Sức sống nội sinh nhìn từ lễ hội cầu ngư xã Nhân Trạch

Cập nhật lúc 07:21, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Giữa tiết trời nắng mới của mùa xuân, khi trăm hoa đua nhau khoe sắc, lá biếc đâm chồi thì cư dân vùng biển xã Nhân Trạch lại rộn ràng bước vào mùa lễ hội. Lễ hội cầu ngư hình thành từ rất sớm cùng với sự thành lập của cộng đồng dân cư. Làng An Nhơn Nam (tên gọi xưa của xã Nhân Trạch) đã có lịch sử hơn 600 năm.

Nhân Trạch là một xã vùng biển, vì thế đời sống nhân dân từ xưa đến nay dựa vào nghề đánh bắt, khai thác các nguồn lợi thủy sản. Lễ hội cầu ngư  thuộc loại hình lễ hội “cầu yên” truyền thống phổ biến của dân tộc ta. Lễ hội mang những bản sắc riêng độc đáo trong cả thời điểm hình thành lẫn quá trình vận động và phát triển. Sức sống nội sinh là mạch nguồn chủ yếu. Lễ hội đã bắt đầu từ truyền thuyết Thần Ngư thường diễn ra vào ngày 20, tháng giêng (âm lịch) hằng năm.

Cầu ngư là lễ hội khá chỉnh gồm cả phần lễ và phần hội, có sự kết hợp hài hòa mang sắc thái riêng trên cơ sở những giá trị nguyên gốc. Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tri ân những người có công với làng xã, tưởng nhớ những người gặp tai nạn trên sông nước...

Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Ảnh: P.V
Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Ảnh: P.V

Phần lễ gồm có nghi lễ đại tế và đám rước. Quy trình thực hiện đúng quy cách thể hiện được tính nguyên bản vốn có từ xưa của lễ hội. Công tác tổ chức bài bản, có nhà lễ, đọc khánh chúc, phường âm nhạc, trình diễn dân ca dân vũ (múa bông, chèo cạn). Phần hội là hoạt động diễn ra trong và sau phần lễ, có phần trình diễn dân gian truyền thống như: chèo cạn, múa bông. Trong chèo cạn có nhiều mái hò được thể hiện bao gồm hò mái ba, hò mái khoan, hò mái nện, hò mái dài mang sắc vị riêng của cư dân vùng biển. Mỗi làn điệu có những cung bậc tiết tấu khác nhau, mô tả cách điệu quá trình ra khơi của ngư dân trong hoạt động đánh bắt. Kết hợp với chèo cạn là trình diễn múa bông.

Múa bông thường đi đôi với chèo cạn, bổ sung và nâng cao nhau. Múa bông là loại hình múa thuần túy, không hát, không lời mà chỉ có trống đệm là chủ yếu. Các trò chơi truyền thống có trong lễ hội bao gồm: cõng nhau táp xà lam, bịt mắt đút bánh, cướp ve, kéo dây, đánh đu... Các trò chơi diễn ra dưới sự cổ vũ không ngớt, tiếng trống rộn rã, tiếng cười nói vang dậy.  Ở đó không đặt nặng thắng thua mà chỉ để mua vui, có tác dụng rèn luyện sức khỏe, thể lực, tạo nên sự phấn khởi, hồ hởi. Trong mùa lễ hội không thể thiếu đua trải trên sông Dinh. Đua trải cầu siêu tịnh độ cho những vong hồn người tử nạn trên sông nước.

Lễ hội cầu ngư có một sức sống mãnh liệt tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử, gắn liền với cộng đồng dân cư vùng biển xã Nhân Trạch. Lễ hội xuất phát từ hoạt động nghề biển, nhân dân sống dựa vào biển. Như vậy nguồn gốc hình thành lễ hội từ hoạt động nghề nghiệp của địa phương. Chủ thể văn hóa của lễ hội đã tạo nên sức sống trường tồn với sự vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong khoảng những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lễ hội cầu ngư bị gián đoạn, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó vào năm 2003, Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch được thành lập, sớm trở thành hạt nhân tích cực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của lễ hội cầu ngư.

Từ những ngày đầu thành lập đến nay đã có hàng chục hội viên đều là những nghệ nhân, người có kinh nghiệm, “những di sản văn hóa sống” hoạt động tích cực, hiệu quả. Các nghệ nhân đã tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, phục dựng lại nhiều trò chơi dân gian. Các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống cũng được sưu tầm từng bước phổ quát, truyền bá rộng rãi, sáng tạo nên những làn điệu, lời mới làm phong phú và đa dạng thêm các loại hình biểu diễn trong lễ hội. Câu lạc bộ cũng tự vận động quyên góp sắm sửa các nhạc cụ, trang phục, gây dựng quỹ phục vụ trong lễ hội cầu ngư. Những đóng góp to lớn của câu lạc bộ được ghi nhận xứng đáng. Nhiều giấy khen, bằng khen của các tổ chức, chính quyền trao tặng, đặc biệt bà Phạm Thị Niếu là một trong ba nghệ nhân văn hóa dân gian Việt Nam đã được công nhận tại tỉnh ta.

Lễ hội cầu ngư xã Nhân Trạch mang những giá trị văn hóa truyền thống có tính bền vững. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội ngày càng chắt lọc thêm nhiều tinh hoa tốt đẹp, đào thải đi những mê tín, hủ tục lạc hậu. Lễ hội dần có sức lan tỏa sâu rộng, là điểm đến thú vị của bao du khách thập phương trên quê hương giàu truyền thống văn hóa.

                                                                           Mai Thế Trung
                                                                 (Bảo tàng tổng hợp tỉnh)


 

,
.
.
.