Thơ nữ trẻ đương đại - Quan niệm, thể nghiệm và xu hướng

Cập nhật lúc 10:00, Thứ Năm, 29/03/2012 (GMT+7)

Trong lịch sử thi ca dân tộc Việt Nam, ngay dưới chế độ phong kiến, khi quan niệm trọng nam khinh nữ còn nặng nề, đã xuất hiện một lớp các nhà thơ nữ lên tiếng bênh vực người phụ nữ. Những trang viết của họ đã có nhiều đóng góp cho nền văn chương nước nhà, để lại nhiều tên tuổi lớn. Bước sang thời kỳ văn học hiện đại, một lực lượng đông đảo các cây bút nữ xuất hiện. Những sáng tác của họ đã góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng cho sự phát triển của nền thơ ca Việt Nam. Thơ của họ đã gây ấn tượng cho người đọc, được dư luận khẳng định và đã được giới thiệu ra nhiều nước trên thế giới.

Thơ của các cây bút nữ trẻ xuất hiện từ khoảng 10 năm trở lại đây chịu sự ảnh hưởng của những mạch nguồn thơ nữ trước đó, từ thế hệ các tác giả trưởng thành trong chiến tranh như Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thúy Bắc, Lê Thị Mây... cho đến Thu Nguyệt, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Đỗ Bạch Mai, Thảo Phương, Phi Tuyết Ba, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thị Thanh Hương... Cùng với việc tiếp tục khai thác hướng đề tài cũ nói về thân phận người đàn bà, về tình yêu và lòng thủy chung son sắt, tình mẹ con, bầu bạn, những tác giả thơ nữ trẻ đi sâu khai phá những đề tài mới đầy biến động của đời sống, những va đập của đời thường, niềm khát khao mãnh liệt hướng tới những cái mới, những chân trời lạ lẫm. Thơ của thế hệ mới bên cạnh những đề tài cũ, thể loại cũ, họ đi sâu khai thác bản thể, khám phá những chuyển động của bản thể căng phồng sự sống, khám phá tình yêu, nhục cảm, cái tôi cá nhân bí ẩn và đầy bất trắc. Tiếng thơ của họ bên cạnh những khát khao yêu thương, sẻ chia, bù đắp, những khát khao chồng vợ, tổ ấm gia đình, còn xuất hiện một cảm hứng mới rất hiện đại mang đầy bản năng trong ngôn từ, cảm xúc: tính nhục cảm. Một thế hệ mới đã xuất hiện như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Dạ Thảo Phương, Đường Hải Yến, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Phạm Vân Anh, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thanh Vân, Lê Mỹ Ý, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Tú Trinh, Lữ Thị Mai, Trương Hồng Tú... Họ là những cây bút trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn học trên thế giới, có những nét phá cách và có nhiều thể nghiệm mới mẻ.

Thời của công nghệ số phát triển, vốn có sự tiếp nhận nhanh nhạy sự ưu việt của khoa học kỹ thuật, những cây bút thơ trẻ đã có cơ hội lớn để kết nối toàn cầu. Thế hệ thơ nữ trẻ, cũng như nam giới cùng thời, đang có những thay đổi rõ rệt trong quan niệm về văn chương. Trong nền kinh tế thị trường, họ dám sống, dám đương đầu với thử thách, dám là chính mình trong cuộc kiếm tìm những giá trị nghệ thuật. Thậm chí, đôi khi họ khoác trên mình tấm áo thi ca như một thứ trang sức để giải trí, để giải thoát mình khỏi sự bộn bề của cuộc sống, của nỗi cô đơn và sự bận rộn của đời sống đương đại.

