Nhớ anh Nguyễn Văn Dinh

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Năm, 28/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng ngày 26 tháng 2 năm 2013, các nhà văn Hữu Phương, Hoàng Bình Trọng và bạn bè Quảng Bình liên tiếp điện báo cho tôi tin buồn: “Anh Nguyễn Văn Dinh đi rồi!”. Với tôi, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh là một người anh gần gũi, tình cảm.

Tôi có kỷ niệm sâu sắc với  anh. Hồi Bình Trị Thiên còn chung tỉnh, anh là phóng viên báo Dân, sau chuyến đi thăm Savannakhet (Lào) về, anh ghé biếu tôi chai rượu Lào. Đến nhà gặp hai cháu con tôi, ông bỗng vỗ trán nhớ ra: “Ở Lào có thứ gạo nếp nương ngon lắm, bác quên mất. Lần sau bác đi, bác sẽ mua về cho các cháu vài ký để mẹ nấu xôi cho mà ăn !”. Tưởng anh nói thế để động viên cháu, không ngờ hai tuần sau tôi ghé thăm căn phòng anh ở một góc nhà khách 2 Lê Lợi, Huế, thấy trên tường chỗ bàn làm việc có găm tấm giấy nhỏ, ghi: "2 ký nếp Lào cho con Ngô Minh”. Tôi nhìn mảnh giấy mà ứa nước mắt.  Ba tháng sau, trong chuyến đi Lào  khác, anh đã mua gạo nếp về biếu cháu thật!

Cách đây gần chục năm, khi nhà thơ 75 tuổi, tôi đã cùng với Ban Văn nghệ VTV Huế ra Đồng Hới làm phim chân dung nhà thơ Nguyễn Văn Dinh. Vợ chồng anh được con gái giúp đỡ làm được ngôi nhà hai tầng. Tầng trệt vợ chồng già ở với đứa cháu ngoại. Còn tầng trên là một “bảo tàng Nguyễn Văn Dinh”. Hai dãy bàn kê chồng chống cao ngất báo, tạp chí có in thơ của ông. Tính ra cả mấy tấn báo chí. Trên tường là những bức ảnh anh chụp với bạn bè văn nghệ cả nước, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lồng trong khung thiếp vàng trang trọng. Trên bàn làm việc của anh có tập lưu các bài viết của mọi người về thơ anh, được ép lastíc cẩn thận. Một cái đinh khác găm các thứ giấy mời hội thảo, họp hành từ nhiều năm trước. Tôi hỏi: “Anh lưu mấy thứ này làm gì?". Ông cười bảo: "Đó là kỷ niệm, mỗi tờ giấy gắn liền với bao người, nhớ lắm...!”. 

Thơ Nguyễn Văn Dinh  mộc mạc, chân chất và rất khiêm nhường. Con người từ tuổi đôi mươi đã lặng lẽ bám theo đoàn quân xung kích với những bài ca dao, những câu thơ ứng tác phục vụ mặt trận,  khi về già bỗng thấm thía nhận ra: “Một đời định nghĩa chưa ra /Thơ là gì nhỉ mà ta kiếm tìm”. Hay “Một đời theo mãi câu thơ/ Tôi đành như kẻ bơ vơ lữ trình...”   

Nguyễn Văn Dinh  sinh ra bên bờ sông Gianh năm 1932.  Năm nay ông tuổi 82 mụ, nghĩa là ông đã có hơn 60 năm làm thơ, viết báo. Tuổi  đôi mươi vác mã tấu, mặc áo trấn thủ, chân đi dép lốp theo Vệ quốc đoàn, cũng là cái tuổi ông đến với thơ. Những năm đánh Pháp trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, anh từng trùm chăn bấm đèn pin hạt đỗ, thức trắng đêm viết thơ kể chuyện đánh đồn An Lạc (Lệ Thuỷ) cho kịp sáng mai đọc trước hàng quân mừng chiến thắng.  Nhắc đến Nguyễn Văn Dinh ai cũng nhớ những bài thơ bốn câu, chùm thơ bốn câu viết về những sự kiện lịch sử.   Đến nay, anh đã xuất bản 12 tập thơ. Nguyễn Văn Dinh vẫn hai vai “việc đạo, việc đời” bền bỉ ngần ấy năm không mỏi cho đến ngày rời cõi tạm!

Có mặt trong thơ anh có những anh hùng tên tuổi như Mẹ Suốt, chị Khíu, anh Võ Xuân Khuể, chị Trần Thị Lý... Anh bắt nhận từng nét nhỏ như những tia sáng của hình tượng, từ đó mà soi rọi làm nổi bật lên tính cách người chiến sĩ ở khía cạnh cảm động của nó. Cô thanh niên xung phong gùi gạo ra trận “đường xa đẫm mồ hôi”, “lưng miết mòn bao tải”, nhưng khi: Lên đỉnh “dốc hết ý”/Mái tóc gội mây trời/ Miệng mũi tranh nhau thở/Lát sau em lại cười... Bài thơ “Lời thơ trên võng” là một bài thơ tốt, bố cục  chặt gọn gàng, nhiều chi tiết sống động. Đó là tâm trạng của anh thương binh, đang nằm trên cáng của hai cô gái trong đêm mưa đèo gian khổ. Cô gái thương người chiến sĩ cố giữ võng cho thật êm, còn người chiến sĩ lại thương đồng đội vất vả vì mình cứ thắt thỏm trở trăn: 

Trượt chân mà vẫn không nghiêng

Vẫn là câu hát bay trên võng nằm

Phải là người dấn thân trong cuộc chiến đấu mới có những câu thơ thực đến vậy!

