Thời hoa lửa

Cập nhật lúc 07:39, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là tên câu lạc bộ văn nghệ (CLB) của các cựu thanh niên xung phong thành phố Đồng Hới. Trong CLB có cái tên đầy hoài niệm bi hùng này, những thế hệ đã một thời vào sinh ra tử trong bom đạn nay lại về tập hợp cùng nhau để hát lên tiếng lòng thương nhớ xen lẫn tự hào về một thời quá khứ oai hùng...

Hát từ niềm đam mê

Khoảng giữa năm 2012, một nhóm cựu TNXP đam mê văn nghệ từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong kháng chiến đã gặp nhau và họ cùng ngồi quây quần bên chén rượu hoài niệm cất lên tiếng hát. Đó đều là những bài ca đi cùng năm tháng. "Bỗng nhiên ai nấy đều rơm rớm nước mắt. Quá khứ bi hùng hiện về mồn một với hình ảnh của những trận chiến ác liệt, những đồng đội lấy thân xác đắp đường thông tuyến cho xe quân giải phóng vào nam", ông Nguyễn Bình Nhưỡng, chủ nhiệm CLB nhớ lại. Và không lâu sau đó CLB mang tên "Thời hoa lửa" ra đời trong sự háo hức của những người cựu TNXP.

Lịch tập luyện ngay lập tức được đề ra. Các hội viên tham gia CLB mỗi tuần đều đúng hẹn đến trụ sở Hội TNXP thành phố để tham gia luyện tập. Hội viên nào cũng coi đây là niềm vui. Nhiều ông chồng còn dành thời gian để chở vợ đi tập. Điều đặc biệt, dù không qua một trường lớp đào tạo bài bản nào nhưng các cô, các bác trong đội TNXP năm xưa lại hát bằng cả tấm lòng nên không ít tác phẩm đã lay động lòng người xem.

Ông Đặng Văn Chân,70 tuổi (Đức Ninh) chia sẻ: “Những bài hát này ngày trước khi còn ở đội TNXP chúng tôi cũng đã từng hát để tiếp thêm sức mạnh cho quân giải phóng tiến vào Nam. Giờ đây được hát lại, ngọn lửa ngày xưa như được thổi bùng lên, nên các cụ vẫn hăng hái nhiệt tình”.

Ông Phan Văn Mạc, Chủ tịch Hội cựu TNXP thành phố Đồng Hới kể, từ khi CLB “Thời hoa lửa” được thành lập cho đến nay đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả tỉnh nhà với những tiết mục văn nghệ được dàn dựng khá công phu thông qua các chương trình biểu diễn tại các lễ kỷ niệm 50 năm “Sống mãi tuổi 20”, lễ kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng TNXP Việt Nam tỉnh Quảng Bình; lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang 14-7-2012 tại Trung tâm văn hóa tỉnh; lễ kỷ niệm khánh thành bia tưởng niệm 16 TNXP tại bến phà Long Đại, lễ khởi công 13 nhà tình nghĩa tại xã Bảo Ninh...

Các hội viên CLB Thời hoa lửa biểu diễn tại lễ khánh thành bia tưởng niệm phà Long Đại.
Các hội viên CLB Thời hoa lửa biểu diễn tại lễ khánh thành bia tưởng niệm phà Long Đại.

Tiếng vang của CLB còn vang khắp nước khi được các tỉnh bạn như Điện Biên, Lai Châu mời tới biểu diễn. Ông Mạc cho biết thêm, từ khi thành lập CLB “Thời hoa lửa”, các phong trào hoạt động của Hội ngày càng phát triển, 3 năm liền là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh với những thành tích xuất sắc trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, cựu TNXP làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo...

