Mùa giêng hai của mẹ

Cập nhật lúc 07:19, Thứ Ba, 05/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vỏn vẹn mấy sào ruộng, đôi chân không mỏi và hai bàn tay chai cộm, mẹ đã đi qua những mùa giêng hai với nhiều lắng lo như thế để mong các con, là những mùa giêng hai đích thực của mẹ nên người.

1. Đất trời và con người đẹp nhất vào mùa giêng hai

Mùa giêng hai hãnh diện được tiết xuân ủ ấp. Sương khói giêng hai kéo vòm trời thấp xuống sát từng mái nhà cho trời đất giao hòa. Ánh nắng cũng đến lạ, chỉ đủ len qua kẻ lá nhưng lại là một thùng sơn đa sắc rót xuống từng ngõ ngách, chiếu sáng lên bức tranh về chủ đề mùa xuân. Ấn tượng nhất là mưa giêng hai, mưa chen trong sương mù, mưa quyện vào trong nắng rồi mưa e ấp đậu trên bờ vai mềm của những thiếu nữ.

Lộc xuân tích tụ tràn trề ở mùa giêng hai. Bởi, tiết trời giêng hai lúc nào cũng hòa quyện với cỏ cây. Từ cây đào, cây mai biểu trưng cho mùa xuân đến cỏ dại ven đường; từ luống cải trong vườn nhà tới bãi mía nương dâu, tất cả đều đụn lên những chồi tơ, mở mắt biếc và hé môi cười. Lộc xuân của mùa giêng hai ngự trị trên mỗi bàn thờ gia tiên; nơi các nhà máy, xí nghiệp, công trường; trong thẳm sâu đôi mắt của những người lính ngày đêm đứng gác biên cương; lộc xuân trải dài khắp bờ cõi Tổ quốc.
Với con người, mùa giêng hai là một ân huệ.

Ở đó, từng gia đình được đầm ấm với niềm hoan hỉ sum họp. Mẹ già được gặp con bên thềm nắng sau tháng ngày xa cách, vợ gặp lại chồng, các con được thỏa thuê hơi ấm của tình phụ tử. Mùa giêng hai còn là mùa của khát vọng; mùa em thơ thay áo mới; mùa trẩy hội; mùa "làm cho đất nước càng ngày càng xuân" như lời Bác Hồ căn dặn.

2. Và mẹ tôi, mùa giêng hai tới với nhiều nỗi lắng lo

Đâu đó, trên đất Quảng Bình vẫn thường vọng vang lời nhắc nhở của các bà, các mẹ đối với con cái mình bằng những câu ca dao - tục ngữ bản địa: "Đói thì ăn sắn ăn khoai/ Đừng chộ ló lỗ giêng hai mà mừng"; hay: "Giêng hai khoai bù". Khi giêng hai đến, cuộc sống tưởng chừng như no đủ với mọi người thì mẹ tôi lại ngồi lo đếm trên đầu ngón tay từng thúng lúa, củ khoai, củ sắn còn lại. Tự bao giờ, mẹ xem việc ấm no của các con là lộc xuân, là nắng xuân và có khi lại hơn những hội hè đình đám khắp đó đây ngoài kia.

Lúc ai nấy đều xúng xính xiêm y để tận hưởng những thời khắc đẹp nhất trong năm, mẹ lại với chiếc áo sờn vai, bước thấp bước cao ra đồng. Mẹ hay bảo: "Giêng hai là thời điểm lúa đến thì con gái, chuẩn bị làm đòng trổ bông nên phải chăm chút thật kỹ mới mong tới mùa gặt có thóc mà ăn". Phải chăng, câu nói: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" của ông cha làm nông nghiệp thuở trước, đến nay vẫn còn giá trị mới mẻ? Với mẹ, lúc lúa đã tốt tươi thì khi đó mới có mầm giêng hai.

Nghịch lý làm sao khi bên cạnh tiếng cười, sự thỏa mãn của các con lại là những nỗi lo lớn nhất đời mẹ. Mẹ lo tiền ăn học tháng tiếp theo của đứa lớn ở trong giảng đường; lo cho những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và vào đại học của mấy đứa tiếp theo. Vỏn vẹn mấy sào ruộng, đôi chân không mỏi và hai bàn tay chai cộm, mẹ đã đi qua những mùa giêng hai với nhiều lắng lo như thế để mong các con, là những mùa giêng hai đích thực của mẹ nên người.

3. Xin cảm ơn đời vì những mùa giêng hai và vì những mùa giêng hai có mẹ.

                                                                       Nguyễn Tiến Dũng
                                                                  (Bảo tàng tổng hợp tỉnh)





 

,
.
.
.