Thành công nhất trong thơ Nguyễn Văn Dinh có lẽ là bài thơ “Em bé Bảo Ninh”. Năm 1964, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt thị xã Đồng Hới và hai bờ sông Nhật Lệ. Có một em bé Bảo Ninh  mới 15 tuổi tên là Trương Hương đã vác những hòm đạn trên vai, trong khói lửa cùng mọi người lao về phía trận địa bắn máy bay tiếp tế cho bộ đội: Em bé Bảo Ninh/Bên bờ Nhật Lệ/Dưới trời lửa khói/Em như cánh tên/Lao trên cồn cát/Rẽ gió xông lên/Cởi khăn quàng đỏ/Bọc đạn chuyền đi/Trận địa bom nổ/Gót son sá gì... Thể thơ  bốn chữ tạo ra không khí hừng hực của cuộc chiến đấu. Bài thơ có nhiều chất hội họa, giàu nhạc điệu, làm ta liên tưởng đến chú bé Ga-vờ- rốt trong Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc. Tuổi học trò của tôi ở Quảng Bình đã từng hát vang cùng bè bạn ở làng bài hát về Em bé Bảo Ninh với một niềm kiêu hãnh lạ lùng! Ở Quảng Bình trong chiến tranh, Em bé Bảo Ninh cũng là một  biểu tượng nổi bật như Mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý... “Em bé Bảo Ninh” Trương Hương năm nay đã tuổi 66, đã có cháu ngoại, vẫn sang Đồng Hới thăm nhà thơ Nguyễn Văn Dinh luôn. Kiếm được con mực, con cua ngon cũng điện “bác” Dinh sang chia vui. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho nhà thơ bằng sáng tạo của mình đã đưa  một con người thực thành một hình tượng văn học đẹp!

Từ thời kỳ Quảng Bình tái lập lại tỉnh, Nguyễn Văn Dinh dường như viết khoẻ hơn.  Vừa viết báo vừa làm thơ. Anh là Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt nam tỉnh trước khi nghỉ hưu. Thời kỳ này ông đã cho xuất bản hàng chục tập thơ, trong đó có 4 tập thơ chuyên đề về Bác Hồ. Đời anh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học như giải về ca dao kháng chiến của Quân Khu Bốn 1953, giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư (Quảng Bình)  1995, giải thi thơ Báo Người Cao tuổi... Bài thơ Lời dã tràng của ông đã được nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm chọn vào tuyển “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”: Ai bảo dã tràng xe cát uổng công/Không tôi, ai bạn cùng sóng bể?/Sức nhỏ nhoi kiên trì lặng lẽ/Trận đấu dã tràng với sóng vẫn hoà không”. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ nói lên tâm huyết của một đời cầm bút!

Mảng đề tài mà nhà thơ Nguyễn Văn Dinh tâm đắc nhất là hình tượng Bác Hồ. Có lẽ Nguyễn Văn Dinh  là nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất nước ta. Anh viết với 150 bài. Hẳn nhiên không phải bài nào cũng hay, nhưng làm được chừng ấy bài cũng là một kỳ tích. Năm 2002, con gái định cư ở Đức bảo bố sang chơi 3 tháng. Dịp đó, anh không quên tới Paris, đến tận ngõ số 9- Công Poanh, nơi Bác Hồ làm báo  Le Paria để thăm  di tích mà mình từng ngưỡng mộ. Và anh đã có thơ: Ước một lần đến Công Poanh nơi Bác ở/Thăm ngôi nhà ân nghĩa năm xưa/Từ đây ra đời báo “Người cùng khổ”/Nay đứng trước ngôi nhà lòng tưởng còn mơ”. Tập thơ mới nhất Nhớ Bác Hồ  gồm 114 bài in năm 2005  nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người có lời giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: “Đọc tập thơ Nhớ Bác Hồ của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh, càng thấy: Lòng Bác thương dân vô hạn/Lòng dân nhớ Bác đời đời. Tôi hoan nghênh tập thơ được xuất bản vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác...” 

Tâm sự về nghề văn, anh bảo: “Mẹ tôi vốn người theo đạo Phật. Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho điều THIỆN. Khi trưởng thành đi vào con đường báo chí, văn học, tôi luôn hướng tác phẩm theo  CHÂN, THIỆN, MỸ...”. Vâng, dù nhiều bài thơ của ông còn chưa ưng ý, nhưng lão nhà thơ của chúng ta dường như đã đến được với cái CHÂN, THIỆN, ước ao của đời mình: Đọc lại trăm bài thơ tứ tuyệt/Một bài có tứ đã là vui/Một câu neo được trong lòng biển/Xin gửi khơi xa chút mặn mòi. 

Vĩnh biệt anh Nguyễn Văn Dinh, một nhà thơ chân chất. Bài viết này như một nén nhang lòng, Ngô Minh xin gửi viếng hương hồn anh và xin chia sẻ buồn thương với gia đình.

                                                                          Ngô Minh

 

,
.
.
.