 Một mặt, cùng sự hòa nhịp với dòng chảy của văn học đương đại thế giới, họ khám phá và thích ứng để tác phẩm của mình vừa mang hơi thở thời đại vừa có nét thuần Việt không hề trộn lẫn. Nhiều cây bút nữ trẻ đã có tác phẩm bước đầu ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Không phải là những cảm xúc cũ với những nét thanh dịu, với sự ngân nga của câu chữ, vần điệu. Không phải là sự e lệ, bẽn lẽn của những cô gái mới lớn lần đầu tập yêu. Cũng không phải là tình cảm đầu đời không thổ lộ được phải giấu vào thơ như một tiếng thở dài nuối tiếc, nhớ nhung sầu muộn... Thơ của họ là tiếng nói của thế hệ biết tận hiến và tận hưởng những vang âm của đời sống. Họ không muốn chỉ là người biểu hiện cuộc sống trên trang viết mà còn muốn tạo dựng, phơi mở một thế giới khác trong chính thế giới hiện thực này, thế giới của sự vươn tới mãnh liệt và đầy khao khát, thế giới của bình yên và tình yêu. Tâm hồn thi ca của họ đa cảm, tinh tế, luôn rung lên những nhịp cảm xúc nóng bỏng, chân thực và liều lĩnh. Họ đang cố gắng tạo dựng cho mình một phong cách mới trong trào lưu thơ Việt Nam đương đại.

Trước đây, văn học chúng ta đã có một đội ngũ thơ chống Pháp, chống Mỹ. Đó là thời kỳ của lớp nhà thơ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, họ vào chiến trường chiến đấu, nếm trải đủ bao cay đắng ngọt bùi, cả hy sinh và mất mát, đội ngũ thơ của họ vì thế mang một âm hưởng chung của thời cuộc, tất cả một lòng hướng về tiền tuyến, thơ họ đầy niềm tin chiến thắng, niềm lạc quan về một ngày mới hòa bình. Sau 1975, những cây bút kháng chiến quay trở về với cuộc sống mới vẫn tiếp tục sáng tác, thơ của họ mang hơi thở của đời sống hòa bình, những vui buồn thường trực của con người, họ là những cây bút thơ vẫn giữ được trong lòng độc giả những ấn tượng khó phai mờ với tư duy của những con người đã được tôi luyện qua chiến tranh, như Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây... Sau hơn một chút là lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp trong những trường đại học, sau khi hòa bình lập lại đi công tác khắp mọi miền đất nước và họ cũng là những người sinh ra trong chiến tranh, ít nhiều biết mùi đạn bom: Tuyết Nga, Thảo Phương, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Mai, Giáng Vân, Trần Kim Hoa, Trần Thị Huyền Trang, Thu Nguyệt, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Phan Thị Vàng Anh... Và hiện nay, những cây bút thơ nữ trẻ xuất hiện trên thi đàn với sự tươi mới của nguồn sống và sức nóng của ngọn lửa sáng tạo. Họ một phần ảnh hưởng thơ truyền thống trước đó, một phần chịu sự tác động của thời cuộc. Tác phẩm của họ mang hơi thở của thời đại hội nhập thế giới, nguồn thơ của họ mang nhiều tâm trạng của lớp trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời mới trong một thế giới mở cửa và nhiều liên kết. Họ chủ yếu là những cây bút trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên thơ của họ mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn là thế sự. Nếu thơ là những ký thác cuộc đời thì thơ nữ trẻ đương đại gửi gắm vào thiên chức thi sĩ của mình những cung bậc tình cảm mang dấu ấn cái tôi cá nhân một cách trực diện. Họ được đón nhận nhiều luồng văn hóa Đông - Tây nên tác phẩm mang vẻ đẹp hiện đại, cách nói hiện đại, suy nghĩ hiện đại. Đó là một lực lượng xông xáo, tuy chưa định hình nhưng đã có những thành tựu ban đầu.

