Những bài học ngoài sách giáo khoa

Cập nhật lúc 07:34, Thứ Ba, 12/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) -  Học xong lớp 7 tôi suýt nữa phải ở nhà. Ba tôi bảo: “Nhà miềng nghèo, mạ con mất sớm, các em đông, con nghỉ học kiếm việc chi đó mà làm”. Tôi không nói gì, lặng im ngó ra cánh đồng trơ gốc rạ hoang vắng sau mùa gặt, mắt ngân ngấn nước.

Xa hơn một chút, trên bãi cỏ hoe hoe vàng là mộ của mẹ và em út tôi. “Mạ ơi, rứa là từ nay con không được đến trường nữa rồi”, tôi than thở với mẹ. Gia đình tôi lâm vào khó khăn kể từ khi mẹ tôi bị chết vì bom bi của máy bay Mỹ, sau đó một năm cái Hà em út tôi cũng theo mẹ ra đi vì suy dinh dưỡng...Tôi biết, ba tôi cũng xót ruột lắm khi không cho con trai mình học tiếp. Suốt bảy năm, từ cấp 1 đến cấp 2 tôi luôn đạt học sinh giỏi toàn diện, đặc biệt là môn văn chưa bao giờ tổng kết dưới 8 điểm. Nhưng mà nhà nghèo túng thiếu, lấy đâu ra cơm gạo, áo quần, sách vở để đi học trường xa.

May cho tôi là số phận chưa đến nỗi nào. Các thầy cô trong trường cấp 2, nhiều bà con xóm giềng đến khuyên nhủ động viên ba cho tôi đi học cấp 3. Dần dà, ông thuận lòng cho tôi đi học tiếp. Vui đến nghẹn ngào, sáng mai, tôi đầu trần chân đất chạy bộ mười cây số lên Trường cấp 3 Bố Trạch để xin nhập học. Muộn mất rồi. Danh sách cuối cùng đã chốt. Tôi chôn chân trước cánh cửa văn phòng, òa khóc nức nở.

“Làm sao em khóc thế?”. Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên bên tôi. Tôi ngước nhìn người đàn ông trạc tuổi trung niên, dáng cao gầy, có đôi mắt hơi sâu. “Dạ...em...em... đến nhập học...muộn”, tôi trả lời.

Người đàn ông hơi cúi xuống, cầm tay tôi: “Thôi em đừng khóc nữa, có chuyện chi vào đây nói cho thầy nghe”. Tôi theo thầy vào phòng làm việc, khép nép đứng bên chiếc bàn gỗ có đặt tấm biển Hiệu trưởng. Thầy cười: “Kìa, sao lại đứng, ngồi xuống ghế đi thanh niên, bây giờ có chuyện chi nói cho thầy nghe nào!”. Tôi rón rén ngồi xuống ghế, lập bập kể lại mọi chuyện cho thầy. Thầy chăm chú nghe tôi nói hết rồi nhẹ nhàng bảo: “Em đưa học bạ thầy xem”. Tôi thấy khuôn mặt thầy dãn ra. Thầy nói: “Giỏi, con nhà nghèo mà học thế là cố gắng đấy. Lên cấp 3 phải quyết tâm giữ được và hơn thế em nhé?” Tôi ngỡ mình nằm mơ, “lên cấp 3”, thế là thầy nhận mình vào học rồi à!

Một thanh niên có dáng dấp rất thư sinh bước vào chào thầy hiệu trưởng. Thầy cười khà khà: “Đây rồi, tôi định gọi thầy thì thầy đến, một trường hợp đặc biệt, thầy nhận em Nguyễn Hữu Quý vào lớp mình nhé!” Thầy giáo mới vào nói: “Dạ vâng, nhưng sao mà em này nhập học muộn thế thầy?”. Thầy hiệu trưởng vui vẻ: “Nhà nghèo, ba định cho nghỉ học để đi làm. Học sinh giỏi ở cấp 2 đó thầy ạ”. Nói xong, thầy hiệu trưởng quay qua tôi: “Đây là thầy Lê, giáo viên Toán, chủ nhiệm lớp 8C của các em. Thế là ổn rồi. Con nhà khó đi học em sẽ vất vả hơn những trò khác đấy. Cố gắng lên Quý nhé!”

