Văn La - làng truyền thống văn hóa

Cập nhật lúc 21:49, Thứ Hai, 26/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo truyền ngôn thì cách đây khoảng 460 năm, đức tiên tổ họ Lê là người có công khai canh, khai khẩn làng Văn La (do sau này ở trong làng có nhiều họ Lê nên để phân biệt với những họ Lê khác thì làng đặt họ Lê có công khai khẩn và có nhiều nhân khẩu nhất so với các họ Lê khác là họ Lê cái). Sau họ Lê cái là các dòng họ Hoàng, Đỗ, Phan, Nguyễn... có công hậu khai canh.

Làng Văn La có hình thế đẹp, "Thượng sơn hạ thủy": trước mặt là dòng sông Nhật Lệ thơ mộng, sau lưng là một vùng gò đồi. Các thầy địa lý ngày xưa nhìn nhận, cho rằng đây là vùng đất "Long đáo địa", nghĩa là "Rồng lên đất". Rồng lên đất Văn La rồi tọa lạc vào Bàu Rồng, kê đầu lên núi Trôốc Rồng (do hình thế như vậy nên người xưa đặt tên Bàu Rồng, núi Trôốc Rồng). Làng có giếng Hang huyền thoại, nước trong veo, mát và ngọt lịm, hạn hán mấy cũng có nước cung cấp cho mấy làng.  Đất này quả thật vượng khí, địa linh nhân kiệt. Ngay từ thuở trước đã có Thượng thư Hoàng Kim Xán là người học rộng, tài cao, làm quan có chính sách tốt, được dân quý mến. Con trai út của Thượng thư Hoàng Kim Xán là Hoàng Kế Viêm, phò mã, lấy con gái vua Minh Mạng, làm quan đến chức Thống đốc Trấn bắc Đại tướng quân; có Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ là cháu nội của Thượng thư Hoàng Kim Xán, rồi Phó bảng Hoàng Trọng Đài, danh y Đỗ Tăng...

Cho đến nay, làng có trên 45 dòng họ lớn nhỏ, nền nếp, gia phong và ý thức xây dựng làng xóm ở trong mỗi gia đình, trong mỗi họ tộc đã có từ sau khi lập làng. Thời kỳ Văn La thuộc tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh, làng đã xây dựng được một bản hương ước với 16 điều khoản, trong đó có nhiều điều khoản rất phù hợp với việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa hiện nay. Ví dụ về việc cưới hỏi, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để tổ chức chứ không được đòi hỏi lễ vật, cầm cố tài sản. Về việc tang, quy định rõ khi chưa đưa tang, khi đưa tang, độ tuổi, hoàn cảnh gia đình người quá cố... để tổ chức tang lễ và dẫu gia đình giàu có cũng không được tổ chức điếu phúng linh đình tốn kém. Về vệ sinh gia đình, vệ sinh giếng nước, đường làng ngõ xóm... đều được quy định cụ thể, chi tiết. Trong tất cả 16 điều khoản, nếu ai vi phạm bất cứ điều khoản nào đều bị làng xử phạt tùy theo mức nặng, nhẹ, không tha thứ một ai. Bản hương ước đã giúp cho mọi người trong làng giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người, những nét đẹp văn hóa, nếp sống văn minh của một làng quê có học hành, có khoa bảng, chức sắc.

Làng văn hóa Văn La hôm nay. Ảnh: Thái Toản
Làng văn hóa Văn La hôm nay. Ảnh: Thái Toản

Từ năm 1990, một bộ phận dân cư của làng Văn La được điều chỉnh cùng với các làng khác thành lập thị trấn Quán Hàu, còn đại đa số vẫn thuộc xã Lương Ninh. Dẫu thế, họ vẫn mãi có ý thức cộng đồng, đoàn kết thực hiện công cuộc đổi mới. Hiện Văn La có 460 hộ, 2100 khẩu, lập thành 6 xóm, 32 cụm dân cư. Điều đặc biệt là nhà ở của làng Văn La được sắp xếp theo ô bàn cờ, cứ mỗi ô có 4 nhà, xung quanh 4 ngôi nhà là 4 con đường thẳng, đẹp. Cụm 4 nhà không những đoàn kết, có ý thức cộng đồng mà còn là một "tổ tự quản" trong cuộc sống thường ngày. Việc sắp xếp này đã có từ lâu, thật khoa học, chưa có làng nào được như thế, thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo.  Thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ngoài các tuyến đường chính ra, nhiều trục đường bao quanh theo ô bàn cờ đều được nhân dân trong các cụm dân cư đồng lòng, hợp sức làm mới, bê tông hóa với tổng chiều dài 7.336m.

