Hình ảnh mẹ trong câu hát dân gian vùng chiêm trũng

Cập nhật lúc 09:17, Thứ Ba, 12/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Quê tôi bên dòng Kiến Giang, đoạn qua huyện Quảng Ninh thơ mộng, ở vào vùng chiêm trũng, khi hạn nắng cháy đồng, mùa mưa nước mêng mông, làm ra hạt lúa củ khoai phải bao vất vả. Nhờ thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống người dân ngày một khá hơn.

Nhớ đến mẹ, kỉ niệm xưa lại ùa về. Để giúp cha mẹ, chị em tôi  sớm biết bảo ban nhau. Những khi  bận rộn việc đồng áng cha mẹ vắng nhà, chị tôi thường hát  ru em những lời tha thiết:

“...À ơi... Ru em, em théc cho lâu.
Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về”.

Tiếng hát ru còn rất trẻ của người chị đang làm việc nhà, vừa ru em trên võng. Chị mong em ngoan, ngủ say để mẹ đang đi cấy, em ngủ để chị có thời gian giúp mẹ nhặt rau... Nỗi niềm được nhân lên qua nhịp võng lần sau:

“...Ru em, em théc cho say.
Để mẹ đi cấy túi (tối) ngay mới về ”.

Mẹ  vất vả, đi từ sáng sớm để kịp cắm cây lúa khi nước đang rặc (ròng), nếu muộn thì cả cánh đồng bị nước lên (triều dâng) nhấn chìm. Mẹ bận rộn lắm đến túi (tối) mới về, nên chị mong em phải théc (ngủ)  cho say. Ngủ dậy em còn phải chơi ngoan cho chị làm việc giúp mẹ. Nghe lời ru nhẹ nhàng của chị, đứa  em  trên võng chìm vào giấc ngủ và lúc tỉnh dậy lục tìm lưng cơm nguội ngồi ăn ngon lành bên cạnh chị, cảm động biết bao. Biết mẹ tất bật với bao công việc thường ngày, những đứa con dù còn thơ dại đã biết hiếu thảo với cha mẹ.

Cùng với việc đồng áng, mẹ còn phải chợ búa, lo cuộc sống gia đình. Thuở ấy ở quê tôi thường đi chợ Cổ Hiền hoăc chợ Vạn Xuân. Từ lúc gà gáy canh ba, mẹ dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, dặn chị em tôi đang còn ngái ngủ vài câu, vội vã xúc vào thúng ít long gạo hiếm hoi đem bán lấy tiền mua vật dùng trong vài ngày. Lúc đó mấy chị em lại đưa nhau lên chiếc võng tre giữa lúc gà sắp gáy sáng.

“ à ơ ... Ru em em théc cho sâu.
Để mẹ đi chợ còn lâu mới về”.

Chị em cùng chìm vào giấc ngủ.Thỉnh thoảng lại lắc võng miệng hát:

ờ... ờ “Ru em em théc cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trù (trầu)...,

Thì ra trong lúc ru em, chị vẫn nhớ lời mẹ lúc chiều: mai đi chợ phải mua ít trầu cau, vôi vỏ để khi ra ruộng cấy, gió bấc, đồng sâu ăn trầu cho đỡ lạnh. Phải chăng những lời  hát ru đã góp phần tạo nên nhân cách con người.

Làm lụng vất vả nhưng lòng thương của mẹ luôn dành cho mọi người. Đồng làng tôi xưa nhiều cây bún, khi xuân về lộc bún khoe sắc một vùng. Rau bún không chỉ đủ cho trong làng mà còn cho cả làng trên xóm dưới. Câu hát ru còn đến hôm nay ghi sâu tình cảm của mẹ:

..“Ai về nhắn với trên làng,
 Bún nương hoang đã nở đem choàng xuống sương (gánh)”.

Choàng là  đôi quang gánh để gánh lúa, thóc, gạo và bao vật dụng thường ngày, đòn gánh cõng đôi choàng một thời đè nặng đôi vai người nông dân tần tảo..

Mẹ dành cho chồng, cho con:

“Ăn cơm dưa cải, muối trường.
 Bắc nồi lên bếp, ra rường (bờ ruộng) móc đam”.

Vất vả là vậy nhưng mẹ chưa bao giờ thở than. Mẹ lăn lộn với cuộc sống thường  ngày bên luỹ tre, bên giậu mồng tơi, dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng, nên nhiều kinh nghiệm được rút ra từ lời hát ru của mẹ:

“Đói thì rau má, rau khoai.
 Đừng chộ ló lổ (lúa trổ) tháng hai mà mờng (mừng)”

Khi  đi lại bằng đò trên sông hay lúc lũ lụt, được dặn dò cẩn thận:

...“Ru hời, ru hỡi là ru...
 Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”...

Khi con lớn lên mẹ lại lo chuyện dựng vợ, gả chồng cho con. Con cái trưởng thành mà chưa xe duyên cùng ai, mẹ lo khôn xiết:   

“Khoai to vồng thì tốt cổ (củ).
Đậu ba lá thì vừa un (vun),
Gà mất mẹ thì lâu khun (khôn).
Gái muộn chồng cũng khổ.
Trai chậm vợ cũng khổ..”...
da diết biết ngần nào.

Trong lúc tâm sự cùng con, mẹ lại so sánh:

“Con người ta như hột độ,
Mà có lứa có đôi.
Con mềng như “thiên lôi”,
Chưa chộ chi hết cả.
Chưa chộ chi hết cả..”...

Kể sao hết tình thương của mẹ dành cho con cái, “Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ...” là vậy.

Ghi lại dòng suy nghĩ từ những câu hát dân gian sưu tầm ở vùng quê chiêm trũng, mong được góp phần tri ân thế hệ những người mẹ không quản gian lao, vượt qua thiếu thốn hàng ngày, hàng đêm ru bao người con khôn lớn.

                                                                              Lê Huấn  

 

,
.
.
.