân thắng lợi, đã đem đến những âm thanh hùng tráng nở rộ trong một loạt ca khúc của các nhạc sĩ, mà cảm hứng mùa xuân đầy ắp qua ca từ của các bài hát. Đó là "Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng" trong Bài ca hy vọng của Văn Ký; "Chim giăng giăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay" trong Tình ca của Hoàng Việt; "Xuân về rồi tươi thắm noọng ơi" trong Bài ca gửi noọng của Nguyễn Tài Tuệ; "Hạt sương thấm ướt cành đào, tưởng như ta đã lạc vào động tiên" trong Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý; Bùi Đức Hạnh với bài Tình ca Tây Bắc: "Đất nước hoà bình, hạnh phúc ta như mùa xuân",...

Nhưng hoà bình chưa yên vui được bao lâu, bom đạn của kẻ thù đã làm sạm khói mùa xuân. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bùng nổ, quân và dân cả nước phải hành quân ra trận, quyết chiến quyết thắng với kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài hát mùa xuân lại vang lên khắp tiền tuyến đến hậu phương, từ vùng núi tới đồng bằng, với tiết tấu rắn rỏi, vững chắc, giai điệu trầm hùng, nâng bước những đoàn quân ra trận, mà từ tiêu đề bài hát đến ca từ cũng đã thể hiện được điều đó.

Bài Cùng hành quân giữa mùa xuân của Hoàng Hà; hay "Ta đi giữa mùa xuân trên đường ra trận" trong bài Ta ra trận hôm nay của Văn An; bài Xuân chiến khu của Xuân Hồng; hoặc "Chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá nguỵ trang" và "Lòng người đang độ mùa xuân. Trào dâng niềm vui đánh Mỹ dẫu hiểm nguy em không nề" trong bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ,...

Chúng ta còn gặp hình ảnh người chiến sĩ và mùa xuân rất nhiều, rất nhiều trong các tác phẩm âm nhạc: "Đi đầu quân, đi trong mùa động viên. Đi đầu quân, đi trong mùa xuân mới có lá reo" trong bài Lá xanh và "Đường xa chân đi vui bước, lòng xuân thêm bao thắm tươi" trong bài Nhạc rừng của Hoàng Việt; "Ơi! Những mùa xuân đẹp nhất! Trên đường kháng chiến hoa nở sáng rừng" trong bài Người chiến sĩ ấy của Hoàng Vân; hay "Đi ta đi những trai làng Phù Đổng. Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân" trong Bài ca Trường Sơn - nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng, để rồi chúng ta có được "Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân. Ta đi giữa tình thương của Đảng. Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim", cho một nước "Việt Nam! Qua từng bước gian lao lớn lên rồi đẹp những mùa xuân" trong bài Đường chúng ta đi - nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách,...

Giai điệu mùa xuân đã reo vui, vang vọng khắp non sông đất nước ta và cả bè bạn năm châu, qua tác phẩm âm nhạc Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng của nhạc sĩ Hoàng Vân, do nghệ sĩ Bích Liên trình bày trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam sau chiến thắng Mậu Thân 1968, để rồi thừa thắng xông lên trên khắp các mặt trận, các chiến trường, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành lại mùa xuân huy hoàng. Cả nước ca vang "Việt Nam - Hồ Chí Minh" trong bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng cùng với Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, trong niềm vui chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước đã được thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước hân hoan trong niềm vui hòa bình, thi đua xây dựng và đổi mới không ngừng. Mùa xuân mới, trọn vẹn, như là biểu tượng sự hồi sinh của dân tộc sau hai cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ và oanh liệt. Âm nhạc lại vang lên những giai điệu mới mẻ. Các nhạc sĩ đi qua chiến tranh như trẻ lại cùng mùa xuân mới. Chúng ta đã có rất nhiều bài hát mùa xuân như: Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao; Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó của Trần Chung; Mùa xuân trên những giếng dầu và Tình khúc mùa xuân của Phạm Minh Tuấn; Trị An âm vang mùa xuân và Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập; Tình ca trên những công trình mới của Phó Đức Phương; Tình ca mùa xuân và Một mùa xuân nho nhỏ - Nhạc Trần Hoàn, lời thơ Thanh Hải,...

Trong hòa bình, dựng xây đất nước, những ca khúc mùa xuân của các nhạc sĩ ngày càng tràn ngập những giai điệu trẻ trung, nồng cháy về tình yêu và tuổi trẻ, như các bài: Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng và Song Hảo; Lời tỏ tình mùa xuân của Thanh Tùng; Hơi thở mùa xuân của Dương Thụ; Tạm biệt chim én của Trần Tiến; Hoa cỏ mùa xuân của Bảo Chấn, Giọt mưa mùa xuân của Trương Ngọc Ninh, hay Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu,...

Và, chúng ta cũng không thể kể hết hàng trăm, hàng nghìn bài dân ca lời mới của các tác giả âm nhạc dân gian mà chúng ta đã được biết, được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đã song hành cùng với những mùa xuân đất nước suốt dặm đường dài lịch sử của dân tộc.

Có thể nói, ca khúc mùa xuân hay nói rộng hơn là âm nhạc mùa xuân không những đã làm trẻ lại hồn người, trẻ lại đất trời mà còn làm trẻ lại cả nền ca khúc phong phú và đa dạng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam vô cùng quý báu của chúng ta.

Dương Viết Chiến