Nếu như thế hệ trước, làm thơ là để thể hiện lòng mình trước thời cuộc, đặt mình trong thời cuộc, thì thơ nữ trẻ hiện nay nghĩ về mình trước bộn bề của đời sống. Họ cô đơn trước sự quẩn quanh của đời sống, sự hỗn mang của thời cuộc. Nhiều gương mặt mới đã được bạn đọc quan tâm, như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Bình Nguyên Trang, Trương Quế Chi, Lê Thị Mỹ Ý, Dạ Thảo Phương, Vũ Thị Huyền, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Thúy Hằng, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thanh Vân, Chu Thị Minh Huệ, Ngô Thị Hạnh, Lê Ngân Hằng, Trang Thanh, Lữ Thị Mai, Trương Hồng Tú... Những tác giả này “Dù ít hay nhiều họ đã tự tạo cho mình một lối đi riêng. Tinh tế hay bộc trực. Nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Gai góc, dữ dội hoặc dịu êm. Thách thức hoặc khiêm nhường. Thách thức hoặc làm xiếc câu chữ. Tất cả đã tạo cho thơ một dòng chảy liên tục không ngắt quãng” (Chu Thị Thơm, Thơ trẻ hôm nay, Báo Giáo dục & Thời đại, 11.12.2005). Với việc tổ chức các trại sáng tác, các kỳ hội nghị viết văn trẻ, các cuộc thi thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhiều cây bút có triển vọng đã xuất hiện. Ngoài báo in, thì báo mạng và blog cá nhân cũng là diễn đàn khá cởi mở để thơ nữ có dịp phát huy. Hiện nay ở nước ta có 3 địa chỉ bồi dưỡng, đào tạo viết văn - nơi ươm mầm những tài năng trẻ, là Khoa Sáng tác - Lí luận và phê bình văn học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) và Khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Bên cạnh đó, sự cởi mở của các nhà xuất bản cũng góp phần không nhỏ khẳng định thơ trẻ với việc cho ra đời các ấn phẩm mới. Tất cả đã tạo đà cho thơ nữ trẻ một dòng chảy liên tục, không ngắt quãng, có những gạch nối liền mạch giữa các thời kỳ.

Trong kháng chiến, thơ được quan niệm như là một công cụ đắc lực để tuyên truyền cho đường lối cách mạng, mỗi nhà thơ đều góp công sức của mình để phục vụ dân tộc, vì thế, quan niệm thơ của họ gắn với một mục đích chung nhất: phục vụ cuộc chiến đấu sống còn của đất nước với một tâm thế hoan ca, lạc quan. Sau 1975, đặc biệt hiện nay, thơ trẻ trong đó có các nhà thơ nữ được phát huy tối đa sức sáng tạo của ngòi bút, mọi rào cản của họ đối với thơ gần như không có, vì thế đa sắc hơn và cởi mở hơn. Cùng với nhiều ảnh hưởng từ các nền văn học nước ngoài, họ được thể nghiệm trong nhiều đề tài, trong cách lập ngôn và tư duy nghệ thuật. Mảnh đất riêng tư được ưu tiên và khuyến khích gieo trồng những loại cây khác lạ, độc đáo. Một số cây bút thơ nữ đầy mạnh mẽ, quyết đoán trong việc đi tìm cái mới với khát vọng được giải tỏa, dấn thân, được nói, được tung hoành cùng lối viết bạo dạn, tự do phóng khoáng. Vi Thùy Linh quan niệm: “Tôi luôn muốn tạo sự độc đáo riêng biệt trong lối tư duy, diễn đạt và hình ảnh. Tôi muốn làm những điều chưa ai làm, hoặc không ai làm được, khó “nhái” được, dù cho vì sự tiên phong mạnh mẽ, tôi đã chịu nhiều thiệt thòi, cô lập, thậm chí là sự tấn công của những người bảo thủ, tư duy cũ. Chính những đòi hỏi ấy ở bản thân khiến tôi trở nên vất vả mỗi khi sáng tạo, vì tôi luôn buộc mình không được lặp lại tôi, không giống người khác trong nghệ thuật, để tạo được dấu ấn riêng, là điều không dễ có, không dễ làm được. Sống tận lực bằng tình yêu cuộc sống, cá tính đời thực và cá tính nghệ thuật của tôi là một. Tôi dám sống, dám dấn thân, dám đi đến cùng. Không mưu toan vụ lợi gì, vào thơ, tôi yêu thơ bằng tình yêu say đắm, tận trung của một người si tình, chung tình, không tiếc gì cho tình yêu ấy”. Chị luôn khát khao biểu hiện cái tôi bản thể mang tính khác biệt và chấp nhận sự cô độc của mình trên con đường sáng tạo: “Với tôi, cuộc đi đẹp nhất trong sáng tạo, là độc mã. Tôi phục những con thú dám tách khỏi bầy, dù nó sẽ gặp nhiều hiểm nguy”. Gần với quan niệm này, Phan Huyền Thư cũng cho rằng: “Nhà thơ bây giờ đồng nghĩa với cá tính và khác lạ”. Ly Hoàng Ly thì bộc bạch: “Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình. Tôi sử dụng mọi phương tiện nghệ thuật, phương pháp thể hiện, những kỹ thuật mà mình học được, tìm được để có thể thể hiện ý tưởng của mình trong tác phẩm. Nhưng tôi thấy cái quan trọng nhất của mọi người sáng tác trong mọi thời đại, là sự đắm đuối thực sự với nghề, và trung thực với cảm xúc, tư tưởng của mình”. Trẻ hơn so với các đàn chị cùng thời, Trương Quế Chi, một cây bút đang có nhiều nội lực trong thi ca thế hệ 8X, quan niệm: “Viết với tôi, như một cách để sống chung dung hoà với những cảm xúc đơn độc, buồn bã”.