Các hội viên của CLB đều tham gia trên tinh thần tự nguyện, kể cả tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động. Tại lễ khánh thành 13 nhà tình nghĩa cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn được Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Công thương tài trợ, giữa cơn mưa tầm tã, đội văn nghệ của CLB “Thời hoa lửa” vẫn say sưa hát. Nụ cười của họ rạng ngời hạnh phúc, họ vui vì đồng đội của mình có thêm căn nhà mới để sinh sống, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn. Với họ đó là niềm vui lớn lao nhất, tình đồng đội, đồng chí luôn ấm áp không chỉ trên chiến trường mà ngay cả trong cuộc sống đời thường.

Trong buổi biểu diễn hôm đó, Thiếu tướng Phan Khắc Hy và ông Nguyễn Huy Quang, Phó TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng đánh giá rất cao chương trình của CLB. Cuối buổi diễn, ông Quang cũng đã có lời mời CLB vào thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.

Khúc ca tưởng niệm

Tuổi thanh xuân của những hội viên CLB đã gửi lại trên chiến trường. Trở về cuộc sống đời thường, các cựu TNXP là những người hiểu hơn ai hết đồng đội của họ đã sống và chiến đấu anh dũng, ngoan cường như thế nào. Cũng chính vì vậy, trong những tác phẩm họ dàn dựng, không chỉ là diễn, mà như là tái hiện quá khứ, tái hiện những câu chuyện đau thương nhưng đáng tự hào mà ngày xưa chính họ là những nhân vật chính.

Tiểu phẩm “Sự kiện hi sinh của các cựu TNXP tại Đồi 37” được biểu diễn tại Trung tâm văn hóa nhân kỷ niệm lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của cựu TNXP tỉnh đã khiến cả hội trường phải rơi nước mắt. Mọi người khóc vì quá cảm động, bởi những hình ảnh họ được chứng kiến hôm nay là những gì đã diễn ra mấy chục năm trước, họ khóc bởi sự mất mát to lớn của các anh hùng đã hi sinh. Đó là câu chuyện về ngày 3-7-1966, đơn vị C759 anh hùng được chọn chốt tại đồi Cha Quang để làm nhiệm vụ thông đường.

Vào thời điểm đó, máy bay địch ngày đêm oanh tạc, đánh phá tuyến đường từ tất cả các hướng, trong lúc các anh chị đang làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn để thông đường đã bị đất đá đổ xuống vùi lấp. Có 65 đồng chí bị thương, 7 đồng chí hi sinh và mất tích. Nhưng không thể chậm trễ, đơn vị đã phải cho xe qua trong khi bên dưới vẫn còn xác các anh chị để lên đường cho kịp giờ. Tới lúc xe qua hết, đào lên được thì thi thể các anh chị đã không còn nguyên vẹn.

Các cựu TNXP đã tái hiện lại sự kiện bi hùng của lịch sử bằng cả trái tim. Họ cũng đã từng là những nhân chứng, đã trải qua những mất mát đau thương, nên họ diễn như thể chính mình có mặt trong cuộc chiến ấy.

Ông Nguyễn Bình Nhưỡng, Chủ nhiệm CLB “Thời hoa lửa” nhắc lại một câu chuyện không kém phần ấn tượng của CLB. Trong lễ kỷ niệm 40 năm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, các tiết mục văn nghệ của CLB “Thời hoa lửa” như khắc họa lại toàn cảnh của ngày hội toàn thắng năm xưa. Toàn hội trường xanh một màu đồng phục lá cây rừng và những người trạc tuổi ông ngoại, bà nội vẫn say sưa múa hát trên sân khấu. Dù hát chưa đồng đều và múa đôi chỗ chưa nhịp nhàng, nhưng vẫn thấy toát lên ở họ sự tươi mới và dạt dào niềm tin yêu cuộc sống. Cả hội trường im phăng phắc. Khi điệu múa quạt mừng chiến thắng và tiếng hát của tốp ca nữ vừa dừng thì tiếng vỗ tay vang dội. "Tôi còn nhớ lúc đó có người hỏi tôi: “Ông thuê đội văn nghệ nào vậy”?. Tôi liền vui vẻ trả lời: “Tiền đâu thuê. Toàn là hội viên của CLB đó”, ông Nhưỡng kể. 

                                                                                     Lan Chi






 

,
.
.
.