Con đường thơ Hải Kỳ

Cập nhật lúc 13:42, Thứ Sáu, 08/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Suy ngẫm về nghề văn, Hải Kỳ viết: "Tác phẩm là nơi ta tâm sự với con người, với cuộc đời, lúc đắng cay chua chát, lúc ngọt ngào hạnh phúc. Nghiệp thơ thuộc về số phận. Tôi không biết giãi bày lòng mình bằng cách nào rõ nhất ngoài thơ" (Nhà văn Việt Nam hiện đại, 2010).

Đúng như lời tự bạch, con đường thơ Hải Kỳ đồng hành cùng đường đời lắm nỗi gian truân của anh, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước.

Năm 1970, Ty Thông tin Văn hóa và Hội Sáng tác Văn nghệ Quảng Bình tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên, bài thơ "Tiếng bom" của Hải Kỳ đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Sự kiện này đã khởi đầu cho quá trình sáng tác của anh.

Hải Kỳ vừa dạy học vừa làm thơ. Các bạn trẻ sinh viên, người yêu thơ thường chép vào sổ tay và học thuộc lòng các bài thơ của Hải Kỳ. Đồng thời, trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương rải rác có đăng thơ anh. "Anh thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng Hải Kỳ thực sự khởi sắc vào những năm 1978- 1988" (Mai Văn Hoan). Lúc này, vừa thoát khỏi chiến tranh, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thơ anh cũng theo đó mà chứa đầy tâm trạng.

Tập thơ đầu tay "Ngọn gió đi tìm", xuất bản năm 1987, đã xác định chỗ đứng của Hải Kỳ trên thi đàn. Trong 33 bài của tập thơ này, có những bài tiêu biểu, cùng với thời gian, đóng đinh trong lòng bạn đọc khi nhắc đến Hải Kỳ, như: Hạt cát, Chuyện tình, Hai giây, Mẹ tôi...

Nhà thơ Hải Kỳ (ngoài cùng bên phải) và các bạn thơ ở Quảng Bình.
Nhà thơ Hải Kỳ (ngoài cùng bên phải) và các bạn thơ ở Quảng Bình.

Tập thơ mở ra một hồn thơ trực cảm mạnh mẽ, yêu đời, khát khao giao hòa với vạn vật, đau đáu hướng về chân trời mộng mơ, ấm áp với bao kỉ niệm buồn vui đời thực từ thuở ấu thơ. Hình ảnh quê hương với dòng sông, con thuyền, mái chèo, cánh võng, ngọn gió nồm... hiện ra sống động qua giọng thơ trần tình mộc mạc mà sâu sắc. Với Hải Kỳ, thơ là tiếng lòng nồng nàn sự sống, là "giọt máu, nụ cười, nước mắt" của "hạnh phúc vô cùng, đau khổ vô biên". Cái tôi thi sĩ, bản lĩnh thi nhân in dấu ngay từ tập thơ đầu tay của Hải Kỳ. Cái bản lĩnh theo anh suốt cả đời thơ:

Sống hết mình tôi không làm kẻ khác,
Tôi là tôi, như thế tự ngày xưa.

                                             (Chuyện tình)

Năm 1989, Hải Kỳ cho xuất bản tập thơ thứ 2, mang tên "Đồng vọng". Tiếp nối mạch cảm hứng của tập thơ "Ngọn gió đi tìm", "Đồng vọng"  là tiếng vọng ngân nga, lắng dịu của tiếng gọi tình yêu mơ hồ, xa ngái nhưng rất thực, cái thực của con tim thổn thức "bao đêm vắng", là nỗi buồn, nỗi nhớ không thể gọi thành tên. Ở đây, cái tinh vi, huyền diệu nhất của tâm thức người đang yêu được nhà thơ nắm bắt và diễn tả khéo léo, tài tình qua hệ thống từ ngữ phức hợp, "lạ hóa".

Trong khi các nhà thơ cùng thời còn e ngại khi nói đến cái đời thường, riêng tư thì Hải Kỳ đã không rụt rè phả vào thơ muôn vàn cảm xúc của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu đôi lứa (Tôi ra cửa biển, Nửa chừng, Tôi và em với Thiên An, Đồng vọng, Người phu mộ). Cảm hứng tình yêu hòa trong cảm hứng đất nước tạo nên chất trữ tình sâu lắng của tập thơ. Tài năng, bản lĩnh nhà thơ hiện ra qua những hình tượng độc đáo, những liên tưởng bất ngờ, tạo nên sự đột phá trong sáng tạo nghệ thuật (Tôi ra cửa biển, Nửa chừng, Người phu mộ).

