Đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học

Cập nhật lúc 08:06, Thứ Ba, 03/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là sáng kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) huyện Lệ Thuỷ, nhằm bảo tồn và phát huy một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống có từ lâu đời trên vùng quê lúa.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Cư (TT Kiến Giang), mảnh đất được ví như cái nôi của hò khoan Lệ Thuỷ, từ nhỏ cô Đỗ Thị Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Thuỷ đã được tắm mình trong từng điệu hò câu hát của quê hương xứ sở.

Cô kể: "Từ đời cố cao, ông bà cho đến bố mẹ mình đều có truyền thống hát hò khoan. Họ hát theo kiểu ứng khẩu theo từng đôi, có khi chia nhóm ra để hát đối đáp. Thời ấy, không hiểu sao rất ít người biết chữ nhưng hầu như ai cũng biết hát hò khoan, thậm chí còn hò rất hay. Điệu hò chỉnh chu lắm, lời thì súc tích, giàu ý nghĩa.

Vui nhất là những đêm trai gái tụ tập hát hò khoan và giã gạo đến thâu đêm suốt sáng. Cái sân nhà lúc đó, như một sân khấu thu nhỏ, rộn rịp tiếng chày tiếng hát, rạo rực cả một góc trời. Có khi không có việc gì làm nữa, họ đem trấu ra giã, để có dịp tụ tập hát hò. Nhiều đôi trai gái nên duyên cũng từ những đêm hát hò khoan đối đáp như thế". Chính vì thế mà cô mê hò khoan. Mê cái không khí nghĩa tình, ấm áp. Mê cái nhịp điệu khoẻ khoắn và cả sự thông minh, sắc sảo của con người nơi đây. Nhờ câu hát điệu hò mà con người càng mến hiểu, gần gũi và yêu thương nhau hơn.

Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hò khoan  Trường THCS Xuân Thuỷ (Lệ Thủy) tại đêm liên hoan tiếng hát

Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hò khoan Trường THCS Xuân Thuỷ (Lệ Thủy) tại đêm liên hoan tiếng hát "Tiếp sức đến trường".

Ảnh: D.C.H

Trường trung học cơ sở Xuân Thuỷ cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào đưa hò khoan Lệ Thuỷ vào trường học. Thầy giáo Đào Hữu Trung, Tổng phụ trách Đội cho biết: "Ngay từ năm 2007- 2008, trường đã tiến hành thành lập mỗi lớp một nhóm học sinh để tìm hiểu, sưu tầm, tập luyện các làn điệu hò khoan dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên âm nhạc. Hàng tháng, chúng tôi còn mời các nghệ nhân hát hò khoan đến để kể chuyện, biểu diễn cho các em xem, giúp các em tìm hiểu sâu hơn về hát hò khoan.

Đến cuối năm, trường lại tổ chức hội thi một lần để chọn ra tiết mục xuất sắc nhất. Riêng trường cũng thành lập một câu lạc bộ hò khoan gồm 12 em học sinh. Tháng 5-2011, tiết mục hát hò khoan của trường đạt giải 3 tại cuộc thi "Em yêu làn điệu dân ca" do Phòng GD- ĐT phối  hợp với Hội đồng Đội huyện tổ chức.

Từ năm học 2011- 2012, Phòng GD- ĐT đã mạnh dạn đưa hò khoan Lệ Thuỷ vào trường học. Đó là một trong những nội dung trọng tâm để đánh giá "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Tuy, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở việc cho các em học sinh tham gia tìm hiểu, sưu tầm và tập diễn xướng, nhưng đây là bước đi quan trọng để các em có được sự hiểu biết ban đầu về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo này.  

                                                                        Dương Công Hợp

,
.
.
.