Hiện nay, nhìn vào đội ngũ cũng như tác phẩm, có thể phân thơ nữ trẻ đương đại thành hai xu hướng nghệ thuật chính: thứ nhất, thơ truyền thống có giao thoa với hiện đại; thứ hai, thơ cách tân, phá cách với sự phi chuẩn cả về nội dung và hình thức.

Xu hướng thứ nhất ảnh hưởng từ truyền thống và phát huy các giá trị truyền thống. Thơ của họ nhuần nhị cả về mặt cấu trúc, thể loại, ngôn từ lẫn nội dung được chuyển tải. Có thể thấy rõ đặc điểm này ở một số cây bút như Bình Nguyên Trang, Phạm Vân Anh, Đường Hải Yến, Lê Mỹ Ý, Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Thanh Vân, Trang Thanh, Lê Ngân Hằng, Trần Lê Sơn Ý... Những tác giả này tìm tòi trên những khuôn hình có sẵn. Thơ theo xu hướng này dễ được bạn đọc đồng cảm, ủng hộ. Người đọc có thể cảm nhận ngay khi đọc tác phẩm bằng tư duy và cảm xúc của chính mình mà không cần phải nhờ tác giả hay nhà phê bình phân tích lại mới hiểu. “Thế giới nghệ thuật của các tác giả này phong phú, ám ảnh bởi hồn thơ, tứ thơ và hình tượng thơ. Họ đã đến cõi thơ bằng trái tim và sự đam mê quặn thắt. Ở một góc độ nào đó, sự kiếm tìm của họ đã thành công. Thơ họ đã có bóng dáng của chiều sâu triết lý, mang yếu tố xã hội mà vẫn có những rung động nghệ thuật rất đỗi cao cả, mang tính nhân văn, không nhòa với các tác giả khác” (Chu Thị Thơm, Thơ trẻ, bức tranh chưa phân định màu sắc, Tạp chí Nhà văn, số 2, 2006). Tuy nhiên, những cây bút trẻ theo hướng truyền thống này đang ngày càng vận động theo chiều hướng mới, bắt đầu có những phá cách trong cảm xúc và lối thể hiện.

