Tản văn

Vườn tre của ngoại

Cập nhật lúc 13:12, Thứ Hai, 09/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi khi chạm ngõ vườn quê bằng hàng  rào xanh với những cây tre cao vút tôi lại bồi hồi nhớ ngoại. Nhớ dáng ngoại gầy gầy nâng niu, uốn nắn từng búp măng. Nhớ những buổi chiều mùa hạ bên cánh võng đung đưa được nghe ngoại kể những câu chuyện "ngày xửa, ngày xưa".

Quê tôi, dải đất nhỏ nằm trải dài bên một nhánh sông của dòng Gianh xanh biếc. Nhà ngoại tôi ngoảnh mặt ra sông- nơi có cả rừng bần, đước xanh tươi mọc vững chãi trên triền cát trắng. Trong ký ức tuổi thơ, làng tôi rất đẹp. Nhà nào cũng có  cây tre ở một góc vườn nhưng có lẽ nhà ngoại tôi là nhiều tre nhất. Tre thành hàng, thành luỹ bao quanh cả một khu vườn rộng lớn. Dẫn vào nhà ngoại bắt đầu là chiếc cổng xanh bởi những ngọn tre chạm đầu vào nhau thành một đường vòng cung xinh xắn và ở giữa là một con đường nhỏ được lát bằng gạch. Không biết tự bao giờ vườn nhà ngoại đã nhiều tre như thế. Ngoại tôi nói rằng, khi ông lớn lên đã thấy những rặng tre bao quanh cả khu vườn, rồi theo năm tháng những hàng tre ngày một dày thêm. Tôi lớn lên trong khu vườn ấy, chứng kiến cuộc sống lam lũ của ông bà, bố  mẹ để nuôi chị em tôi khôn lớn nên người.

Ông tôi có một tình yêu đặc biệt với những cây tre. Mỗi sớm mai thức dậy, ông thong thả bước ra vườn nhìn lên những ngọn tre rồi bắt đầu với bài tập thể dục dưỡng sinh hít vào, thở ra trong bầu không khí trong lành của buổi sớm mai. Sau vài bài tập thế nào ông cũng đi quanh vườn và hễ thấy ở đâu có cây măng mọc là ông lại ngồi xuống nhặt rác xung quanh gốc, chặt bỏ những nhành lá vướng víu để tạo chỗ thoáng cho măng phát triển. Nếu có cây măng nào mọc lệch do bị sức ép từ các cây khác, ông lại dùng những chiếc nẹp tre uốn chúng lại cho thẳng. Và cứ như thế, vườn nhà ông đầy tre - những cây tre thẳng tắp, cao vút. Mỗi khi có một cây măng nào bị gió bão quật ngã ông lại xót xa nuối tiếc.

Tre làng. Ảnh: Tiến Hành
Tre làng. Ảnh: Tiến Hành

Ông từng đọc cho tôi nghe rất nhiều bài thơ về cây tre và luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, tre là hồn quê, là biểu tượng của làng. Cuộc đời của mỗi cây tre như chính cuộc đời của mỗi con người vậy - lặng lẽ sống, sinh con và cống hiến. Mỗi búp măng như một đứa trẻ nếu ta chăm chút uốn nắn từ nhỏ nó sẽ mọc lên thẳng thắn để rồi thành những cây tre cao lớn, vững chãi. Quê tôi ở bên sông nên cũng thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Và theo ông thì ông bà xưa trồng tre vì rễ tre bám rất chắc, lại không mọc đơn lẽ nên giữ đất, giữ làng và còn được dùng để làm rất nhiều việc trong cuộc sống của mỗi gia đình. Khi bà tôi còn sống, ông thường đan cho bà những chiếc rổ rá đủ kích cỡ  để bà sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.

Mỗi khi lũ lụt kéo về, nước từ dòng sông bàng bạc phủ kín cả một vùng. Những con thuyền ngày thường vốn là phương tiện vận chuyển hàng hoá lương thực buôn bán ở chợ quê bỗng trở nên nhỏ nhoi giữa dòng nước  xoáy. Lúc đó, vườn tre nhà ngoại tôi lại trở thành nơi trú bão. Những con thuyền được buộc chặt vào từng gốc tre, vậy là có thể đi qua mùa lũ một cách an toàn. Sau bão lũ, nhiều ngôi nhà bị sập đổ, ông lại cho những người hàng xóm chọn những cây tre phù hợp để làm nhà. Hàng loạt cây tre được đốn xuống, cây lớn thẳng thì lấy phần gốc để làm cột nhà, phần trên xẻ ra làm giá đỡ để lợp mái lá. Những cây nhỏ hơn thì làm sàn bếp, trụ cổng còn những cây non thì chẻ thành từng sợi dây lớn, nhỏ (người dân quê gọi là "lạt") để cột, chằng, chống làm thành nhà, thành bếp. Những lúc như thế tôi lại thấy quý giá hơn bao giờ hết những cây tre từ khu vườn của ngoại. Và tôi đã hiểu vì sao ông lại yêu quý và gắn bó những cây tre nhiều đến vậy. Khi tóc ông đã trắng một màu, ông vẫn không quên chăm sóc những búp măng cho đến lúc ông lìa xa khu vườn, xa chúng tôi để trở về với bà, với tổ tiên. Đó là một ngày mùa thu thật buồn. Bầu trời âm u như kiểu sắp có mưa. Chị em tôi đứng giữa vườn tre, nghe tiếng gió rít qua từng thân cây một điệp khúc buồn buồn như một bản nhạc chia ly. Tôi đứng lặng nhìn những cây tre… và tôi vẫn thường đứng như thế mỗi khi có dịp về quê.

Vườn xưa, nếp cũ vẫn còn dẫu những rặng tre không còn dày như trước nhưng mỗi lần chạm ngõ vườn quê tôi lại thấy mình được vỗ về với những kỷ niệm tuổi thơ giữa vườn tre nhà ngoại. Lối đi nhỏ bên những hàng tre mà ngoại từng đi tìm những cây măng để chăm sóc, uốn nắn giờ đã phủ xanh màu cỏ. Ngày ngày lũ trẻ hàng xóm vẫn tụ tập ở đó để hóng mát sau những buổi tan trường. Tôi chợt nhớ về ngày xưa cùng những cậu bé, cô bé tên Xíu, tên Khoai  thi nhau ôn bài bên gốc tre nhà ngoại và chợt ngân lên câu đó những vần thơ thật mộc mạc về tre trong trang sách học trò một thuở. Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ "Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu... Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người/ Cho dù thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con".

                                                                                          Mỹ Huệ

 

,
.
.
.