Một giờ với đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng

Cập nhật lúc 08:39, Thứ Ba, 10/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong một ngày đầu tháng tư, trước thềm triển lãm tranh "Ký họa chiến trường" chúng tôi đã được gặp và nghe đại tá- họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng kể chuyện. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về họa sĩ Lê Duy Ứng là sự gần gũi thân thiện của một họa sĩ giàu tâm huyết với quê hương. Họa sĩ cho  biết: "Tôi đã có hai lần tham gia triễn lãm trên quê hương Quảng Bình.

Lần đầu  vào năm 1992, tôi đã tặng Bảo tàng Quảng Bình bức tranh: Bác Hồ về thăm Đồng Hới. Lần này, hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình- Vĩnh Linh, 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ cùng nhiều ngày kỷ niệm lớn khác của quê hương, tôi muốn ra mắt triển lãm để tri ân đồng đội những người đã hy sinh trọn cuộc đời vì sự nghiệp độc lập tự do dân tộc".

Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh ngày 8-7-1947, tại Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngay từ khi lớp 4, với sự dẫn dắt của nhà giáo ưu tú Bùi Đình Sơn, Lê Duy Ứng đã có phòng tranh triển lãm tại huyện Quảng Ninh mang tên: "Xấu nên tránh, tốt nên làm". Năm 1961, người học trò Lê Duy Ứng đã mang tranh dự thi toàn tỉnh và được giải nhất. Tình cờ dịp đó người bố của Lê Duy Ứng (cố họa sĩ Lê Yến-từng công tác tại Báo Quảng Bình) ũng dự thi nhưng phải xếp sau con trai, biết chuyện, có người đã đùa vui: "Con hơn cha là nhà có phúc".

Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng bên những bức tranh tại gian trưng bày triển lãm. Ảnh: P.H
Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng bên những bức tranh tại gian trưng bày triển lãm. Ảnh: P.H

Niềm say mê hội họa đã khiến cậu học trò trường làng không mấy băn khoăn gì khi nộp thẳng hồ sơ vào Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tại đây, anh đã được học các bài giảng của các họa sĩ, nhà điêu khắc danh tiếng như các họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Trần Huy Oánh, Lương Xuân Nhị, Trần Lưu Hậu, các nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm... Những năm tháng sôi động của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bao lớp thanh niên đã tự nguyện ra chiến trường.

Đang còn học dở năm thứ ba của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Lê Duy Ứng tự nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Mùa xuân 1972, cùng đồng đội, anh trực tiếp làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, sau đó lần lượt là trợ lý tuyên huấn sư đoàn, trợ lý tuyên huấn quân đoàn và anh  vinh dự có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975. Với vũ khí là giá vẽ và máy ảnh, anh đã có mặt ở nhiều nẻo đường chiến tranh.

Sáng 28-4-1975, họa sĩ Lê Duy Ứng trong đoàn quân tiến về Sài Gòn với nhiệm vụ chụp ảnh và ký họa chiến tranh. Tại căn cứ Nước Trong, họa sĩ bị hỏng hai mắt do súng chống tăng của địch. Ngay thời khắc cận kề với cái chết đó, họa sĩ Lê Duy Ứng đã dùng máu từ đôi mắt vẽ chân dung Bác Hồ với đề tựa: Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. Bức huyết  họa trở thành niềm tin của chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người họa sĩ thương binh. 

Kể đến đây, họa sĩ Lê Duy Ứng còn cung cấp cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ xung quanh giây phút này. Khi phỏng vấn họa sĩ Lê Duy Ứng, một phóng viên nước ngoài đã hỏi: Vì sao giây phút đó họa sĩ không vẽ hình ảnh bố mẹ mà vẽ lãnh tụ Hồ Chí Minh? Họa sĩ Lê Duy Ứng đã trả lời ngay: "Đối với tôi và cả dân tộc tôi, Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại. Người là danh nhân văn hóa thế giới. Tôi nghĩ đến Bác Hồ là nghĩ đến nguồn sáng của lý tưởng cách mạng. Bác Hồ đã in đậm trong ký ức của tôi từ tuổi thơ đến trưởng thành. Nếu tôi vẽ bố mẹ tôi thì chỉ gói gọn trong một gia đình".

Chính đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng lừng danh thế giới, học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi biết chuyện đã động viên họa sĩ biết vượt lên thương tật để trở thành tấm gương thương binh có ích cho xã hội. Chính trong gian khó, tật nguyền, tài năng người họa sĩ  càng có điều kiện tỏa sáng. Lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo suốt cuộc đời anh: "Cháu biết nhạc sĩ vĩ đại  Bet-thô-ven sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ từ khi nào không? là khi người nhạc sĩ này đã bị điếc. Là họa sĩ cháu hãy noi theo tấm gương đó, biết đâu khi bị hỏng đôi mắt cháu cũng có thể làm sáng tạo nên những tác phẩm hội họa có ích cho đời".