Xu hướng thứ hai xuất hiện với lối thơ tự do phóng khoáng, nội dung thường gắn liền với biến động của đời sống tình cảm, khơi gợi tình yêu và nhục dục. Các tác giả thơ không bằng lòng với những cái đã an bài, thơ họ mạnh bạo về ngôn từ, lạ về giọng điệu, thể hiện bản ngã một cách mãnh liệt. Khát vọng của cái tôi nhục cảm được thể hiện ráo riết và thôi thúc: “Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em/ Làm thế giới hóa lỏng...” (Vi Thùy Linh). “Vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút/ Ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha...” (Phan Huyền Thư)... Con người trong thơ của những cây bút nữ phá cách chịu sự chi phối rất mạnh của đời sống cá nhân, đề cao đời sống cá nhân, dám sống thật với chính mình và có thể coi đây là tiếng nói mạnh mẽ về giải phóng phụ nữ trong thơ ca. Thơ họ mang hơi hướng của chủ nghĩa hiện sinh và những mảng màu trừu tượng của nghệ thuật sắp đặt. Thơ họ thường khó nhớ, khó thuộc. Người đọc chỉ có thể nhớ đến tứ thơ, hoặc những hình ảnh gợi lên được nhiều ý nghĩa.
Trong quá trình tìm kiếm nghệ thuật, xu hướng cách tân của các cây bút thơ nữ trẻ cũng gặp phải những tiếng vọng không đồng thuận từ phía dư luận: “họ loay hoay, lập danh, và bắt người khác phải đọc thơ mình, phải chấp nhận mình một cách vội vã” (Uông Thái Biểu, Thơ mới và cũ, Báo Văn nghệ Trẻ); “thoát ly đời sống nhiều quá, đi sâu vào nỗi buồn cá thể nhiều quá, có những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, và mang tính đánh đố, để lại những chữ khô cằn, thiếu cảm xúc” (Nguyễn Hữu Quý, Hai xu hướng thơ, thử nhìn nhận, Phụ bản thơ, Báo Văn nghệ). Có thể thấy, những cây bút thơ trẻ theo xu hướng cách tân luôn dám đương đầu với những thử nghiệm mới cho dù dư luận có nhiều đánh giá khen chê khác nhau, và họ vẫn đang trên đường tìm tòi đổi mới nên vấn đề chọn đường, chọn hướng đi phù hợp để dài hơi trong sự lựa chọn mang tính “nổi loạn” của mình là một thách thức không nhỏ.

Thơ nữ là sự phản ánh tâm hồn, thế giới nội tâm của người phụ nữ, là cách nhìn đời thông qua lăng kính và trái tim người đàn bà. Thiên tính nữ, số phận đa đoan, những khát vọng về hạnh phúc, tình yêu như vấn đề muôn thuở của nhân sinh và kiếp hồng nhan… chính là những chiều sâu của giá trị thơ nữ. Tiếng nói ấy lại được cất lên theo một điệu tâm hồn riêng, qua những tìm tòi phá cách của thơ nữ đương đại đã tạo nên một sự cách tân trong thơ Việt Nam đầu thế kỉ XXI, tuy chưa hoàn thiện để có một tên gọi chính xác, song sự phát triển của xu hướng thơ đổi mới là một thực tế không thể cưỡng lại được. Chúng ta không nên phê phán hay tung hô mà phải nhìn nhận sự phát triển của nó như một nỗ lực đáng trân trọng, góp phần để thi ca Việt Nam tiến kịp thi ca thế giới.

Thơ nữ trẻ Việt Nam đang trong quá trình vận động và thay đổi cùng thời đại. Những giá trị cùng những nhược điểm không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển là điều tất yếu. Tìm hiểu về mạch thơ này cũng là một cách nhìn lại chặng đường đã qua, con đường trước mắt của thơ nữ trẻ Việt Nam trong những bước đi tới của nó

                                                     Theo Văn nghệ Quân đội

,
.
.
.