Cũng như nhiều thôn xóm khác ở huyện Quảng Ninh, Văn La là làng thuần nông, có 70% hộ dân sản xuất nông nghiệp. Đồng ruộng Văn La không được màu mỡ như nhiều nơi khác, năm 2011 là năm được mùa nhất từ trước đến nay năng suất cũng chỉ đạt 55,1 tạ/ha. Ngoài việc gieo cấy lúa ngoài Ruộng Nhất, Ruộng Nhì, Mợng Cái, Ruộng Bàu, Ruộng Sác, Cồn Sộp, Cồn Vại... các hộ nông dân còn tích cực trồng khoai, trồng sắn và các loại đậu, mướp đắng trên Động Chòi, Động Khe, Lý Giữa, Cửa Lăng, Cồn Hội... Không chịu đói nghèo, người dân Văn La  xoay xở, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp để nâng mức sống của gia đình. Người sớm đột phá trong cung cách làm ăn ở làng Văn La phải nói đến anh Lê Thanh Dúng. Cách đây hơn ba năm, anh Dúng "cơm đùm gạo bới" đi các nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng các loại hoa. Đất vườn nhà anh không có nhiều, chỉ được một sào, ba năm nay nhờ trồng các loại hoa cúc, hoa lưu ly, hoa mồng gà... mà anh thu được 210 triệu đồng. Hoa của nhà anh Dúng, mỗi dịp gần Tết, nhiều cơ quan và người dân đến "đặt" mua tại nhà, ít đi bán chợ.

Trước đây, trong vườn nhà dân có nhiều mít, khế, cam, bưởi..., thấy rằng nguồn thu từ các loại cây đó không cao, mấy năm qua, bà Nguyễn Thị Năm cải tạo lại vườn nhà, trồng cây sắn dây, công đầu tư quá ít mà hiệu quả kinh tế lại cao nên hiện nay hầu như nhà nào cũng học theo, chặt mít, chặt khế... để trồng cây sắn dây mang lại thu nhập cao. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Văn La chú trọng phát triển các ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm cho người lao động. Hiện tại, làng có 17 tổ mộc, tiện, rèn, hàn; 13 tổ xây dựng; 23 hộ kinh doanh, buôn bán, sửa chữa... Đời sống người dân ổn định, không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm từ 18,22% năm 2011 xuống còn 14% năm 2012. Tỷ lệ nhà bền vững 87%, trong đó có 58 nhà cao tầng; con em học hành tiến bộ, thành đạt trên mọi lĩnh vực công tác.

Chú trọng phát triển kinh tế, người dân Văn La vẫn giữ vững và phát huy những tập quán văn hóa, xây dựng phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở trong làng, trong các xóm. Vào dịp lễ tết, cả 6 xóm sôi nổi luyện tập văn nghệ và thể thao. Theo truyền thống, hàng năm, sau Tết Nguyên đán, làng Văn La tổ chức lễ hội rằm tháng giêng để cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no hạnh phúc, làng xóm vui vầy, đoàn kết. Hàng năm, làng Văn La có nhiều lễ hội mang bản sắc văn hóa của làng.

Trong quá trình xây dựng khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa, gia đình văn hóa, làng Văn La luôn thực hiện "Ý Đảng, lòng dân". Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, của chi bộ và chính quyền địa phương về xây dựng quê hương, làng xóm đều được dân biết, dân thảo luận, bàn bạc để rồi đồng thuận, phấn khởi, cùng nhau thực hiện. Làng Văn La thực sự là làng quê có truyền thống văn hóa, luôn xứng danh trong "Bát danh hương" của Quảng Bình và "Tứ danh hương" của huyện Quảng Ninh.

                                                                         Thái Toản

,
.
.
.