Đền Hùng khai hội

Cập nhật lúc 09:09, Thứ Sáu, 30/03/2012 (GMT+7)

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012 được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 5 - 10/3 Nhâm Thìn (tức từ 26/2 - 31/3/2012) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã, phường vùng ven tỉnh Phú Thọ.

Giỗ Tổ Hùng Vương là tín ngưỡng tri ân các bậc tiền nhân có công dựng nước, là hoạt động có ý nghĩa cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì và các xã, phường vùng ven. Các nghi thức cúng tế và dâng hương tưởng niệm Vua Hùng sẽ diễn ra tại đền Quốc tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ và đền Thượng.

Điểm nhấn trong phần Lễ năm nay là lễ rước kiệu được tổ chức trang trọng với sự tham gia của các xã: Hy Cương, Chu Hoá, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì) xã Tiên Kiên (Lâm Thao) về Đền Hùng vào ngày mùng 8/3 âm lịch, có sự chứng kiến của nhiều đoàn khách ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng triển lãm ảnh "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến Thời đại Hùng Vương ở Việt Nam" tại Nhà Bảo tàng Hùng Vương.

Dâng lễ vật trong Lễ Giỗ Quốc Tổ lạc Long Quân ngày 27/3/2012 (6 tháng 3 Nhâm Thìn). Ảnh:baophutho.vn
Dâng lễ vật trong Lễ Giỗ Quốc Tổ lạc Long Quân ngày 27/3/2012 (6 tháng 3 Nhâm Thìn). Ảnh:baophutho.vn

Đây là những cứ liệu quan trọng để Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Trung tâm Văn hoá - Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Năm nay, phần Hội cũng sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, với sự tham gia của các tỉnh như : Điện Biên, Bình Dương, Nghệ An, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức với quy mô rộng, từ TP Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và khu vực phụ cận, gắn với chương trình "Du lịch về cội nguồn" của 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái- Lào Cai.

Trong thời gian tổ chức lễ hội, tại Khu di tích sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy của một số tỉnh, thành phố; thi đấu bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ của các huyện, thị, thành. Điểm nhấn trong phần Hội năm nay là các hoạt động quảng bá hát Xoan và Liên hoan Tiếng hát làng Xoan lần thứ nhất.

Giá trị văn hóa của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”

Thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ buổi bình minh dựng nước đến ngày nay, tri ân, tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên luôn là đạo lý, tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Tín ngưỡng này được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bồi lắng, kết tụ thành những giá trị đạo đức, làm nên tinh thần quốc gia, dân tộc.

Từ truyền thuyết bọc trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt luôn sắt son quan niệm: Tất cả cùng chung dòng máu Tiên Rồng, cùng là con cháu Lạc Hồng nên phải sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có tổ có tông. Đó là điều cốt lõi làm nên giá trị vĩnh hằng của văn hóa cộng đồng Việt Nam, làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để tất cả người Việt tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành nòi giống, khai mở bờ cõi, xây đắp non sông.

Đầu năm 2011, tại cuộc Hội thảo về "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong xã hội đương" đại do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức, có đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhiều Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam cùng với các nhà khoa học Australia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Đan Mạch và các nhà khoa học Việt Nam, đã đi tới nhận định: Tín ngưỡng thờ cúng  tổ tiên, một biểu hiện văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là một biểu tượng văn hóa đặc biệt, tiêu biểu của tất cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày những luận điểm khoa học, thảo luận rộng rãi và sâu sắc về phương pháp tiếp cận nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới.

Báo cáo tổng kết Hội thảo đã đưa ra những đánh giá về niềm tin tâm linh của người Việt, việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng văn hóa và là một di sản văn hóa của thế giới, xứng đáng được tôn vinh.

Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi, đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau; xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong thời đại mới. Không gì khác, chính từ những giá trị đó đã làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước bao biến cố của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

                                                                   Theo Chinhphu.vn

,
.
.
.