Trầm ngâm một chút, họa sĩ Lê Duy Ứng kể tiếp: Sau khi vẽ bức tranh về Bác Hồ, tôi trân trọng bỏ lên túi trái ngực ở phía trái tim. Tôi được khiêng  vào trạm phẫu thuật gần đó và đã bị ngưng thở, đồng đội đưa tôi vào nhà xác". Khi tỉnh dậy, thấy rất khát tôi thều thào kêu: nước, nước... Một chiến sĩ quân y thuộc E9F304 tên là Hồ Chí Quyết  đi ngang nghe tiếng kêu đã bế tôi ra khỏi nhà xác.  Bỗng một tiếng nổ đinh tai, đất đá trùm lên người tôi và Quyết. Quyết nói: anh thật cao số, quả pháo trúng nhà xác vùi luôn 4 xác chết. Ra đến Sơn Lộc thì tôi bị chết lâm sàng. Đồng đội đưa tôi đi chôn. Vì huyệt đã bị đất đá lấp đầy nên một chiến sĩ đặt tôi lên trên miệng huyệt. Nghe tiếng đất rào rào tôi tỉnh dậy vùng ra khỏi huyệt, nắng xiên rất rát, tôi  trườn về phía một gốc cây gần đấy và nằm thở dưới bóng râm. Rất may là có đồng chí Hùng, quê ở Hà Tĩnh phát hiện và đưa về trạm quân y".

Nghe đến đây, chúng tôi hỏi họa sĩ: “Vậy tình trạng đôi mắt của họa sĩ kể từ ngày bị thương?”. Họa sĩ trả lời: "Sau năm 1975 bị hỏng đôi mắt.  Đến năm 1982, tôi được giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân chữa sáng mắt. Năm 2005 mắt có nguy cơ tái mù, tôi được cấp trên tạo điều kiện sang chữa tại Nhật Bản, năm 2006 mắt tôi được sáng. Tuy nhiên, nay thì vết thương tái phát mắt lại đã mờ đặc, chỉ phân biệt được tối sáng".

Trong câu chuyện với đại tá-họa sĩ Lê Duy Ứng, chúng tôi được họa sĩ kể về người vợ yêu quý của mình, người phụ nự hiền thục đảm đang- người luôn đồng hành cùng chồng trong cuộc sống vượt lên khó khăn đời thường. Có ai đã từng nói: Sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ. Với trường hợp họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng thật đúng như vậy.  Tình yêu của người vợ hiền đã góp phần không nhỏ trong việc giúp họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường cũng như sự nghiệp hội họa.  Người họa sĩ bồi hồi nhớ lại những giây phút khó quên về hạnh phúc cuộc sống.

Khi giới thiệu về vợ, họa sĩ cho biết: "Tôi may mắn được ông tơ bà nguyệt xe duyên với vợ tôi bây giờ. Nhờ sự chung thủy, đảm đang, chịu thương chịu khó của vợ tôi mà cuộc sống tôi được như hôm nay. Vợ tôi tên là Trần Thị Lê, sinh năm 1953, tại Hà Nội. Chúng tôi gặp và yêu nhau từ năm 1973, khi vợ tôi còn là một thiếu nữ xinh đẹp. Chúng tôi đã có nhiều thư từ trao đổi với nhau. Cũng như bao đôi lứa thanh niên khác, chúng tôi cũng hò hẹn, cũng nhớ thương với bao kỷ niệm mối tình đầu trong sáng. Nhưng rồi sau khi bị thương hỏng đôi mắt, tôi đã nghĩ tới kết cục hãy chia tay bởi tâm lý tự ty mặc cảm.

Tuy nhiên, Lê tâm sự: “Anh và em yêu nhau khi anh còn sáng mắt. Nếu sinh con thì con chúng ta sẽ là giống anh, hoặc giống em, dù  mắt không còn nhìn thấy nữa anh vẫn hình dung được khuôn mặt con chúng ta". Tôi nghĩ đó là lời tỏ tình hay nhất trên thế gian giành cho người lâm vào hoàn cảnh như tôi, một người đã không còn đôi mắt. Ngày 19-9-1976 chúng tôi làm đám cưới tại khu tập thể Trương Định, Hà Nội. Giờ đây gia đình tôi là một tổ ấm hạnh phúc. Con trai đầu của tôi là nhà báo đang công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, con gái tôi là họa sĩ đang công tác tại Báo Nhân dân”.

Một giờ được nghe họa sĩ thương binh- đại tá Lê Duy Ứng kể chuyện quả là quá ít, còn biết bao điều thú vị khác mà họa sĩ chưa kể với chúng tôi. Rồi đây qua phòng trưng bày tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh, khán giả sẽ được trực tiếp chiêm ngưỡng tác phẩm của một họa sĩ thương binh giàu nghị lực. Đó là trên 200 bức tranh và 6 bức tượng gỗ. Đến nay họa sĩ Lê Duy Ứng đã có 42 triển lãm khắp mọi miền đất nước, 8 giải thưởng trong ngoài nước. Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh. Tác phẩm của anh ngợi ca sự anh dũng kiên cường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới ánh sáng dẫn đường của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thay cho lời kết bài viết này, chúng tôi xin được trích thơ một người yêu tranh Lê Duy Ứng, viết cảm tưởng khi xem tranh Lê Duy Ứng:

"...Tranh của anh ấm áp tình
                                        người
Có hình vợ hiền, có bao đồng đội
Có miền quê Quảng Bình, có phố
                           phường Hà Nội
 Có những đoàn quân và những
                                  niềm tin...
Nay bạn bè từ khắp bốn phương
Đến với anh xem tranh, ngắm
                                         tượng
Chia sẻ với anh những buồn vui
                                  khổ sướng
Anh trở thành bức tượng sống
                                    anh ơi”.

                                                                                           Phan Hòa

,
.
.
.