Tôi không kìm được nước mắt khi nghe thầy gọi tên mình. Cứ như là Bụt hiện lên giúp tôi vậy. Lòng nhân hậu của thầy, ngay từ lúc gặp gỡ ban đầu ấy đã sáng dọi vào tôi, cho tôi bài học về tình thương, sự quan tâm đến những số phận cơ cực. Ba năm học cấp 3, tôi còn được chứng kiến tình thương của thầy hiệu trưởng dành cho chúng tôi, những đứa học sinh nghèo nơi tuyến lửa Quảng Bình là vô cùng lớn.

Trường cấp 3 huyện tôi, để tránh bom đạn Mỹ đã phải sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Mỗi lần sơ tán, chúng tôi phải vào rừng chặt gỗ, bứt tranh về làm nhà, làm hầm. Ăn thì khoai sắn cõng cơm, muối giã ớt mọi, nước ruốc là món chính, lại lao động vất vả nên nhiều đứa gầy gò xanh xao. Khổ quá, lũ học trò bọn tôi chế thơ Tố Hữu đọc chơi: “Đời đi học từ nay tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là chịu cảnh làm trường/ Là săng kề cổ gỗ kề vai/ Là thân sống coi còn một nửa”.

Có hôm đến thăm lớp tôi, thầy cười hỏi: “Đố các em biết tác giả đoạn thơ này là ai không?”. Rồi thầy ngửa mặt lên trời đọc: “Đời đi học từ nay tôi đã hiểu...”. Lũ người xếp sau quỷ và ma như chúng tôi cười nắc nẻ “Rứa mà thầy cũng biết bài nớ à?”. Thầy nhìn chúng tôi, cái nhìn của người cha với các con, nói: “Nhà trường biết các em vất vả nhiều. Nhưng, các em biết đấy, nhà không chắc, hầm không vững thì làm sao chống chọi được với bom đạn Mỹ”. Cả lớp lặng im, có mấy đứa con gái thút thít, thương thầy quá!

Tôi còn nhớ mãi cái lần máy bay Mỹ ném bom vào trường tôi ở Cự Nẫm. Toàn bom sát thương. Trúng vào giờ học. Thầy giáo Cư đang say sưa bình giảng bài thơ “Việt Bắc” cho chúng tôi nghe thì bị thương. Trong ngày hôm đó, có mấy bạn học sinh bị bom Mỹ giết như Mai và Quê. Không khí tang tóc trùm lên mái trường hiền lành chốn thôn quê. Thầy hiệu trưởng đi từ nơi này qua nơi khác thăm hỏi động viên chúng tôi. Nỗi đau học trò, thầy giáo thương vong, trường lớp bị tàn phá được nén lại trong lòng thầy hiệu trưởng. Thầy giữ được sự bình tĩnh vững vàng của một thuyền trưởng trong bão bùng sóng gió. Chúng tôi yên tâm, an lòng khi nhìn vào thầy giáo yêu quý của mình. "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", dưới sự lãnh đạo của thầy, Trường cấp 3 Bố Trạch những năm bom đạn, cực khổ ấy vẫn dạy tốt, học tốt, là điểm sáng của ngành Giáo dục Quảng Bình.

Lo chúng tôi đói không học được, thầy chủ trương cho các lớp tăng gia sản xuất thêm. Những ruộng lúa, nương sắn, vườn khoai của Trường thời ấy thấm biết bao mồ hôi và cả máu của thầy trò chúng tôi. Bao kỷ niệm còn rưng rưng trong tôi, về một thời gian khó mà trong sáng vô cùng. Thầy cô thực sự là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Chúng tôi nhận được từ những người thầy, người cô của mình các bài học rất bổ ích cho cuộc đời. Những bài học ngoài các trang sách giáo khoa. Trong đó, thầy hiệu trưởng Lê Công Tánh (hiện nay đang sống ở thành phố Huế) là một tấm gương sáng chưa bao giờ bị mờ khuất trong tôi. 

                                                                         Nguyễn Hữu Quý






 

,
.
.
.