Đến năm 1997, tập thơ thứ ba của Hải Kỳ xuất hiện, mang tên "Nằm đếm trời sao". Tập thơ gồm 48 bài, chất chứa nỗi buồn, nỗi cô đơn trống vắng của hồn thơ qua trải nghiệm thời gian đã bắt đầu nhận ra sự lạnh lùng, xa cách, vô nghĩa của cuộc đời. Hồn thơ thi sĩ bắt đầu rơi vào trạng thái bi kịch. Nhân vật trữ tình hiện ra như một con người từng trải, nếm trải hết niềm vui và nỗi đau của nhân thế, nhận ra sự hư vô, nhỏ bé của kiếp người. Cảm hứng thế sự chi phối hầu hết các sáng tác trong tập thơ. Giọng thơ chiêm nghiệm, suy tư, triết lý (Nằm đếm trời sao, Sao, Với cỏ). Tập thơ xuất hiện dấu hiệu thể hiện ý thức cách tân trong nghệ thuật biểu hiện với sự góp mặt của thể thơ văn xuôi (Cách xa, Gió trong chiều, Với cỏ).

Năm 1999, tập thơ "Đối thoại lục bát" của Hải Kỳ ra mắt bạn đọc, với 30 bài thơ lục bát. Lục bát là thể thơ dân tộc, vốn rất thân thuộc, xưa cũ đối với người Việt Nam bao thế hệ. Vậy mà, từ thể thơ có từ "ngày xưa" ấy, Hải Kỳ vẫn tạo được cái điệu riêng, hồn riêng, rất hiện đại, mang hơi thở nhịp đập trái tim của hồn thơ, "cõi thơ" Hải Kỳ:

Câu này vần của ngày xưa,
Câu này điệu của bây giờ lạ không?

                                                  (Đối thoại lục bát)

Hải Kỳ sáng tác nhiều thể loại nhưng kết tinh thành tựu ở thể thơ lục bát. Khi biên soạn cuốn "Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam" (Nxb Văn học, 2000), nhà thơ Nguyễn Vũ Tiền đã chọn của Hải Kỳ 5 câu, thì cả 5 câu đều là thơ lục bát. Thơ lục bát Hải Kỳ có nhiều bài xuất sắc viết về mẹ, về vợ, về quê hương, về xứ Huế thơ mộng (Mẹ tôi, Hạt cát, Tôi ra cửa biển, Tôi và em với Thiên An, Nói với Huế). Trong đó, bài thơ "Tôi ra cửa biển" có thể xem là một kiệt tác thơ ca. Và tập thơ "Đối thoại lục bát" là một trong những thành tựu xuất sắc của thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ XX.

Tập thơ thứ năm, có tên "Giấc mơ" (2009), tiếp tục thể hiện sự vận động tư tưởng, hướng đến những vấn đề thế sự đời tư mà nhà thơ bao đêm thao thức, chiêm nghiệm để rút ra những triết lý nhân sinh. Cảm hứng thế sự hòa quyện trong giọng điệu bộc bạch gửi gắm tâm tình. Thơ anh vì thế ngày càng có chiều sâu.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu ở giai đoạn đầu, thơ Hải Kỳ là kết quả của sự va chạm với lòng mình thì về sau thơ anh là kết quả của sự va chạm với cuộc sống. Đó là cuộc sống được nhìn qua thấu kính của hồn thơ nhạy cảm, độ lượng, nhân văn.

Và rồi, khi biết mình đang đi đến những trang cuối của cuộc đời, Hải Kỳ gửi gắm:

Nếu ngày tôi chết, em ơi
Xin chôn Thơ xuống cùng nơi tôi nằm
Dù tôi ngủ giấc nghìn năm
Cây Thơ xanh - Rễ từ tâm xanh đầy.

                                               (Nếu ngày tôi chết)

Đó là tiếng thơ cuối cùng của một Hải Kỳ thấu đời đạt lý, nắm vững quy luật vận động của cuộc sống, của sáng tạo nghệ thuật. Dù anh đã "nằm yên trong ruột đất quê hương", "đã ngủ giấc nghìn năm" thì những cây thơ anh để lại sẽ tiếp tục "xanh-Rễ từ tâm xanh đầy", sẽ tiếp tục đi trên con đường riêng, tạo một tiếng nói riêng, tỏa bóng mát cho đời.

                                                          Trần Thị Phúc Hòa
      (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Phan Rang - Ninh Thuận)

 

,
.
.
.